Deepfake và cắt ghép video hoành hành mùa bầu cử

Khánh Như
Khánh Như
23/02/2024 17:57 GMT+7

Thời gian gần đây, hàng loạt quốc gia đã ghi nhận tình trạng sử dụng deepfake và cắt ghép video, hình ảnh để giả danh và hạ thấp uy tín của các ứng viên lãnh đạo.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc hôm nay 23.2 cảnh báo sẽ có phản ứng mạnh mẽ với những vụ việc tương tự trong tương lai, sau khi một đoạn video bịa đặt việc Tổng thống Yoon Suk Yeol xin lỗi về "tham nhũng và năng lực kém" xuất hiện trên mạng, theo hãng thông tấn Yonhap.

Đoạn video nói trên đã được lan truyền trên các nền tảng gồm Instagram, Facebook và TikTok, vào thời điểm nhạy cảm trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 4 ở Hàn Quốc.

Trong đó, đáng chú ý là đoạn ông Yoon nói rằng chính phủ "bất tài và tham nhũng" của ông thường xuyên thực hiện những hành vi sai trái và bất công, hủy hoại đất nước và khiến người dân đau đớn.

Cảnh sát hôm 22.2 đã yêu cầu Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc (KCSC) xóa và chặn video khỏi các nền tảng trực tuyến. Trong cuộc họp khẩn cấp hôm 23,3, KCSC đã nhất trí sẽ phối hợp với lực lượng thực thi pháp luật để ngăn đoạn video bị phát tán rộng hơn.

Deepfake và cắt ghép video hoành hành mùa bầu cử - Ảnh 1.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trả lời phỏng vấn với đài KBS tại Văn phòng Tổng thống ở Seoul ngày 4.2

REUTERS

Người phát ngôn Kim Soo-kyung của Tổng thống Hàn Quốc cho biết: "Chúng tôi quan ngại sâu sắc về thực tế là bất chấp điều trên, một số cơ quan truyền thông vẫn lan truyền video này dưới mục đích 'châm biếm' và cho rằng việc đó là ổn bởi vì video đã bị đánh dấu là giả".

Ban đầu, video bị nghi ngờ là sản phẩm của deepfake, một công nghệ AI chuyên phân tích chuyển động của con người để dựng lên những sản phẩm trông như thật.

Tuy nhiên, sau đó nhiều người phát hiện đoạn video là sự tổng hợp và cắt ghép những tuyên bố được ông Yoon đưa ra trong một cuộc tranh luận trên truyền hình vào tháng 2.2022, khi ông còn là ứng viên tổng thống.

Trước đó, AI đã được sử dụng để tạo các thông tin giả trong các cuộc bầu cử ở Slovakia và Indonesia.

'Tổng tư lệnh kêu gọi lật đổ tổng thống' Ukraine hóa ra là video giả

Công dân của hàng chục quốc gia (trong đó có Mỹ, Ấn Độ và rất có thể là Anh) trong năm nay sẽ đi bầu lãnh đạo. Các chuyên gia cảnh báo khả năng rất cao deepfake sẽ bị lạm dụng cho mục đích chính trị.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bị giả mạo giọng nói bằng deepfake để gọi điện cho cử tri trước thềm cuộc bầu cử sơ bộ ở bang New Hampshire, theo tờ The Guardian.

Trong cuộc gọi xuất hiện ngày 21.2, các cử tri đảng Dân chủ nghe thấy giọng rất giống của ông Biden, với nội dung kêu gọi họ không đi bỏ phiếu ở bang này. Giới chức địa phương cho rằng đây có thể là âm mưu phá hoại từ những người phản đối ông Biden, hoặc từ những người muốn gây rối ở Mỹ.

Vụ sử dụng deepfake để mạo danh ông Biden là thách thức lớn đầu tiên đối với các nỗ lực tìm giải pháp giám sát một hệ sinh thái thông tin, trong đó bất kỳ ai cũng có thể tạo ra hình ảnh chân thực của các ứng viên hoặc sao chép giọng nói của họ bằng độ chính xác đến đáng sợ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.