Việc phát hiện chất DEHP có trong thực phẩm có thể gây ung thư khiến người tiêu dùng lo lắng, nhưng thông tin về chất này còn chưa rõ ràng. Hôm qua 13.7, Hội Y tế công cộng TP.HCM có buổi hội thảo về DEHP, với sự tham dự của nhiều nhà chuyên môn, cơ quan liên quan.
|
Có ở khắp nơi
TS-BS Lê Trường Giang - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói, DEHP được phát hiện trong thực phẩm là sự kiện lớn khiến cả thế giới quan tâm. Tại VN cũng đã phát hiện một số loại thực phẩm có chứa DEHP, gây lo lắng đối với người tiêu dùng. Trước tình hình đó, các cơ quan quản lý thực phẩm trong nước từ cấp bộ đến các sở y tế phải khẩn trương có những biện pháp kiểm tra giám sát. Một số nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong nước cũng đã cho thu hồi sản phẩm chứa DEHP. Bộ Y tế cũng đã ban hành tạm thời ngưỡng nhiễm chéo DEHP trong thực phẩm.
Hiện, chưa có nghiên cứu sâu về tác hại của DEHP trên sức khỏe con người, nhưng Bộ Y tế Mỹ cho rằng, cần đề phòng vì DEHP có thể gây ung thư, làm tổn hại lá gan và hệ sinh dục nam...
|
||
GS-BS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư TP.HCM |
||
Theo TS-BS Lê Trường Giang: “DEHP không chỉ có trong thực phẩm, mà nó hiện diện ở các sản phẩm tiêu dùng mà chúng ta tiếp xúc, sử dụng hằng ngày như: đồ chơi trẻ em, vật dụng y tế bằng nhựa; trong thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm… nếu sản phẩm đó được sản xuất từ nguyên liệu có chứa DEHP”. GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn cho biết rõ hơn về sự hiện diện của chất DEHP trong các sản phẩm đồ dùng như: loại màng dùng bọc thức ăn; áo đi mưa, nhất là áo mưa mỏng mặc một lần rồi bỏ chứa rất nhiều DEHP; băng keo; rèm nhựa, cửa nhựa; núm vú giả; keo xịt tóc; sơn móng tay... Giáo sư Sơn cho biết, trước đây cũng đã từng có thông tin sữa bị nhiễm DEHP, và qua tìm hiểu, người ta mới biết được rằng, sữa nhiễm DEHP là từ cái chụp làm bằng nhựa (chụp lên vú của bò để lấy sữa). Các thực phẩm dễ nhiễm DEHP là sữa, bơ, pho mát, thịt, cá, vì DEHP dễ hòa tan trong thực phẩm có chất béo.
Ngoài ra, DEHP còn hiện diện trong các dụng cụ y tế làm bằng nhựa. Theo TS-BS Hà Mạnh Tuấn - Giám đốc BV Nhi đồng 2 (TP.HCM), phần lớn dụng cụ y tế sử dụng trên bệnh nhân ngày nay đều làm bằng nhựa (trong đó chiếm 40% là PVC - loại nhựa thường có chứa DEHP) như: ống tiêm, dây truyền dịch, truyền máu, ống thở oxy… “Như, việc nuôi ăn cho bệnh nhi qua ống sonde dạ dày có nguy cơ cao nhiễm DEHP; kế nữa là nuôi ăn qua đường truyền bằng dung dịch có chứa lipid; với truyền máu thì nguy cơ ít hơn (trừ trường hợp phải thay máu, hay rút máu ra, trả máu về)”, TS-BS Hà Mạnh Tuấn nói.
DEHP nguy hiểm như thế nào?
Dưới góc độ của người làm chuyên môn về ung thư, tham luận của GS-BS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư TP.HCM cho biết: “Hiện, chưa có nghiên cứu sâu về tác hại của DEHP trên sức khỏe con người, nhưng Bộ Y tế Mỹ cho rằng, cần đề phòng vì DEHP có thể gây ung thư, làm tổn hại lá gan và hệ sinh dục nam...”. Theo GS-BS Chấn Hùng: “Nghiên cứu trên chuột trong phòng thí nghiệm, người ta ghi nhận tác hại nổi cộm của DEHP là khiến bộ phận sinh dục của chuột đực kém phát triển, tinh hoàn bị teo nhỏ lại, làm giảm tính đực, và làm cho tinh trùng không mạnh. Nếu mẹ mang bào thai là con trai mà bị nhiễm DEHP thì bé trai sinh ra sẽ có nguy cơ bị những tác hại nói trên”.
Tuy nhiên, GS-BS Nguyễn Chấn Hùng cũng lưu ý người tiêu dùng không quá hoang mang, mà cần hiểu rằng, DEHP “có thể gây ung thư”, chứ chưa có kết luận “gây ung thư”. Năm 1995 IARC (Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế) đã xếp chất DEHP vào nhóm 2B có thể gây ung thư cho người; năm 2003, IARC lại xếp DEHP vào nhóm 3B không gây ung thư cho người; nhưng đến tháng 4 năm nay, từ các kết quả thí nghiệm mới trên chuột, IARC lại đưa DEHP trở về nhóm 2B.
TS-BS Hà Mạnh Tuấn - Giám đốc BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, nghiên cứu cho thấy, DEHP có khả năng vào cơ thể nhiều nhất là qua đường tiêu hóa và đường máu. Phần lớn chúng chuyển hóa qua gan, có thể đi qua nhau thai và bài tiết qua sữa mẹ. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn cho rằng, người tiêu dùng chớ quá hoang mang vì cơ thể chúng ta đào thải đến 80% DEHP ra ngoài.
Cần đặt tiêu chuẩn DEHP trong dụng cụ y tế nhựa DEHP (diethylhexyl phthalate) là chất lỏng không màu, nhiệt độ sôi ở áp suất bình thường là 384 độ C. Nó được thêm vào để nhựa PVC dẻo và đàn hồi hơn; được cho vào đồ nhựa để dễ chế tạo đồ chơi trẻ con. DEHP là phụ gia công nghiệp, không được dùng trong sản xuất thực phẩm. Nhưng nó lại được cho vào thực phẩm để giữ thực phẩm được lâu, giữ màu mùi lâu… Hiện, Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế - Codex chưa ra quy định giới hạn tối đa mức DEHP trong thực phẩm, nhưng Mỹ quy định cho phép trong nước uống là 6 microgram/lít; trong không khí 5 mg/m3/8 giờ làm việc; đồ chơi trẻ em nếu chứa 0,1% phải ngưng lưu hành. Các nước châu u cấm dùng DEHP trong chế tạo đồ chơi, do trẻ thường hay đưa đồ chơi vào miệng. Bộ Y tế VN vừa ban hành tạm thời mức DEHP nhiễm chéo là 1,5 mg/kg đối với thực phẩm rắn và lỏng (không bao gồm nước uống đóng chai). Bác sĩ Hà Mạnh Tuấn đề xuất, cần đặt ra tiêu chuẩn hàm lượng DEHP trong dụng cụ y tế nhựa; và ghi rõ thành phần cấu tạo trên bao bì y tế nhựa có chất DEHP hay không. Các chuyên gia khuyên, không nên dùng chén dĩa nhựa chứa thức ăn nóng, hoặc chứa thức ăn béo (ngay cả ở nhiệt độ thường); hạn chế sử dụng cuộn màng trong bọc thức ăn. |
Thanh Tùng - Hà Minh
Bình luận (0)