Một du học sinh hát. Một nữ rapper nói về ngôi sao ước mơ của mình. Dàn hợp xướng hùng hậu của sinh viên. Ở Khát vọng trẻ lần thứ 8 (do Báo Thanh Niên tổ chức, diễn ra lúc 20 giờ hôm nay 28.12 tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, VTC9 - Let's Việt), người ta sẽ thấy thanh niên hát, hát cho thanh niên về hoài bão thành thực của mình.
Sân khấu Khát vọng trẻ trong đêm tập - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Chiều qua 27.12, Khát vọng trẻ đã diễn tập để chuẩn bị cho đêm khai diễn. Khi Thu Thủy, nữ sinh Trường Sư phạm nghệ thuật T.Ư - đứng trên bục dành cho dàn hợp xướng của Khát vọng trẻ - Tổ quốc gọi tên mình, cô thấy nửa quen, nửa lạ. “Có những bài hát em đã quen lâu rồi. Như bài Đất nước bên bờ sóng hay Huyền thoại mẹ. Nhưng có bài em chưa hát lần nào như Ngôi sao ước mơ. Bài hát rất hay, nhưng không có trong chương trình ở trường của em”, cô nữ sinh chia sẻ. Và những thầy giáo, cô giáo nhạc họa tương lai đã hát rất hay, để những bài ca như dày thêm, mềm mại hơn...
Bản phối mới, hiệu ứng mới
Khát vọng trẻ - Tổ quốc gọi tên mình lần này, dù mang âm hưởng của những nhịp hải âu trên biển rộng dài, trên đảo xanh màu áo lính, những bước chân dài trên cồn cát Quảng Bình của những người mẹ VN anh hùng, vẫn giữ đúng bản sắc. Đó là cái nhìn của thanh niên - cái nhìn trẻ. Trong đó, không chỉ có sự hồn nhiên, thơ ngây mà đã định hình rõ sự chia sẻ với những số phận, sự dấn thân với cuộc đời. Một hình dung về những người trẻ đang mang trong mình thật nhiều hoài bão.
Trong suốt chương trình, các ca sĩ cũng chợt trẻ hơn với những bản phối mới, những hiệu ứng sân khấu mới. Khi ca sĩ Phạm Thu Hà hát Đất nước bên bờ sóng theo phong cách bán cổ điển, giọng ca của cô như nhẹ hơn và bay bổng hơn nhờ hòa ca của dàn hợp xướng cùng những hình ảnh ngày gặp mặt của nhiều gia đình người lính, người yêu, cha mẹ, bạn bè. Xa xa là cầu Hiền Lương đã được nối liền. Trong ghi nhớ công ơn, không có bi lụy, chỉ còn âm hưởng anh hùng ca và sự sẻ chia tận cùng của lòng người. “Tôi như hiểu hơn những số phận của thế hệ trước. Là một người trẻ, bài hát cho tôi thêm trải nghiệm. Khi tôi hát đến câu Cho tôi hát tên người, Việt Nam ơi, tôi đã cố để không khóc”, nữ ca sĩ nói.
Đâu chỉ Phạm Thu Hà xúc động. Khi chương trình được chạy thử, các nghệ sĩ khác cũng xúc động vì những lời ca mà đồng nghiệp mình cất lên. Giọng ca sĩ Thanh Thúy vốn vẫn ngọt ngào trong các điệu dân ca thì nay ngọt hơn, lả lướt hơn với chất ca trù trong Đất nước lời ru. Lệ Quyên với chất giọng thật dễ nhận ra bỗng như đằm thắm hơn trong câu chuyện Huyền thoại mẹ, câu chuyện được kể xen với hiệu ứng bóng mờ trên nền vải có đèn đánh ngược...
Sức trẻ để bùng nổ
Sự xúc động đó còn kéo dài suốt chương trình Khát vọng trẻ. Nó còn được pha thêm sức trẻ, cách hát trẻ, bài hát trẻ để bùng nổ. Nói về tiết mục của một du học sinh biểu diễn trong chương trình, đạo diễn Trần Vi Mỹ cho biết: “Đây không phải lần đầu Khát vọng trẻ mời một du học sinh hát. Nhưng lần này, hát trên quê hương, trong một chương trình cho thanh niên, du học sinh này thấy xúc động hơn hẳn”.
Và trên cái nền hát cho quê hương, cho thế hệ mới đó, đạo diễn đã sân khấu hóa ngày mới, buổi sáng mới thật linh hoạt, giàu nhịp điệu. Không chút gò bó, những hình ảnh thường nhật được đưa lên sân khấu. Đưa lên theo cách dung dị nhất, gần gũi nhất để có thể đáng yêu nhất. Buổi sáng bên hồ. Chàng trai vẽ tranh. Quán cà phê quen thuộc. Nhưng trên tất cả, thân thuộc hơn cả là những hình ảnh về thanh niên tình nguyện - những người việc gì khó đều có họ.
Công chúng trẻ sẽ được gặp những nhân tố mới, bước ra từ những cuộc thi âm nhạc do chính họ bình chọn. Hai quán quân Thần tượng âm nhạc VN Quốc Thiên và Nhật Thủy. Kimmese - nữ ca sĩ đã hát chuyên nghiệp từ năm mới 14 tuổi. Giờ đây cô vừa sáng tác vừa biểu diễn. Phương Vy - người thắng giải Thần tượng âm nhạc đầu tiên...
“Tổ quốc gọi tên mình là lời hiệu triệu cho mọi người. Nhưng hơn hết, người trẻ sẽ là người lắng nghe, hưởng ứng nó nhiều nhất, nhanh hơn cả”, đạo diễn Trần Vi Mỹ nói.
Sẵn sàng khai diễn
Cả ngày hôm qua, các ca sĩ, nhóm nhạc, vũ công đoàn Ukraine tập luyện cho đêm diễn chính thức Khát vọng trẻ 8. Đặc biệt, lúc 16 giờ 30, anh Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn và anh Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên đã tới theo dõi buổi tập.
Các màn hình, hệ thống ánh sáng đã hoàn thiện, đảm bảo chất lượng tốt nhất cho đêm nay. Các vũ công Ukraine hôm qua tập luyện với thần thái tươi tỉnh, biên đạo múa Boris Nhicolaievich rất hài lòng. Jura, vũ công trong đoàn Ukraine cho hay cả nhóm đã tập luyện ăn ý hơn nhiều so với buổi tập ngày 26.12. “Có thể dùng một từ là sẵn sàng. Tuy nhiên đây là một chương trình rất lớn, hàng triệu khán giả theo dõi trực tiếp và trên truyền hình nên chúng tôi có đôi chút lo lắng”, Jura bày tỏ.
Ngày hôm qua, các cô gái Ukraine đã được tập với áo dài VN. Họ đã gây bất ngờ trên sân khấu Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô khi xuất hiện duyên dáng, đi lại uyển chuyển trong tà áo dài trắng.
Trong buổi tập chiều qua có rất đông đảo khán giả đến xem. Anh Nguyễn Nam Phương, 34 tuổi, ở phố Khâm Thiên cho hay: “Tôi thấy rất tiếc là mình không có vé mời. Tôi đã tưởng tượng đến sự vỡ òa của khán giả trước những màn biểu diễn thăng hoa của các nghệ sĩ cả VN và Ukraine”.
Thúy Hằng
|
Bình luận (0)