Đêm Giáng sinh, đi tìm bí mật về ngôi sao Bethlehem trong truyền thuyết

24/12/2024 12:41 GMT+7

Ngôi sao Bethlehem hay ngôi sao Giáng sinh là một biểu tượng quen thuộc trong Thiên Chúa giáo và cũng được biết tới rộng rãi khắp nơi trên thế giới. Liệu rằng nó có thật không hay chỉ là truyền thuyết?

"Ngôi sao Bethlehem có lẽ không phải là một… ngôi sao", Space.com cho biết dưới góc nhìn thiên văn học. Vậy, ngôi sao Giáng sinh nổi tiếng này là gì?

Chuyện kể về ngôi sao Giáng sinh

Như câu chuyện nổi tiếng trong Phúc âm Matthew kể lại, ngôi sao Bethlehem đã dẫn đường cho 3 nhà thông thái đến Jerusalem cách đây khoảng 2.000 năm. Sau khi tham khảo ý kiến của vua Herod xứ Judea, những người đàn ông đã tìm thấy Chúa Jesus mới sinh tại thị trấn nhỏ Bethlehem.

Đêm Giáng sinh, đi tìm bí mật về ngôi sao Bethlehem trong truyền thuyết- Ảnh 1.

Ngôi sao Bethlehem hay ngôi sao Giáng sinh được biết tới rộng rãi khắp nơi trên thế giới

ẢNH: VACA

Liệu một sự kiện như vậy có thực sự xảy ra trong lịch sử hay không thì rất khó để chứng minh, nhưng nếu có thì ngôi sao Bethlehem là gì?

Đây là một câu hỏi mà các học giả đã suy ngẫm từ lâu, không chỉ từ góc độ tôn giáo hay lịch sử, mà còn từ góc độ khoa học. Rất nhiều lý thuyết đã được đưa ra, từ một sự kiện thiên văn đến tử vi, chiêm tinh. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, nhờ thiên văn học hiện đại, các nhà khoa học đang tiến gần hơn đến câu trả lời.

Chuyên gia cho rằng ngày nay, với những khảo cứu lịch sử chi tiết cùng khả năng tính toán chính xác của những phương trình phức tạp về chuyển động thiên thể, các nhà thiên văn học có thể lần ra dấu vết của những sự kiện diễn ra hàng nghìn năm trước.

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, ngôi sao Giáng sinh là truyền thuyết hay sự thật?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Ngôi sao Bethlehem là một ngôi sao, sao chổi ... hay phép lạ?

Có ít nhất 4 giả thuyết được đưa ra để giải thích về ngôi sao Bethlehem dưới góc nhìn thiên văn văn. Có lẽ ý tưởng đầu tiên được đưa ra là đó là một sao băng sáng bất thường được nhìn thấy đang lao về phía chân trời.

Nhưng như bất kỳ người quan sát bầu trời nào cũng biết, một vật thể như vậy có thể được nhìn thấy lướt qua bầu trời chỉ trong vài giây - không đủ lâu để dẫn các nhà thông thái đi được nửa đường qua phương Đông đến thị trấn nhỏ Bethlehem. Vì vậy, chúng ta có thể loại bỏ trường hợp này.

Đêm Giáng sinh, đi tìm bí mật về ngôi sao Bethlehem trong truyền thuyết- Ảnh 2.

Ngôi sao Giáng sinh có phải là ngôi sao chổi sáng?

ẢNH: LƯU HOÀI NAM

Tuy nhiên, có khả năng đây là một sao chổi sáng. Những vật thể như vậy có thể vẫn nhìn thấy được bằng mắt thường trong nhiều tuần trên bầu trời trước bình minh hoặc lúc chạng vạng. Sao chổi Halley nổi tiếng, lần cuối cùng được nhìn thấy vào đầu năm 1986, bùng phát trên bầu trời vào tháng 8 và tháng 9 năm 11 TCN. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu đều bác bỏ nó do thời gian không khớp.

Có lẽ câu trả lời đơn giản nhất là một vụ nổ siêu tân tinh hoặc sao mới. Một ngôi sao mới bùng nổ ở nơi chưa từng thấy và không để lại dấu vết nào để chúng ta tìm thấy.

Mặc dù một vụ nổ siêu tân tinh là lời giải thích thỏa đáng nhất cho ngôi sao Giáng sinh, nhưng có một vấn đề nghiêm trọng với nó, ở chỗ dường như không có bất kỳ ghi chép xác đáng nào về một nova sáng xuất hiện trên bầu trời trong thời gian mà các nhà nghiên cứu Kinh thánh tin rằng Magi đã thực hiện cuộc hành trình của họ.

Bên cạnh đó, việc giao hội các hành tinh cũng là một khả năng rất đáng chú ý. Giao hội là hiện tượng biểu kiến khi chúng ta thấy hai hay nhiều hành tinh (hoặc hành tinh và một sao nào đó) áp sát nhau trên bầu trời.

Đêm Giáng sinh, đi tìm bí mật về ngôi sao Bethlehem trong truyền thuyết- Ảnh 3.

Đêm Giáng sinh, đi tìm bí mật về ngôi sao Bethlehem trong truyền thuyết- Ảnh 4.

Nhiều giả thuyết đưa ra về vụ nổ siêu tân tinh hoặc sự giao hội các hành tinh

ẢNH: HUY HYUNH

Một khả năng được xét tới là các nhà thiên văn xác định được nhiều lần giao hội của sao Mộc và sao Kim ở vị trí của chòm sao Leo vào các năm 3 và 2 TCN. Hai hành tinh này khi đó, theo như tính toán ngày nay của các nhà thiên văn, đã tới gần nhau đủ để tạo thành một điểm sáng rực rỡ trên bầu trời đêm.

Người cổ đại thường liên hệ sao Mộc tới những vị vua còn sao Kim lại liên hệ tới phụ nữ và sinh sản, do đó rất có thể đây là lý do mà các nhà thông thái lên đường. Đặc biệt nhất trong chuỗi giao hội này là vào tháng 6 năm 2 TCN, khi sao Mộc và sao Kim giao hội ở rất gần vị trí của sao Regulus (ngôi sao sáng nhất của chòm sao Leo).

"Cũng có thể đây là một hiện tượng siêu nhiên, một bí ẩn mà khoa học hiện đại không bao giờ có thể thực sự giải đáp được", chuyên gia bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.