Đêm giao thừa ở bến xe miền Đông

29/01/2006 13:11 GMT+7

Trời choạng vạng tối, bến xe miền Đông lác đác người. Nơi ngày thường vẫn dành cho xe buýt đậu, nay trở nên trống trải. Những lớp rác ngồn ngộn khiến bến xe chiều tối cuối năm trở nên tan hoang, giống như phiên chợ vừa tan.

Cách vài dãy ghế mới thấy một tốp người ngồi, ngày thường sẽ không còn một chỗ trống. Nơi khu vực bán vé về Vũng Tàu, một cô gái ôm một chú khuyển cưng nhỏ như cái bắp chuối đang ngồi tần ngần. Chốc chốc lại mắng yêu khi thấy con chó thọc cái mõm ngắn ngủn vào cái túi đựng đầy thức ăn cô mang bên người.

21h30, chuyến xe cuối cùng về Quãng Ngãi chuẩn bị chuyển bánh. Ba cô gái ngự trên một chiếc xe Dream đã cũ lao tới. Cô ngồi sau nhảy phốc xuống khi chiếc xe chưa kịp dừng hẳn chạy lại đập mạnh vào thùng xe: “Còn có hai người”, rồi kéo lê cái túi xách to đùng bước lên xe. Chiếc xe bắt đầu chuyển bánh. Một phụ nữ tay xách, nách mang lỉnh kỉnh các loại túi hớt hải chạy theo. Người lơ xe đấm cửa ầm ầm báo hiệu dừng lại. Bác tài xế nhả cái giọng khàn khàn đậm chất thuốc lá: “Tết đến nơi rồi, làm ơn lẹ giùm con!”. Những người ngồi trên xe nhìn nhau ái ngại khi thấy thân hình quá đồ sộ của người khách vừa mới bước lên. Xe chật ních người nhưng ai cũng nhích ra để người phụ nữ kia có chỗ ngồi. Chiếc xe khách cuối cùng rời khỏi bến, tất cả lại trở nên vắng lặng. 

Giữa cổng số 2 được trang hoàng những cột bóng nháy rực rỡ. Có mấy cặp vợ chồng dẫn con nhỏ ra đó chơi, vừa nghịch nước, vừa chụp hình. Một bà già chống nạng đang lẩm bẩm điều gì đó trong miệng nhưng khi thấy bà già đi trước xách mớ đồ đi thẳng vào nhà chờ thì ba ta la lớn tiếng: “Ngồi đây này”. Gói bánh... làm đầu câu chuyện. Hai người phụ nữ kia, một người thì bị què chân, còn người kia thì bị hư một mắt. Họ sống lây lất ở các bến xe để xin ăn. Những năm trước còn khỏe mạnh, có thể đi lượm đồ bán ve chai nhưng vài năm gần đây, cả hai đã yếu sức nên phải sống bằng đồng tiền bố thí. Ngày trước họ ăn xin ở các chợ, các ngã đường. Từ ngày bến xe miền Đông có siêu thị, họ về đây, vừa sạch sẽ lại được nhiều người cho.

Ở ghế đá bên cạnh, một người phụ nữ đang vạch áo lên cho con bú. Hai chân chị ta xỏ trong một cái bọc ni-lông màu hồng. Chị ta bị phong thấp nên một tí là chị ta xoay chân khiến cái bịch bóng kêu lên rột roạt. Bà già què chân quay qua hỏi: “Mấy tháng rồi mẹ Xoan hử?”. Người phụ nữ cầm lấy bàn tay nhỏ xíu của đứa bé lên môi rồi trả lời: “Tháng tư tới tròn 1 năm”.

Lúc này ở những ghế đá khác đã thấy bóng những người ra Bắc chờ lên xe vào sáng mùng 1 Tết. Hai người đàn ông về Thanh Hóa đang nằm gác chân lên thành ghế, miệng đang nhẩm theo một bài hát phát ra từ chiếc đài nhỏ. Họ là hai anh em ruột nhưng một người thì đã ngoài 60 còn người kia sẽ bước vào tuổi 22 trong đêm nay. Người anh bảo cậu em là “con mót”. Hai anh em làm nghề phụ hồ. Họ sẽ về quê luôn nên không cần thiết phải về trước Tết. Sáng mùng 1 Tết xe vừa ít khách tiền lại rẻ hơn.

Gần 24h. Giờ này ở trung tâm thành phố đang chật ních người. Nhà nhà cùng nhau ra đường để đón giao thừa và chứng kiến màn bắn pháo hoa lộng lẫy ở Bến Nhà Rồng. Ở bến xe miền Đông cũng vậy. Tất cả đang mong ngóng đến giờ phút được nhìn thấy hình ảnh của pháo hoa in lên bầu trời. Tiếng nhạc rộn rã phát ra từ chiếc loa làm cho mọi người trở nên háo hức. Tiếng đếm từ chiếc loa vọng ra: “10, 9. 8. 7,...” và một tiếng “đùng”. Bầu trời Sài Gòn bỗng rực sáng. Những hành khách chờ xe cố tìm một chỗ cao để nhìn cho rõ. Bà già hư mắt kéo người bạn của mình khỏi chiếc ghế đá để nhìn cho rõ hơn.

15 phút pháo hoa rực rỡ trên bầu trời trôi qua, hai bà già quay về nằm ở hai ghế đá, người phụ nữ có con nhỏ thẩy một cái bịch ni-lông cho bà hư mắt để bà xỏ chân vào. Bến xe miền Đông lại trở nên vắng lặng, một sự vắng lặng đến nao lòng.

Bảo Thiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.