Đêm hoa lệ của Trác Thúy Miêu đã có nhiều phiên bản, đầu tiên là nói về vùng đất Sài Gòn với những đặc trưng chung, rất ngọt ngào, cảm động, gây ấn tượng rất mạnh. Sau đó là Đêm hoa lệ hậu Covid-19 với những nỗi đau và niềm tự hào của Sài Gòn trong sự đùm bọc và tình yêu không hề vơi cạn. Đêm hoa lệ giỗ Tổ sân khấu thì lướt qua trăm năm với những loại hình nghệ thuật quý giá. Và bây giờ là Đêm hoa lệ của Sài Gòn ngày tết, vừa vui nhộn, tưng bừng, vừa sâu thẳm nỗi niềm của người xa quê, hoặc không có quê, hoặc không có ai chờ đợi, hoặc người tranh thủ bán buôn kiếm thêm chút tiền sinh sống, tết của họ muộn màng, nhưng vẫn thiêng liêng nơi quê mẹ. Những chuyến xe cuối cùng chở theo bao nhiêu phận người tứ xứ về với quê hương, bỏ lại Sài Gòn phía sau như một lời hẹn phồn hoa sau tết.
Tết Sài Gòn còn có những đặc trưng Sài Gòn, như quán vỉa hè mở cửa suốt từ giao thừa không ngơi nghỉ, như cải lương rộn ràng kéo người ta tới rạp, như tiếng ông xẩm mù rơi vào không gian hoài niệm vì Sài Gòn cũng rất nhiều dân gốc Bắc… Đêm hoa lệ đan xen nốt bổng nốt trầm, đủ sâu sắc và đủ tưng bừng cho cả khán giả già lẫn trẻ.
Bình luận (0)