Theo Hội Thiên văn Hà Nội, thời điểm trăng tròn tháng 12, mặt trăng sẽ nằm ở phía đối diện của trái đất so với mặt trời và mặt của nó sẽ được chiếu sáng hoàn toàn.
"Lần trăng tròn này được các bộ lạc thổ dân da đỏ đầu tiên gọi là Trăng Lạnh vì đây là thời điểm trong năm khi không khí lạnh giá của mùa đông tràn về và đêm trở nên dài và tối", HAS thông tin thêm.
Ngoài cái tên phổ biến là Trăng Lạnh, lần trăng tròn này cũng có nhiều tên khác bao gồm Trăng Sương Mù, Trăng Tuyết và Trăng Mùa Đông. Đây cũng là lần trăng tròn cuối cùng trong tổng số 12 lần trăng tròn trong năm 2024. Năm 2025, chúng ta tiếp tục được chiêm ngưỡng 12 lần trăng tròn, khác với 2023 là 13 lần.
Lần trăng tròn này trở nên đặc biệt khi những người quan sát bầu trời có cơ hội chiêm ngưỡng mặt trăng mọc và lặn ở cực bắc vào thời điểm trăng tròn trong chu kỳ 18,6 năm. Điều này đồng nghĩa với việc đến tháng 12.2043, người yêu thiên văn mới có thể nhìn thấy mặt trăng ở vị trí tương tự.
Sau trăng tròn tháng 12, người Việt Nam cũng sẽ được chiêm ngưỡng mưa sao băng đáng chú ý cuối cùng của năm 2024 có tên Ursids dịp giáng sinh. Đây là một mưa sao băng nhỏ, khoảng 5-10 vệt sao băng mỗi giờ. Nó được tạo ra bởi bụi để lại của sao chổi Tuttle, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1790. Mưa sao băng này diễn ra hàng năm từ ngày 17 - 25.12. Nó đạt đỉnh trong năm nay vào đêm ngày 21 và rạng sáng ngày 22.12.
Bình luận (0)