Này nhé, một chị nhà báo “chạy sô” kiếm tiền nuôi thân đàng hoàng. Căn nhà cha mẹ để cho tám chục mét vuông, xe máy, đồ đạc... đủ cả. Hơn nữa tôi biết tự bằng lòng, không ngẩng trông lên quá cao. Cốt sao có đủ sức khỏe cày mỗi tuần vài bài ăn khách, gửi lọt cửa các báo là ổn.
Chỉ tội nghiệp sự sốt ruột của mẹ tôi. Mẹ đánh tiếng cho mấy bà bạn có những cậu con giai ế vợ rằng:
- Miễn nó bằng lòng, gia đình tôi ủng hộ hoàn toàn khoản cưới xin. Cơ nghiệp nhà này cũng dành cho nó cả. Con chị gái nó có phúc có phần đầy đủ rồi, không sợ ai tị.
Các bà bạn tha hồ tiếc.
- Giá nó với thằng cháu nhà tôi phải duyên nhau có sung sướng không nhỉ? Nhưng nó cứ nguây nguẩy không chịu gặp thằng bé, chả lẽ lấy thừng trói chúng lại.
Tôi thầm bật cười. Cụ nào “mót” quá, cứ việc lấy nhau đi. Chứ mấy cậu ấm cù lần nhà họ, các vàng tôi cũng vái.
|
Mẹ tôi thở dài ưu tư.
- Qua tuổi đẻ đái, sinh nở muộn mằn vất vả lắm. Vả bây giờ chúng mình còn mạnh chân khỏe tay, giúp đỡ trông nom lũ trẻ được. Biết sau này ra sao...
Chị gái tôi lấy chồng hơn mười năm nay, liền tù tì đẻ hai chim cu, một vịt giời. Mẹ tôi gần như sang ở hẳn với gia đình chị, cách đây hai phố. Tôi sống một mình nhiều năm đã quen. Khoái là đằng khác. Muôn năm sự tự do không gì có thể đánh đổi! Đói ăn, khát uống, thậm chí vừa viết vừa ăn cũng chả bị ai trách mắng. Ăn xong vứt bát gầm bàn. Hôm nào làm việc khuya, sáng sau đóng cửa ngủ tùy thích. Quần áo chưa kịp giặt cứ việc để đấy.
Vậy mà hãy tưởng tượng xem, bỗng dưng bây giờ rước một “bố” nào đó về làm chồng, hầu hạ ăn ngủ đúng giờ, mâm bát đàng hoàng, đi đâu phải trình bày lý do, không thể khoác ba lô đi dã ngoại với bè bạn bất cứ lúc nào hứng lên. Ôi chao, bằng án tù chung thân! Chịu thôi.
Có người sẽ hỏi tôi không thấy buồn tủi vì không được yêu thương ve vuốt ư? Thật ngớ ngẩn. Thời buổi này ai cấm yêu đương. Muốn thế nào cứ thoải mái. Chỉ sợ không có sức nổi lửa lên em thôi. Riêng tôi, số không may mắn, chẳng gặp được người đàn ông ưng ý, thà nhịn.
Xin tâm sự, thần tượng của tôi bao năm qua là một ca sĩ có giọng hát mê hoặc. Anh ấy sống ở hải ngoại, ít khi về Việt Nam. Mới đầu chỉ vì ca sĩ này có đôi mắt giống người thanh niên ở cùng phố, người mà mình thầm thương nhớ. Bởi vậy mình đi lùng mua bằng được đĩa hát của thần tượng. Nhưng khi nghe ca sĩ ấy hát hàng ngàn lần, mình lại mê chính anh ta. Tuy nhiên khi hát anh hay nhắm tịt mắt và đôi lần nhe răng như đau đớn lắm. Khi đã yêu, cả cái nhe răng cũng yêu. Có lần mình phải cho đầu đĩa dừng hình đúng lúc thần tượng nhe răng để nhìn cho bằng thích, để đoán biết anh có đến ba mươi hai chiếc răng không kém.
Nhưng thiên hạ chớ nghĩ tôi là loại phụ nữ chỉ yêu bóng yêu gió. Tôi cũng có một mảnh tình vắt vai thứ thiệt, cũng thương yêu mụ mẫm đến tận giờ một người đàn ông, người có đôi mắt giống anh ca sĩ.
Tôi học dưới anh ba lớp, cùng trường, ở cùng khu phố, tuy ngày xưa không chơi với nhau. Tôi âm thầm mang giấu hình ảnh người con trai này ngay từ năm lớp chín. Vậy mà anh không hề biết. Thời gian trôi đi, khi tôi ngỡ đã có thể quên được anh thì số phận lại đưa đẩy cả hai về làm cùng một cơ quan, để anh được nghe rõ tiếng đập thổn thức con tim tôi, mỗi lần tình cờ gặp mặt, sau gần mười năm cách xa. Nhưng tất cả đã quá muộn.
***
Đành nhẽ không phải lỗi do ai. Cuộc đời độc ác không dành anh cho tôi. Anh lấy vợ từ khi tôi mới ra trường. Vợ anh, một phụ nữ hiền lành làm tại Thư viện Quốc gia. Họ đã có với nhau hai đứa con gái sinh đôi chừng bảy tám tuổi. Chúng đẹp tựa thiên thần trong tranh cổ điển phương Tây. Thỉnh thoảng tôi vẫn lén đi theo khi chúng cùng mẹ đến thư viện, nhìn chúng chơi quanh quẩn trong góc vườn hoa. Những lần ấy tôi không sao quên được đôi mắt đen long lanh của chúng, tròn to, rợp bóng hàng mi dày giống hệt mắt bố. Tôi chỉ dám kín đáo quan sát khi vờ ngồi đọc sách dưới bóng cây cổ thụ. Ngó chừng mẹ chúng bước ra sân, tôi vội lảng đi ngay.
Là tôi không thể ngăn mình rình rập tìm hiểu cái gia đình nhỏ bé của anh. Người phụ nữ kia đã được anh đêm đêm ôm ấp đó ư? Nét duyên dáng đáng yêu nào khiến anh phải thốt lên những lời dịu ngọt nồng nàn? Những đứa trẻ kia cuộn mình trong lòng bố thường bi bô chuyện gì? Những lúc bên vợ con có khi nào anh chợt nghĩ tới sự thiệt thòi của tôi không?
Tất nhiên nhiều khi tôi chợt thèm có đứa trẻ để bồng bế hôn hít. Gặp cảnh mấy cô bạn cùng tuổi cứ ôm con rít lên, tôi chạnh lòng phải quay mặt đi.
Nhiều đêm cồn cào nỗi nhớ, tôi chỉ mong trời chóng sáng, phóng xe đến cơ quan, gục vào ngực anh khóc cho thỏa, đòi anh yêu tôi như một người vợ thực sự. Rồi muốn ra sao thì ra. Anh hãy đền bù cho sự chịu đựng mối tình câm bao năm của tôi chứ. Tại sao năm năm yêu nhau, anh chưa một lần tìm cách gần gụi tôi? Tôi có cảm giác anh sợ phải đi đến cùng tình yêu này.
Một tối gió se se lạnh, ngồi trong quán cà phê bên hồ Trúc Bạch, anh nắm tay tôi rất dịu dàng:
- Em à, em lấy chồng đi thôi. Anh không thể ích kỷ níu giữ em mãi như thế. Em cần có một mái ấm gia đình, có đứa trẻ ôm ấp an ủi làm chỗ dựa để sống. Lấy đại ai đó đi, đừng yêu cầu cao quá rồi lỡ.
A, anh cũng biết điều ấy ư?
- Đúng rồi. Em rất thích có một đứa con, nhưng không muốn lấy chồng. Đã không được sống với người mình yêu thì ở vậy cũng chả sao.
- Không lấy chồng sao có con được?
- Ô, anh lạc hậu quá. Cái Thu, cái Hằng đấy thôi? Ai dám cười chúng nó không chồng mà chửa nào? Em thấy chúng nó đàng hoàng một cách đáng khâm phục.
- Tất nhiên... Nhưng như thế gián tiếp anh thành kẻ có tội với em đấy.
- Em sẽ đòi nợ kiếp sau.
- Biết có kiếp nào nữa không?
- Có chứ. Nhất định món nợ này anh không thể “xù” được.
Anh im lặng nhìn sâu vào mắt tôi. Bàn tay ấm nóng của anh hơi run rẩy. Ánh điện mờ nhạt, tôi chỉ nhìn thấy nửa khuôn mặt anh. Dù vậy tôi biết lúc này anh đang xúc động đến nghẹn lời. Tôi lấy hết can đảm khẽ ngập ngừng:
- Hay là... chính anh phải quyết định... Chúng ta nên có một đứa con làm kỷ niệm... Em ao ước thế...
Tôi chợt ngưng bặt giữa chừng. Bởi tôi thấy chút gì như vẻ hốt hoảng khiến anh vội rời bàn tay tôi, hơi ngoái về phía sau dè dặt. Một nỗi buồn giận đột ngột dâng lên trong tôi. Lẽ ra nói những lời đó chính tôi mới cần e sợ chứ? Hóa ra tình yêu này chả có ý nghĩa gì đáng để anh dấn thân sao?
Tôi cười nhạt, giọng trở nên lạnh tanh:
- Là em chỉ ao ước vậy thôi. Đừng vội sợ, em không đẩy anh tới điều gì phải xấu hổ với vợ anh đâu. Ta nói chuyện khác đi.
Mấy phút sau tôi tìm cớ bỏ về. Buồn nhất vì anh “nói chuyện khác” thật.
Tôi đi công tác luôn, tránh gặp anh. Biết tôi giận, anh buồn lắm, nhưng không một lời trở lại chuyện cũ.
Ôi chao, tôi chả cần đâu. Cha của đứa con tôi phải là người đàn ông dám vì tình yêu vượt lên tất cả, hoặc ít nhất cũng là người đàn ông ra đàn ông, cứng cỏi, bản lĩnh. Hãy đợi đấy!
***
Tết đến, tôi giật mình thấy đã vượt ngưỡng sang “tuổi băm”. Đêm giao thừa ngồi một mình nhâm nhi chút vang Pháp, tôi bỗng ao ước nóng bỏng có một đứa con bế ẵm lúc này. Một đứa bé tuyệt vời vẫn đang đợi tôi đâu đó, hẳn rồi. Tôi sẽ chỉ sống cho nó, thiên thần của tôi. Hãy đợi đấy, con của mẹ!
Nhưng trước mắt phải chọn cho con tôi một người cha đủ phẩm cách hoàn hảo. Nếu đứa con của tôi không được là sản phẩm của tình yêu thì dứt khoát nó cũng phải được sinh ra từ sự tính toán cẩn trọng. Giá tôi được làm một chị chàng ong chúa... Một hôm nào đó cô ong chúa trinh nguyên sửa mình ra khỏi tổ với một rừng ong đực bay quanh. Cô ong chúa đột ngột bay vút lên cao. Là nó kén giống từ chú ong đực can đảm nhất, đủ sức bay theo nó lên cao nhất, để hoan phối. Đến nỗi sau lần tột đỉnh hạnh phúc giữa trời cao, chú ong đực kiệt xuất của đàn ong thả rơi mình xuống đất, vĩnh viễn ra đi.
Cũng đáng quá. Đó là một cuộc hôn phối thần thánh. Cô ong chúa chọn cho lũ ong con sau này có được một gien di truyền tốt nhất. Và sau lần duy nhất ấy, cô ong chúa không rời khỏi tổ, chỉ lo suốt đời sinh sản giống nòi.
Thế tất tôi phải đắn đo chọn lựa. Đơn giản kiểu ong nó đi một nhẽ. Con người phức tạp hóa gấp vạn lần.
Có vẻ những người đàn ông mẫu mực của tôi đã rủ nhau lấy vợ hết cả. Được, cứ vợ con hết đi, tôi chả cần. Nho vẫn còn xanh quá! Vả lại điều tôi cần chỉ là một đứa con, một bé gái thật tuyệt vời, đã bảo thế.
Và đương nhiên nó phải mang dấu ấn của một đêm được giời đất giao hòa, một đêm đặc biệt đáng ghi nhớ. Ví như đêm nguyệt thực toàn phần duy nhất trong thập kỷ này, người ta vừa loan báo sắp xảy ra. Bởi tôi tin những gì nảy mầm trong những giây phút thiêng liêng hiếm có, sẽ cho những trái quả kỳ diệu, không thể khác.
Vài năm đi lấy tài liệu gần đây, tôi làm thân với một anh chàng khá độc đáo. Anh là bác sĩ, Bác - sĩ - muỗi, như anh rất hài hước giới thiệu.
- Em ngỡ anh đùa sao? Hôm nào mời em tới thăm cơ quan anh ở ngoại thành, anh sẽ cho em xem Bác - sĩ- muỗi là thế nào. Bọn anh chăm sóc chúng còn hơn chăm con. Có hôm thiếu thức ăn còn phải chìa tay cho chúng hút máu mình ấy chứ.
Sau tôi biết những điều anh nói là thật, nhưng vẫn không thể không buồn cười.
- Ai gọi anh cái tên Bác - sĩ - muỗi, kể cũng hơi tự ái. Chả gì anh đường đường là một hoàng tử phố Hàng Rươi hẳn hoi. Nhà to mặt đường, các cụ chỉ có duy nhất một mống… Của độc chứ đùa!
Gặp anh, chuyện trò, luôn là niềm vui của tôi. Thông minh, hài hước, tốt bụng không ai bằng. Chỉ tiếc anh lại cũng vợ con từ bao giờ.
Một lần anh nửa đùa nửa thật nói khẽ vào tai tôi:
- Thì thế anh mới chịu nhồi máu cơ tim mỗi khi thấy bóng dáng em. Nếu không, chắc chắn anh xây lô cốt trước nhà em lâu rồi. Thề có cây cột điện bên đường chứng giám cho anh.
Nhiều lúc tôi phải vờ làm như không biết những ánh mắt nồng nàn của anh. Không được đùa với lửa, tôi luôn tự nhủ vậy.
Nhưng bất chợt tôi nghĩ đến anh vào thời điểm sát nút. Tôi làm một cú điện thoại:
- Bác - sĩ - muỗi của em… Có chuyện này, anh nghĩ kỹ rồi hãy trả lời. Em cần một vệ sĩ trong đêm mai. Anh có thể vì em, hơn cái cột điện trước cửa nhà em không?
- Sao lại hỏi vậy? Anh sẵn sàng đi cùng trời cuối đất và chiến đấu với bất cứ băng maphia quốc tế nào. Em cứ ra lệnh cụ thể cho anh.
- Em nói nghiêm túc đây. Em muốn anh đi với em tối mai. Một đêm. Đi đâu anh không cần biết trước. Đừng ăn cơm nhà. Mà phải bí mật. Được không?
- Ái chà! Sẵn sàng! Xin sẵn sàng phục vụ công nương xinh đẹp.
Tôi cúp máy, biết hai tai mình đỏ nhừ, nóng rát. Suốt mấy ngày nay, tôi hình dung những lời thổ lộ với anh cái chuyện khó nói đó. Nói cách gì cũng thấy dơ. Liệu anh có nghĩ tôi là loại gái già, thèm thuồng đàn ông không?
Đã có lúc tôi định phóng xe đến nhà cái Thu, hay cái Hằng, dò hỏi chúng nó. Nhưng tôi xấu hổ. Tôi đáng tuổi chị chúng nó, sao lại hỏi chuyện đó? Vả mỗi trường hợp một khác, có ai giống ai bao giờ. Nghe nói cái Hằng quyết không nhận cha cho con, vì tự ái với gia đình văn chương của anh ta, dám gọi nó là gái - hậu - hiện - đại.
Thôi, phó mặc cho trời. Nếu lần này không thành công, tôi sẽ chờ tới dịp nguyệt thực toàn phần, dù vài chục năm nữa.
***
Chiều đó tôi sắm một cái lễ cầu trời đất, hồi hộp khấn vái, như một bà già nhà quê mê tín. Xin thần linh phù hộ cho nỗi khao khát làm mẹ của tôi.
Gần đến giờ hẹn tôi cứ cuống lên. Đến nỗi tôi quyết định ngồi im một lúc để xác định tư tưởng. Nào, chuyện đó đâu có gì kỳ quái vô đạo đức? Ta muốn có một đứa con. Chấm hết. Nếu anh ấy không hiểu thế, ta sẽ không cần. Chả lẽ với sự chân thành của ta, anh ấy dám coi thường, đùa cợt?
Và tôi cố trấn tĩnh tinh thần, khi nghĩ đó cũng là cách trả thù người tôi yêu, người đã không dám vì tôi trong chuyện này. Dù sai dù đúng, hậu xét. Hãy tha thứ cho tôi, hỡi lương tâm!
Đã bảy giờ rưỡi, không còn nghĩ chuyện lùi lại được nữa. Có tiếng chuông bấm gọi cổng. Tôi vội chạy ra, suýt vấp ngã bậc thềm, vì tấm áo mặc trong nhà tôi mới mua, buông chùng tha thướt quá đáng.
- Xin có mặt đúng lệnh, thưa công nương xinh đẹp.
Tôi khóa cổng, đưa anh vào nhà.
Tôi nhận ra vẻ ngạc nhiên khi anh được mời lên sân thượng, trước một bàn tiệc tạm gọi là tinh tươm.
- Hôm nay sinh nhật em. Em chỉ mời một mình anh thôi.
Tôi nói dối trơn tru.
- Sao thế? Em đáng đánh đòn. Không nói trước, anh không biết mà chuẩn bị quà mừng em.
- Thế mới vui. Em muốn tặng anh một bất ngờ.
Chúng tôi ngồi xuống tấm thảm đặt bàn tiệc giữa sân thượng. Dưới ánh trăng vằng vặc, ngọn đèn tôi thắp chẳng sáng thêm được bao nhiêu. Gió từ hồ Tây thổi tới mát rượi.
- Em ơi, lần đầu tiên trong đời
anh được dự một sinh nhật kỳ diệu thế này.
Tôi chỉ cười. Tôi ép anh ăn mấy món nem rán, bánh hấp thịt, để đưa đẩy món rượu nho cực ngon.
- Vậy nhiệm vụ vệ sĩ của anh chỉ là chiến đấu với đĩa nem rán thôi ư?
- Vâng, thưa ngài Đông-ki-sốt.
Thỉnh thoảng tôi lại nhìn lên mặt trăng. Còn lâu. Giờ này chị Hằng vẫn sáng như chiếc đĩa bạc. Mà sao đêm nay trăng sáng quá đáng thế nhỉ?
- Anh ạ, hai giờ đêm nay nguyệt thực toàn phần. Chúng ta sẽ được chứng kiến hiện tượng hiếm hoi của trời đất. Hãy cứ nhâm nhi đợi tới lúc đó anh nhé.
- Đúng, ngồi đây ngắm nguyệt thực thì nhất. Anh cảm ơn sáng kiến của em, sáng kiến từ tâm hồn một thi sĩ đáo để.
Quá nửa đêm, rượu đã ngấm, cả hai đều ngà ngà say. Lúc này trời đất cũng choáng váng. Tôi biết tới thời điểm mình phải đi một bước quyết định. Nhưng những lời ý tứ bóng bẩy định nói cứ mắc nghẹn trong cổ cùng với món bánh hấp. Quái lạ, muôn loài từ xưa tới giờ đến với nhau, chúng có cần ngôn ngữ đâu nhỉ? Chỉ loài người mới lôi thôi lắm chuyện. Không, tôi thà hậu đậu như một con dê cái!
Tôi tắt ngọn đèn điện, sang ngồi bên cạnh anh. Rõ ràng có chút gì run rẩy. Vòng tay anh bỗng ôm choàng qua lưng tôi thật ấm áp, thật thân thiết, ghì siết lấy. Tôi chợt nghĩ: Siết hóa ra lại mở. Cánh cổng vào thiên đường mở rồi đấy người ơi. Hóa ra lời lẽ không phải dùng đến… Và một khi cơn lũ đã phá bờ thì thác nước lao đi, không gì ngăn nổi dòng chảy…
Đến nỗi chỉ ít phút sau tôi phải van vỉ anh:
- Bình tĩnh chờ lát nữa anh ơi… Bà ngoại em kể, nguyệt thực chính là đêm một vị thần biến thành gấu lên ăn nằm với mặt trăng. Giây phút đó chị Hằng hoài thai ra các ngôi sao. Và dịp này, chị sẽ ban ân phúc cho cả những bé gái đang đứng chờ lọt vào cửa sinh của các bà mẹ.
- Có nghĩa lát nữa nguyệt thực toàn phần, ở dưới này anh cũng được phép biến thành gấu hả em?
Sợ cái tính tếu táo khiến anh nói ra điều báng bổ, tôi ngăn anh bằng một nụ hôn dài…
Tôi nhìn lên trời. Ô kìa đã bắt đầu nguyệt thực đấy ư? Mặt trăng đang tròn đầy bỗng dưng hơi vát mất một chút. Tôi ngỡ như đâu đây có tiếng chuông bính boong đổ hồi rộn rã.
Giờ đã điểm! Vâng, đã tới giờ phút tôi đón nhận con gái tôi từ thân thể nóng bỏng của người đàn ông này. Con gái, con gái ơi…
Tôi thoáng rùng mình, luống cuống níu lấy bờ vai trần của anh…
Mặt trăng dần dần bị khoét lõm từng chút một, tựa hồ có bàn tay nghịch ngợm đang cố gọt nó thành hình lưỡi liềm. Trời đất cũng sầm tối. Tôi không chú ý tới mặt trăng nữa… Tôi nhắm mắt lại, buông thả mình vào cơn sóng mê cuồng…
Rồi ánh sáng hấp hối hơn cho đến lúc nó lịm tắt. Đêm bỗng nhuốm một màu đen huyền bí. Nơi trước đây vốn có mặt trăng, giờ thay bằng một vầng tròn đen kịt, viền chung quanh nó những tia sáng nhấp nháy.
Ôi nguyệt thực toàn phần! Tôi - nguyệt - thực - toàn - phần!
***
Tôi lánh mặt anh suốt một tháng. Dù anh đứng đợi bên cột điện trước nhà tôi gần như mọi buổi tối, tôi vẫn có cách không cho anh gặp mặt. Hỡi hoàng tử phố Hàng Rươi, nhiệm vụ của anh đã chấm dứt ngay sau đêm nguyệt thực, tôi đã hai lần giao hẹn kia mà. Đợi thêm một tuần nữa cho chắc chắn rằng tôi đang mang một cái mầm sống nhỏ nhoi trong người, lúc đó tôi sẽ nói chuyện với anh.
Tôi sẽ đổ lỗi cho rượu nho đã đẩy chúng tôi tới hành động điên rồ, thiếu chín chắn. Tôi hiện đang có ý định xây dựng gia đình, vậy nên anh phải quên hộ tôi, xóa hộ tôi cái đêm sinh nhật ấy. Anh không được làm ảnh hưởng tới gia đình êm đềm anh đang có, gia đình tương lai tôi sẽ có. Hãy coi giữa chúng ta chưa từng xảy ra chuyện gì. Nếu cần, tôi sẽ nhận đi công tác biệt phái một vài năm vào miền Nam, cho tới khi con gái tôi đủ lớn.
Anh ạ, em cảm ơn anh vô cùng, nhưng đây là con em, chỉ con em thôi. Bởi vậy em không thể cho anh biết sự thật về hạt máu này. Hãy tha lỗi cho em.
Giờ đây tôi đang tận hưởng những ngày lâng lâng hạnh phúc, cái hạnh phúc vô bờ bến, không gì sánh nổi. Con gái ơi, thậm chí mẹ không dám chắc có đủ can đảm đi siêu âm để biết chắc giới tính của con.
Thôi thì nếu lỡ con là trai, mẹ cũng sẽ để tóc con dài, mặc cho con những cái váy tuyệt xinh mẹ sắm sẵn cho con đây, cho tới khi con đi học.
Nhưng con gái ơi, chắc chắn con là con gái của mẹ. Bởi con được sinh ra từ một đêm nguyệt thực toàn phần, giây phút toàn âm của trời đất kia mà…
Truyện ngắn của Đoàn Lê
Bình luận (0)