Sài Gòn bắt đầu vào mùa mưa. Có mặt tại chợ Bình Điền lúc 10 giờ đêm 24.5, đập vào mắt chúng tôi là hàng ngàn xe tải nằm ẩn mình dưới mưa lất phất.
Lác đác những xe tải nhỏ từ các tỉnh lân cận tấp đến ăn hàng. Mùi khói bếp, mùi thức ăn tỏa ra từ hàng quán mang lại chút ấm áp cho đêm mưa.
Lấy đêm làm ngày
Bên trong khu vực nhà lồng kinh doanh thủy hải sản đèn điện sáng choang với hàng ngàn người đang sơ chế, phân loại hàng hóa. Càng về khuya, việc mua bán càng nhộn nhịp hơn. Những chàng trai cửu vạn trẻ khỏe, mình trần trùng trục hối hả kéo những chiếc cần xé chất đầy hàng ra xe cho kịp chuyến đi.
tin liên quan
Có nơi đâu hào sảng hơn Sài GònTôi ở Sài Gòn đến nay là tròn 50 năm.
Tranh thủ lúc rảnh tay, vài cửu vạn ngồi bệt bệ đá ngay khu vực đầy cá tôm “tiếp năng lượng” vội vàng bằng hộp cơm đạm bạc. Vừa nhai trệu trạo miếng cơm khô khốc vừa đưa tay quệt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt, một cửu vạn cười: “Công việc nặng nhọc, lấy đêm làm ngày nhưng quen rồi nên gắn bó. Cực mà vui”. Hỏi thăm người chủ hàng, bà này cho biết lương cửu vạn khoảng 250.000 - 300.000 đồng/người/đêm, trả công nhật.
Đây là mức lương được đánh giá cao hơn mặt bằng lương các chợ đầu mối khác. Tất nhiên, đồng lương của dân cửu vạn thấm đẫm mồ hôi, nhọc nhằn.
Nhưng các thương nhân cũng đâu kém vất vả. Chị Phạm Thị Minh Trân, vựa thủy sản 5 Mọi, cho biết đã kinh doanh ở đây 10 năm nay. Đều đặn ngày nào chị cũng ra chợ từ 8 giờ tối và về đến nhà khoảng 6 giờ sáng hôm sau. “Việc chăm con ăn ngủ hầu như vợ chồng tôi giao hẳn cho người giúp việc. Ngồi chợ cả đêm, sáng về đến nhà, ông xã tranh thủ đưa con đi học và đó là thời gian duy nhất trong ngày vợ chồng được chăm con”, chị Trân kể.
Tương tự, chị Võ Kim Phượng, chủ vựa Diễm ở khu nhà lồng thủy hải sản, kể mỗi ngày chị ra chợ từ 6 giờ tối và về đến nhà khoảng 11 giờ trưa hôm sau. “Về đến nhà mệt mỏi là lăn ra ngủ”, chị Phượng cười hiền. Còn chủ vựa Hoa Nốt, khu nhà lồng kinh doanh rau củ quả, nói ngắn gọn: “Mỗi năm tôi chỉ được ngủ nhà 1 đêm, đó là đêm giao thừa. Còn lại, đời tôi gắn với những đêm ngồi chợ bán hàng”!
Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó phòng dịch vụ và quản lý mặt bằng, chợ Bình Điền là nơi giao thương hàng hóa của cả khu vực phía nam và Tây nguyên (từ Ninh Thuận vào đến Cà Mau, Tây nguyên) với tổng lượng hàng rau, củ, thủy sản... về chợ mỗi ngày đêm khoảng 2.500 tấn.
Ông Hoàng cho biết: “Từ khoảng 8 giờ tối, hàng hóa từ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây nguyên, Lâm Đồng tập kết về chợ. Khoảng 12 giờ đêm, chợ mua bán nhộn nhịp cho đến rạng sáng hôm sau. Từ chợ này các xe hối hả đưa hàng đi các tỉnh để phục vụ nhu cầu người dân”.
tin liên quan
'Đất dữ' Sài Gòn ngày ấy – Kỳ 1: Mả Lạng, ám ảnh cái chết trắngSài Gòn luôn có những giai thoại về các 'vùng đất dữ' ám ảnh nhiều người: từ Cầu Muối, đến Mả Lạng, Tôn Đản... 41 năm sau thống nhất những cái tên ấy vẫn còn trong tiềm thức của hàng triệu người Sài Gòn. Nhưng giờ nó đã khác!
Từ tiểu thương “chợ chạy” lên thương nhân “đại gia”
Ở chợ Bình Điền, bảng hiệu đều ghi họ tên chủ vựa là thương nhân một cách trang trọng, như: thương nhân Nguyễn Văn Nở; thương nhân Võ Kim Phượng; thương nhân Lưu Tú Quyên… kèm theo đó là những “danh xưng đại gia”. “Giá thị trường mỗi vựa ở khu nhà lồng thủy hải sản này lên đến vài tỉ đồng. Một thương nhân có thể đang sở hữu 5 - 6 vựa như vậy cũng đồng nghĩa nắm trong tay tài sản hàng chục tỉ đồng”, ông Hoàng tiết lộ.
Không hẳn ai cũng biết rằng, nhiều thương nhân hiện tại bán buôn mỗi đêm hàng chục tấn hàng, doanh thu tiền tỉ, vốn xuất thân từ tiểu thương chợ... chạy. Chủ vựa Hoa Nốt cho biết, trước đây chị vốn là tiểu thương chợ Mai Xuân Thưởng (Q.6), buôn bán vỉa hè, khi có lực lượng chức năng truy quét là bưng thau, mẹt chạy. Di dời từ “chợ chạy” về đây, sau 10 năm kinh doanh, hiện vựa Hoa Nốt bán ra 20 tấn hàng/ngày đêm, có mối hàng ổn định ở TP.HCM và các tỉnh, xây dựng được cơ nghiệp khá vững vàng. Còn thương nhân Lê Văn Giàu, người vừa được Tổng công ty Satra biểu dương là Thương nhân tiêu biểu, cho biết: “Trước đây tôi chỉ là tiểu thương chợ lẻ, buôn bán lẻ mẻ. Khi có quyết định di dời tôi lo lắng lắm, vì sợ thuyền nhỏ làm sao ra biển lớn. Nhưng rồi, sau 10 năm về đây và có được cơ ngơi bán buôn như hôm nay, tôi thật sự tự hào, yên tâm”.
Thương nhân Triệu Vỹ Tài, chủ vựa Năm Xi khu nhà lồng kinh doanh rau củ quả, nối nghiệp buôn bán của cha mẹ.
Ông Tài nhìn nhận từ khi dời về chợ Bình Điền, việc kinh doanh phát đạt hơn hẳn. Hiện nay vựa của ông bán khoảng 10 tấn hàng/ngày đêm, nhưng quan trọng hơn là từ việc bán buôn, ông thiết lập được nhiều đầu mối rau củ quả dài hạn với số lượng lớn.
“Ban đêm bán hàng ở chợ đầu mối này, ban ngày về tôi còn giao hàng theo hợp đồng cho các đối tác với lượng hàng mỗi ngày vài tấn”, ông Tài tiết lộ và tranh thủ lúc vắng khách mở điện thoại khoe với chúng tôi hình 2 con trai, gái đang học ở Mỹ: “Tôi chuẩn bị đi Mỹ vừa dự lễ tốt nghiệp của con gái vừa tham dự hội chợ nông sản tại Mỹ theo lời mời của một số kiều bào. Còn thằng út 12 tuổi đang ở VN nhưng nói tiếng Anh như người Mỹ bản địa. Cũng vui vì nhờ buôn bán được, mình có tiền cho con ăn học đàng hoàng”.
|
|
Thành công nhờ văn hóa… không chửi
Lý giải các yếu tố giúp chợ Bình Điền và các thương nhân ở đây thành công, thương nhân Kim Phượng cho biết, ngoài những yếu tố mang tầm vóc một chợ đầu mối lớn nhất nước như quy hoạch hiện đại, hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận lợi… điểm khác biệt rất lớn so với những chợ lẻ trước đây chị từng buôn bán chính là văn hóa… không chửi.
“Ở các chợ lẻ, việc tiểu thương chửi nhau, người bán chửi người mua là thường xuyên nhưng ở chợ đầu mối này không có chuyện đó. Đơn giản, ngoài việc Ban giám đốc chợ xây dựng văn hóa kinh doanh, các chủ vựa cũng tự ý thức rằng việc buôn bán ngày càng khó khăn, thương nhân muốn giữ mối lái làm ăn phải tự giữ gìn nền nếp, ứng xử đúng mực”, chị Kim Phượng giải thích.
Hỏi về chuyện này, ông Nguyễn Văn Hoàng nói đó là thành quả của cả đơn vị quản lý và các thương nhân, cửu vạn đồng lòng xây dựng môi trường làm ăn văn minh.
“Năm 2003, Tổng công ty Satra tiến hành xây dựng chợ, năm 2006 bắt đầu di dời các chợ bán buôn nội thành ra. Lúc đó, nghe tiếng giang hồ chợ Cầu Ông Lãnh (Q.1) tôi lo lắm, sợ quy tụ nhiều dân cửu vạn giang hồ về chợ xảy ra đánh nhau. Cũng may, rút kinh nghiệm từ các chợ đầu mối khác di dời trước đó nên chúng tôi làm hợp lý hơn và hầu như tránh được xảy ra xung đột, mâu thuẫn”, ông Hoàng kể thêm.
Hoa tươi... héo hắt
Như “nốt trầm trong bản nhạc hùng tráng”, đối diện khu nhà lồng kinh doanh thủy hải sản sầm uất là khu kinh doanh hoa tươi... hắt hiu. Theo thương nhân Nguyễn Văn Nở, chủ sạp hoa Hai Nở, những năm ngồi ở các chợ bán buôn hoa tươi nội thành, ông thường ám ảnh về kẹt xe, vì chỉ cần kẹt xe vài giờ đồng hồ là toàn bộ hoa tươi đưa về chợ bị hư, đổ bỏ.
Đến khi về chợ Bình Điền, ông lại bị ám ảnh bởi cả khu vực kinh doanh hoa chỉ lèo tèo vài khách mua. “Tôi đã 34 năm theo nghề kinh doanh hoa tươi, từng trôi nổi dập dềnh từ chợ hoa Bến Thành, Hồ Thị Kỷ, Đầm Sen, Hậu Giang cho đến khi về đây với hy vọng an cư lạc nghiệp, nhưng lại vướng vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Chợ đáp ứng đầy đủ các điều kiện của chợ đầu mối kinh doanh hoa tươi cho cả vùng Nam bộ, nhưng lại thiếu một yếu tố duy nhất và quan trọng chính là khách mua hàng”, ông Hai Nở phân tích và trầm ngâm: “Cũng dễ hiểu thôi, thành phố chủ trương quy hoạch chợ đầu mối, nhưng lại chưa di dời được các chợ hoa bán buôn trong nội thành thì khách vẫn tụ ở đó. Chừng nào còn nghịch lý này, chúng tôi còn phải sống lay lắt”.
|
Bình luận (0)