Giảm bớt những cơn bùng nổ
“Hô hô ha ha ha”, “Hít vào, thở ra”, “Very good! Very good, ye! Rất tốt! Rất tốt, ye!”… là những âm thanh đã dần trở nên quen thuộc tại Trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí (TP.HCM), sau gần một năm nơi này đưa môn yoga cười đến với trẻ tự kỷ.
7 giờ 45 phút sáng 11.5, gần 100 trẻ tự kỷ cùng những giáo viên đã tập trung giữa sân trường, khởi động những bài thể dục đón chào một ngày mới. Đúng 8 giờ, hai huấn luyện viên về yoga cười - ông Trịnh Xuân Trường và vợ Nguyễn Thị Cúc - xuất hiện, sân trường rộn ràng hẳn lên. Sau phần “hít vào thở ra” giúp thở sâu hơn, lồng ngực giãn nở, những tràng cười sảng khoái bắt đầu bật ra cùng với bài “Hô hô ha ha ha”. Những “chuyên gia gây cười” đứng giữa vòng tròn để hướng dẫn, song chẳng mấy chốc họ bị cuốn vào dòng người di chuyển theo động tác của những bài tập vui nhộn, như: Chim thiên nga; Con sò; Đèn xanh đèn đỏ… Sau mỗi trò chơi, mọi người cùng vỗ tay, hát: “Very good! Very good, ye! Rất tốt! Rất tốt, ye!”.
Vợ chồng ông Trường, bà Cúc là một trong số những người VN đầu tiên tốt nghiệp yoga cười tại Ấn Độ. Ông Trường hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Yoga cười tại TP.HCM. Trong năm 2011, ông đã phối hợp với bác sĩ - tiến sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, người sáng lập Trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí, huấn luyện môn thể dục này cho những cô giáo và trẻ tự kỷ của trường. “Yoga cười có tác dụng giải tỏa căng thẳng cho con người. Nó có thể phá vỡ bức tường né tránh giao tiếp - một trong những đặc tính rõ rệt nhất của trẻ tự kỷ - để các em có thêm điều kiện hòa nhập cộng đồng” - ông Trường nói. Hiệu trưởng nhà trường Khai Trí, bà Võ Thị Thùy nhận xét: “Cười nhiều và thường xuyên sẽ giúp luyện luồng hơi, điều khiển vòm họng, từ đó góp phần cải thiện khả năng ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ”. Theo bà Thùy, một khi có khả năng thể hiện những điều mình muốn nói, trẻ tự kỷ sẽ giảm bớt những cơn giận dữ do ức chế gây nên.
|
Cười mọi lúc, mọi nơi
Cô giáo Phạm Thị Huê (25 tuổi, phụ trách lớp Gấu bông 1) bày tỏ: “Mình rất thích những bài tập này, cười rất đã”. Cô Huê cho hay, có những trẻ tự kỷ không bao giờ thèm chơi hoặc không hề giao tiếp với ai. Nhưng với yoga cười, cô giáo có thể lôi kéo tất cả học trò cùng tham gia ở bất cứ thời gian nào cần thư giãn, kể cả trong lớp học.
Ông Dũng - cha của em Quang Khánh (7 tuổi), cho biết: “Tôi luôn quan sát những buổi tập thể dục của con. Con tôi có vẻ thích không khí vui vẻ này”. Ông Dũng kể, trước đây ông từng cố gắng tạo một số động tác tiếu lâm và bảo con “cười đi, cười đi” nhưng cháu không cười nổi. Còn bây giờ, những lúc cao hứng, cháu thực hiện một số bài tập yoga cười và còn gọi điện về quê (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) “dạy” lại cho mẹ.
Theo ông Trường, yoga cười không đòi hỏi những yêu cầu nhất định như yoga thông thường (phòng tập yên tĩnh, tấm thảm…) bởi không gian và thời gian vận dụng rất linh hoạt, đa dạng. Dẫu thế, ông Trường lưu ý: “Độ bén nhạy của trẻ tự kỷ có giới hạn. Vì vậy khi hướng dẫn yoga cười cho các em, cần chọn lọc động tác phù hợp và tập chậm hơn so với những lớp bình thường khác”. Ông Trường cũng đề nghị phụ huynh nên tìm hiểu, thậm chí tham gia lớp yoga cười dành cho người lớn. Điều này sẽ giúp phụ huynh vừa tăng cường sức khỏe cho bản thân vừa có kiến thức, kinh nghiệm để hỗ trợ con em mình tiếp nhận những “thang thuốc bổ” nói trên.
Cần linh hoạt Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh - cố vấn khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho rằng: “Yoga cười là một phương thế giúp con người sống lạc quan. Đối với trẻ tự kỷ, nếu các em thấy thích thú với môn này thì nên duy trì. Ngược lại, trẻ càng giận dữ và như thế sẽ phản tác dụng. Giáo dục trẻ tự kỷ cần sự uyển chuyển, linh hoạt chứ không phải áp đặt cứng nhắc”. |
Như Lịch
>> Béo phì dễ sinh con tự kỷ
>> Hướng về trẻ tự kỷ
>> Nam giới dễ mắc bệnh tự kỷ hơn nữ giới
>> Robot dành cho trẻ tự kỷ
Bình luận (0)