(TNO) Trong đêm nhạc của gia đình Hà Trần, có cảm giác, họ hát cho những người họ hàng nghe trong trong một dịp đoàn viên.
NSND Trần Hiếu - Hà Trần - nhạc sĩ Trần Tiến - Ảnh: Lan Dung
|
Cuối cùng, trong đêm Trần Gia nhã nhạc tối 3.10, những người thực hiện đã không chọn cách làm kiểu “con đường âm nhạc Trần Tiến”. Họ không chọn tất cả những cột mốc quan trọng trên hành trình âm nhạc của Trần Tiến, để Trần Hiếu và Hà Trần thể hiện. Vì thế, vẫn có Trần Tiến ở thời rock Hà Nội - thời kỳ ông gửi vào âm nhạc những trăn trở về cuộc đời, những phá cách về giai điệu nhưng không có suy tư thời cuộc mang màu sắc chính trị.
Gia đình Hà Trần đã chọn những bài hát hoặc mượt mà sâu lắng, hoặc giàu tính ngẫu hứng mà không day dứt. Nói cách khác, họ chọn “một niềm vui” trong cuộc gặp đoàn viên. Ở đó, người ta thủ thỉ với nhau về câu chuyện xưa.
Chính vì âm hưởng đoàn viên đó, nên khán giả được nghe lại những nỗi buồn đã chuyển hóa thành nỗi nhớ. Những bài hát về kỷ niệm được hát sau khi nhạc sĩ Trần Tiến giãi bày về ngôi nhà, con phố, về người bạn đã mãi mãi không về.
Ông kể chậm rãi, vì những điều đó, ông đã viết nên từng bài hát ấy ra sao. Câu chuyện về thế hệ mà ông gọi âu yếm “có những người đi mãi mãi không về chỉ vì một bài ca”. Về đi em qua giọng hát Tấn Minh, Phố nghèo với Trần Thu Hà... là những bài ca như thế. Tràn trề nhớ quá khứ, như cách ông mỗi lần ra Hà Nội đều đi qua ngôi nhà cũ trên Ngõ Gạch để nhìn lại thêm một lần. Và Trường Art - khi thiết kế sân khấu - cũng đã đưa những ngôi nhà phố cổ lên một cách pop art (nghệ thuật đại chúng) nhất. Để hoài niệm không chỉ là âm thanh, mà còn có vóc dáng nữa.
Hà Trần thể hiện Phố nghèo - Ảnh: Lan Dung
|
Trong cái nền nỗi nhớ, tình yêu xưa cũ ấy, việc hát bài hát với nhịp mới hơn sẽ giúp đêm nhạc không bị một màu. Vì thế, Uyên Linh - “người trẻ hát Trần Tiến hay nhất” mà ông chọn đã hát Mặt trời bé con, Mùa thu trắng không giống như cách tất cả những người khác từng làm. Đến mức, Hà Trần còn phải thốt lên với bố: “Linh hát Mùa thu trắng hay hơn con nhiều”.
Còn Tấn Minh, học trò cưng của Trần Hiếu đã cùng ông “cổ điển hóa, opera hóa” tất cả những bài ca họ chạm vào: Chiếc vòng cầu hôn, Tiếng trống paranưng. Với cách thể hiện ấy, màu sắc văn hóa vùng của các tác phẩm đó dường như ít đi, nhưng bù lại chúng chững chạc hơn nhiều. Trần Tiến không thể hút như nam châm của thời Du ca đồng nội nữa, nhưng ông vẫn là một chàng lãng tử khi hát các khúc ngẫu hứng “tổ khúc ra ngõ”. Chất rock xưa vẫn đó, và khán giả vẫn cười vì những câu như “xem người ta vừa ăn cướp vừa vào chùa tụng kinh”. Hai giọng ca “nhí” Mỹ Anh - Hoàng Hà, ở tuổi còn học phổ thông - là sự lựa chọn tốt nhất cho sự trong trẻo của Em vẫn như ngày xưa...
Uyên Linh là khách mời của chương trình - Ảnh: Lan Dung
|
Làm sao có thể quên được gia đình Hà Trần với cái nháy mắt tinh nghịch, những câu chuyện tưng tửng cho thấy khả năng hài hước lẫn tự trào. Trong đêm nhạc, khán giả được nghe những câu chuyện rất riêng tư về gia đình ông. Trần Hiếu đã gánh gồng các em như thế nào trước đây. Trần Tiến đã được mời biểu diễn lần đầu ở đám cưới thế nào, khi vào Sài Gòn lập nghiệp với chiếc vé nhân viên trong ngành của một người bạn làm đường sắt. Trần Tiến đã trốn viện về để đến nỗi suýt chết, phải cắt ruột ra sao. Hà Trần đã “hưởng lợi trên nỗi đau” của nhạc sĩ như thế nào vì trong lần ốm đó ông đã viết ra Sắc màu. Tất nhiên, những bài hát của Trần Tiến cũng được mang ra chế lời, để khán giả được vui nhẹ nhàng.
Đêm nhạc, như một kỷ niệm gia đình khi NSND Trần Hiếu vừa khỏe lại, cho thấy khả năng “kéo” đêm diễn của Hà Trần. Nó cũng cho thấy những cá tính âm nhạc khác nhau của chính gia đình cô. Không còn chỗ trống ở Cung Việt Xô. Phần lớn, những người đến xem đêm nhạc không phải quá trẻ. Họ phần lớn đều là người hâm mộ của gia đình Hà Trần từ lâu. Chính vì thế, màu sắc của đêm nhạc làm họ thấy ấm áp. Thân thuộc, nhưng vẫn mới lạ vừa đủ.
Bình luận (0)