Cùng trải nghiệm không khí “chạy nước rút” của làng gói bánh chưng Thường Sơn ở xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng.
Không cần gói khuôn nhưng những chiếc bánh vẫn vuông vức
Trong ngày cuối cùng của năm ngựa nhưng 15 người gói bánh chưng ở nhà ông Nguyễn Tất La (69 tuổi, trú thôn Bấc 2, làng Thường Sơn) vẫn cặm cụi với công việc quen thuộc. Ngoài sân ngổn ngang lá dong, lá chuối, 8 người ngồi lau lá rồi xếp thành từng bộ. Ở trong nhà thì 4 người gói bánh thoăn thoắt còn 3 người dưới bếp vo gạo, đãi đậu xanh, bắc bếp lò, ướp thịt lợn... Mọi người tất bật nhưng vẫn rộn vang tiếng nói cười vui vẻ. Những người đến giao thịt lợn, đậu xanh, mua bánh liên tục nên không khí ngày cuối năm càng thêm chộn rộn.
Năm nay nhà ông La bắt đầu vào “chiến dịch” gói bánh chưng Tết từ ngày 20 tháng Chạp, trước hết là để phục vụ ngày Ông Công Ông Táo về trời. Ông La cho biết ngày thường chỉ khoảng 4 người gói nhưng cuối năm phải “tổng động viên” người thân tập trung làm xuể. “Đến nay nhà tôi đã gói hơn 10.000 cái bánh rồi, cứ luộc tới đâu là người ta đến lấy hết. Những ngày cuối năm nhu cầu mua bánh chưng tăng cao nên nhà tôi thường phải gói đến tầm 1-2 giờ đêm để kịp hàng phục vụ khách”, ông La nói.
Đêm ở làng bánh chưng Thường Sơn vẫn sáng đèn, bếp than cháy hồng, nước luộc bánh sôi ùng ục xen lẫn với tiếng xẻng múc sỉ than xộn xạo. Gia đình ông gói bánh chưng nhiều nhất làng Thường Sơn. Ông La nhẩm tính, đến nay đã dùng hết khoảng 5 tấn gạo, 2 tấn đậu xanh và 3 tấn thịt lợn. Tùy theo yêu cầu của khách mà nhà ông gói các loại bánh với giá tiền là: 30.000 đồng, 50.000 đồng, 70.000 đồng, 100.000 đồng... Ngoài ra còn có bánh chưng chay để phục vụ người ăn chay, đi lễ chùa. Để phân biệt các loại bánh, những người gói có cách buộc dây khác nhau.
Qua tìm hiểu được biết, nhà ông La đã có 4 đời chuyên gói bánh chưng. Cả 4 anh em ông hiện đều giữ nghề truyền thống của các cụ truyền lại. Qua tìm hiểu được biết, mỗi nhân công làm công việc như cắt lá, lau lá, xếp lá được trả 200.000 đồng/ngày, còn người gói bánh, luộc bánh thì gấp đôi. Theo ông La, chỉ tính riêng ở thôn Bấc 2 hiện có khoảng hơn 20 hộ gói bánh chưng. Số gia đình trong làng chuyển sang nghề gói bánh chưng này ngày càng tăng vì nhu cầu của thị trường rất lớn. “Nhà con gái tôi ở cạnh bên cũng gói bánh chưng bán. Không chỉ có ngày Tết mọi người mới mua bánh chưng, hiện nay chúng tôi gói bánh để phục vụ tiệc cưới, liên hoan...Không chỉ phục vụ ở Hải Phòng mà còn ở Quảng Ninh, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, thậm chí nhiều người còn mua mang đi Hàn Quốc, Hồng Kông làm quà”, ông La cho biết.
Sở dĩ, làng nghề gói bánh chưng Thường Sơn ngày càng đắt khách bởi “làm ăn nghiêm túc” như lời ông La chia sẻ. Những chiếc bánh nơi đây vẫn lấy đậu xanh sống làm nhân để giữ vị ngậy thơm. Trước đây, các cụ luộc bánh bằng nồi đồng nhưng nay gia đình ông La và nhiều hộ khác chuyển sang luộc bằng thùng tôn để lá xanh, bánh rền. “Chúng tôi không bao giờ luộc bánh chưng bằng cục chì cho nhanh chín, luộc đủ 10 tiếng mới vớt ra. Mấy năm trước có người đến nhà đề nghị tôi bỏ ra khoản tiền để làm thương hiệu và nhận cúp vinh danh gì đó để nhiều người biết tới nhưng tôi chả làm. Các cụ nói rồi, cứ “hữu xạ tự nhiên hương” là tốt nhất”, ông La nói.
Dưới đây là một số hình ảnh PV Thanh Niên Online ghi lại
Những chiếc lá dong được cắt bỏ phần xương lá cứng trước khi gói
|
Vũ Ngọc Khánh
>> Triết lý âm dương trong chiếc bánh chưng làng Tranh Khúc
>> 13.000 bánh chưng và quà tết cho người nghèo
>> Tết về nói chuyện bánh chưng…
>> Tự tin gói bánh chưng ngày tết
>> Trẩy hội gói bánh chưng
>> Vì sao nhiều bạn trẻ lại thích gói bánh chưng?
>> Cuộc 'cách mạng' của bánh chưng
>> Nhớ nồi bánh chưng của tuổi thơ
Bình luận (0)