Một cuộc bố ráp mới đây của cảnh sát Israel vào nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem trong tháng Ramadan đã gây ra làn sóng phản ứng dữ dội từ người Palestine và nhanh chóng lan rộng ra các quốc gia Ả Rập theo Hồi giáo.
Một tín đồ Hồi giáo có mặt trong lúc cảnh sát Israel xông vào nhà thờ Al-Aqsa cho biết: "Lúc đó tôi đang cầu nguyện và đang ngồi trên ghế đọc kinh Qur'an thì họ ném lựu đạn gây choáng, một quả trúng ngay ngực tôi".
Khu thành cổ Jerusalem là một khu vực phức hợp tôn giáo. Nơi đây từ lâu đã là một điểm nóng trong cuộc xung đột Israel-Palestine trong nhiều năm qua.
Nhưng vì sao nơi này lại thường xuyên xảy ra các cuộc xung đột đến như vậy?
Al-Aqsa nằm ở trung tâm Thành phố cổ Jerusalem, trên một ngọn đồi được người Do Thái gọi là Núi Đền còn người Hồi giáo gọi là Thánh địa cao quý.
Người Hồi giáo xem đây là địa điểm linh thiêng thứ ba trong đạo Hồi, sau Mecca và Medina.
Al-Aqsa là tên gọi của toàn toàn bộ khu vực bao gồm hai thánh địa Hồi giáo là Nhà thờ Mái vòm Đá và Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa.
Nhà thờ Hồi giáo này được xây dựng vào thế kỷ thứ 8 sau Công nguyên.
Khu vực Al-Aqsa nhìn ra Bức tường phía Tây, còn có tên gọi Bức tường Than khóc là nơi cầu nguyện thiêng liêng của người Do Thái.
Núi Đền cũng là địa điểm linh thiêng nhất của người Do Thái.
Trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, Israel đã chiếm được địa điểm này và sáp nhập nó cùng phần còn lại của Đông Jerusalem và các phần liền kề của Bờ Tây. Cộng đồng quốc tế không công nhận tính pháp lý của hành động này.
Khu phức hợp Al-Aqsa từ lâu đã trở thành điểm nóng bạo lực chết người liên quan đến các vấn đề nhạy cảm về chủ quyền và tôn giáo ở Jerusalem.
Theo sự sắp xếp "nguyên trạng" lâu nay, Israel tự cho mình quyền quản lý khu vực. Người không theo đạo Hồi có thể đến tham quan những địa điểm linh thiêng này, nhưng chỉ có tín đồ Hồi giáo mới được phép vào bên trong khu vực thờ phượng trong khuôn viên nhà thờ.
Tuy nhiên, du khách Do Thái ngày càng cầu nguyện công khai hơn tại những địa điểm này bất chấp các quy tắc.
Bên cạnh đó, những hạn chế mà Israel tự đặt ra đối với việc tiếp cận địa điểm linh thiêng của người Hồi giáo cũng đã dẫn đến các cuộc biểu tình và bạo lực bùng phát.
Các cuộc đụng độ tại địa điểm này vào năm 2021 đã góp phần gây ra cuộc chiến kéo dài 10 ngày tại dải Gaza.
Bình luận (0)