3 “lời nguyền”: Manh mún, nhỏ lẻ, tự phát
Chiều 7.6, Quốc hội (QH) bước vào phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 3 QH khóa XV. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai |
Gia Hân |
Nêu câu hỏi chất vấn, nhiều đại biểu (ĐB) bày tỏ lo lắng trước tình trạng giá vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng cao khiến nông dân rơi vào khó khăn, thường xuyên thua lỗ. ĐB Lê Thị Song An (Long An) dẫn chứng có những loại phân bón tăng 200%, giá xăng dầu cũng tăng khiến nhiều diện tích nông nghiệp bị nông dân bỏ hoang vì sản xuất sẽ thua lỗ. Từ đó, ĐB An đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết giải pháp của mình để kiểm soát giá vật tư nông nghiệp cũng như định hướng cho các địa phương trong quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất theo hướng công nghệ cao với giá cả đầu ra ổn định.
Tôi sợ nhất ở Quốc hội là câu hỏi đến bao giờ... Nhưng những vấn đề này chỉ giải quyết được khi chính quyền địa phương vào cuộc.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan
Trong khi đó, ĐB Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) phản ánh tình trạng ùn tắc nông sản tại cửa khẩu phía bắc thời gian vừa qua gây rất nhiều khó khăn, tăng chi phí, gây tốn kém rất lớn, ảnh hưởng nhiều đến nền sản xuất nông nghiệp. ĐB đoàn Thái Nguyên đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết giải pháp tăng chất lượng nông sản khi thị trường Trung Quốc đang ngày càng khó tính.
Tôi cũng mong rằng đối với những câu hỏi liên quan đến “khi nào, bao giờ” thì chúng tôi có được câu trả lời. Bởi vì đó không chỉ đơn thuần là câu trả lời mà nó là hy vọng và chúng ta cũng không nên để những hy vọng của người dân trở thành vô vọng khi không có câu trả lời.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhiều lần nói vấn đề giá vật tư thì Bộ trưởng Công thương sẽ trả lời. Đối với trách nhiệm của Bộ NN-PTNT, ông Hoan nói nguyên nhân là do đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn dịch Covid-19 và đây là trường hợp “bất khả kháng”. Theo ông Hoan, VN là quốc gia nông nghiệp nhưng phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, từ phân bón, thuốc cho tới nguyên liệu chế biến thức ăn. Do đó, trong chiến lược phát triển ngành nông nghiệp sắp tới, phải làm sao nâng cao tính tự chủ. Bộ trưởng NN-PTNT cũng “tha thiết” mong 14 triệu nông dân vào kinh tế tập thể để có đơn vị trung gian đàm phán giá, đồng thời khi mua khối lượng lớn thì sẽ được chiết khấu nhiều, từ đó giảm giá nguyên liệu đầu vào.
Đối với vấn đề ùn ứ nông sản ở cửa khẩu, ông Hoan nói chỉ là vấn đề đột biến trong thời gian ngắn, do kiểm soát dịch bệnh phía Trung Quốc khác với VN. Tuy nhiên, ông thừa nhận thông tin mà ĐB Công nêu, rằng thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính, trong khi nông dân VN đã quen đây là thị trường dễ tính. Nói về giải pháp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng chỉ có cách là tổ chức sản xuất thị trường để thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
“Nền nông nghiệp VN mang 3 “lời nguyền”, xin ĐB QH thông cảm, đó là “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”. Không tổ chức lại được một ngành hàng là chúng ta còn rủi ro”, ông Hoan nói, đồng thời nhấn mạnh việc tổ chức ngành hàng có vai trò chính của các chính quyền địa phương, nên ông mong các ĐB là lãnh đạo địa phương quan tâm hỗ trợ vấn đề này với ngành nông nghiệp.
Mong có câu trả lời “đến bao giờ”
ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho biết hàng loạt vấn đề như giá vật tư nông nghiệp tăng vào mùa sản xuất, điệp khúc “được mùa mất giá” đã được chất vấn từ rất lâu nhưng chưa giải quyết được. “Tôi muốn hỏi Bộ trưởng, đâu là điểm nghẽn vấn đề này và đến bao giờ khắc phục được các vấn đề nêu trên trong lĩnh vực nông nghiệp?”, ĐB Hoa Ry nêu câu hỏi.
“Tôi sợ nhất ở QH là câu hỏi đến bao giờ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mở đầu câu trả lời và nói không phải ông thoái thác trách nhiệm, ông và Bộ NN-PTNT sẽ làm hết mình, nhưng những vấn đề này chỉ giải quyết được khi chính quyền địa phương vào cuộc. “Nhanh hay chậm là ở chỗ đó”, ông Hoan nói.
Điều hành chất vấn sau đó, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ lưu ý QH đang chất vấn trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm của “tư lệnh ngành” với Bộ NN-PTNT. “Nếu trả lời giải quyết điểm nghẽn ách tắc ở đâu mà bảo hỏi địa phương thì vai trò của Bộ NN-PTNT ở đâu, Bộ trưởng NN-PTNT thế nào?”, Chủ tịch QH nói và đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời thẳng thực trạng thế nào, Bộ định làm gì và làm thế nào. “Như ĐB Trần Thị Hoa Ry nói là giá vật tư cao, được mùa mất giá thì điểm nghẽn ở đâu, khi nào giải quyết được? Chứ bảo ở địa phương thì không cần phải có buổi chất vấn này”, Chủ tịch QH nói.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai cũng tranh luận với Bộ trưởng Lê Minh Hoan về những câu hỏi “khi nào”, “bao giờ” mà ông Hoan cho rằng khó trả lời. Bà Mai cho rằng không thể nói do yếu tố thị trường nên khó xác định được kết quả; đồng thời cũng không thể nói do yếu tố liên ngành nên cũng không thể xác định. “Chúng tôi cũng đồng ý rằng chúng ta có từng bộ, ngành nhưng Chính phủ là nhất thể và bộ máy điều hành đó là thống nhất. Vì vậy, tôi cũng mong rằng đối với những câu hỏi liên quan đến “khi nào, bao giờ” thì chúng tôi có được câu trả lời. Bởi vì đó không chỉ đơn thuần là câu trả lời mà nó là hy vọng và chúng ta cũng không nên để những hy vọng của người dân trở thành vô vọng khi không có câu trả lời”, bà Mai nói.
Hỗ trợ ngư dân bám biển
Phản ánh về khó khăn của ngư dân khai thác hải sản trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho biết một số ngư dân miền Trung phải cho tàu cá nằm bờ. Ngư dân vươn khơi bám biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc rất khó khăn, dù biết sẽ đối đầu với thua lỗ nhưng đều lựa chọn bám biển vì lý do mưu sinh của gia đình. Theo đó, ĐB Tâm chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về những giải pháp của ngành cũng như phối hợp với Bộ Công thương để có chính sách bình ổn giá, trợ giá, hỗ trợ cho ngư dân bám biển.
Trả lời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng ngành thủy sản không chỉ có khó khăn xăng dầu. Khi nghề cá hiện tại còn manh mún, thiếu liên kết và đặc biệt là trữ lượng hải sản khai thác giảm lại làm cho bà con khó khăn hơn. Cơ sở hạ tầng nghề cá, là các cảng neo đậu và các cảng cá chưa được đầu tư không đủ để biến ngành thủy sản trở thành hiện đại để giúp ngư dân giảm tổn thất khi đưa cá về bờ. Theo đó, Bộ NN-PTNT đã xây dựng một chiến lược phát triển thủy sản bền vững với giảm khai thác, tăng nuôi trồng.
Cùng quan tâm đến ngành thủy sản, ĐB Nguyễn Anh Trí chất vấn về bài học rút ra trong Nghị định 67/2014 (cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn) và những giải pháp tháo gỡ cho ngư dân đang gặp khó khăn. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc lại bối cảnh ra đời của Nghị định 67 là xác lập để cho ngư dân vươn khơi vừa mang tính chất phát triển kinh tế, vừa mang tính chất tham gia, giữ gìn chủ quyền biển đảo. Vấn đề trong Nghị định 67 không phải chỉ là giải ngân mà là tổ chức lại một ngành hàng. Trong điều kiện ngư trường bắt đầu có biểu hiện suy giảm, chúng ta không có đủ điều kiện để kiểm đếm hay khảo sát; đại dịch Covid-19 khiến các tàu không ra khơi được, những việc này sẽ chồng chất thêm khó khăn cho ngư dân.
Ông Hoan cũng thừa nhận, thực tế có những ngư dân ngày trước là những ngư dân sản xuất giỏi, bây giờ trở thành những người rất khó khăn, nợ ngân hàng. “Vấn đề này liên quan tới các thiết chế về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Bộ NN-PTNT theo sự chỉ đạo của Chính phủ đang dự thảo nghị định thay thế Nghị định 67”, ông Hoan nói.
Bình luận (0)