Ngay từ những ngày đầu vào giảng đường, các sinh viên năm nhất Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM đã được Đoàn - Hội sinh viên trường mời gọi tham gia hành trình đến bảo tàng.
Đây là một trong những nội dung nhằm hướng các bạn tiếp cận với cuộc vận động “Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác”.
Thêm niềm tự hào
Sau các buổi tham quan, mỗi sinh viên còn viết cảm nhận cùng những tư liệu, hình ảnh sưu tầm được.
|
Trong bài cảm nhận của mình, bạn Phùng Thị Tuyết Nhung (lớp 11DTC05) viết: “Bảo tàng đã giúp tôi thấy rõ hơn tội ác chiến tranh và nhắc nhở tôi phải ra sức học tập tốt, cố gắng phấn đấu hơn nữa để đền đáp công ơn của những người đã ngã xuống vì đất nước VN thân yêu”.
Cũng như Nhung, bạn Huỳnh Như cho biết: “Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với lịch sử không phải bằng những con số, câu chữ khô khan trong sách, lần đầu tiên tôi thấy chiến tranh tàn khốc đến như vậy. Lần đầu tiên tôi thấy mình ở gần cuộc chiến và cũng là lần đầu tiên tôi biết cảm giác phẫn uất, căm ghét chiến tranh, điều mà không tài nào tìm được ở những quyển sách sử tôi từng học”.
Là dân phố núi Gia Lai, lần đầu được đến bảo tàng, bạn Trần Văn Hùng ngỡ ngàng khi có quá nhiều tư liệu về sử Việt sinh động. Hùng bày tỏ: “Ở tỉnh lẻ nên tôi không có cơ hội đến nhiều bảo tàng, đây là lần đầu được thấy nhiều hình ảnh tư liệu như vậy, giúp tôi yêu hơn môn lịch sử và thấy tự hào về dân tộc”. Rất nhiều bạn giống Hùng là dân tỉnh lẻ về TP học nên cũng là lần đầu được đến nhiều bảo tàng lớn để tìm hiểu sử Việt.
Bạn Võ Thị Hà lại viết như tự nhủ với bản thân: “Thế hệ của mình quá may mắn vì được sống trong hòa bình, không phải chạy loạn, không phải nhìn thấy những xác người phơi ngoài đồng trống, lửa ngùn ngụt thiêu rụi mái nhà, xóm làng mình. Không thể tìm thấy ngôn từ, hình ảnh nào để diễn tả những cảm xúc của mình”.
Trách nhiệm người trẻ
Bạn Nguyễn Thị Phương Quyên, khoa kế toán tài chính ngân hàng, đã nắn nót những dòng chữ (trong khi các bạn bè mình làm bài thu hoạch đều đánh máy) trải lòng sau khi tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.
Quyên viết: “Nhìn những hình ảnh đáng sợ trưng bày trong các gian phòng của bảo tàng, không ai tin rằng một đất nước nhỏ bé như vậy lại chịu đựng và vượt qua biết bao đau thương. Đó chính là những truyền thống tốt đẹp, tinh thần kiên cường bất khuất, không bao giờ khuất phục trước kẻ thù”. Rồi cô sinh viên năm nhất tâm tình: “Chúng ta biết được giá trị của hòa bình, càng phải biết nhớ ơn, tôn trọng những người có công, biết giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chúng ta cần ý thức giữ gìn để bảo tàng luôn tồn tại, có thể truyền thụ cho thế hệ mai sau”.
Còn bạn Hoàng Thị Kim Anh mong muốn bảo tàng mãi là nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại để nhắc nhở thế hệ mai sau không quên truyền thống. “Đây là nơi giữ cho ngọn lửa cách mạng trong tim mỗi con người VN luôn bừng sáng” - Kim Anh tâm sự.
Anh Huỳnh Ngọc Anh, bí thư Đoàn Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, cho biết Đoàn trường xem hành trình đến bảo tàng cũng là cách góp phần trong công tác giáo dục của Đoàn. “Các bài cảm nhận của sinh viên đều được tính điểm rèn luyện. Khi xét học bổng và các danh hiệu khen thưởng khác ngoài thành tích học tập, chúng tôi cũng xem xét điểm rèn luyện”.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)