Đến Dubai, đừng tưởng nóng: Có khoảnh khắc người Việt nhớ mang... áo ấm

Trọng Phước
Trọng Phước
19/04/2019 20:33 GMT+7

Nói đi Dubai , nhiều người nghĩ ngay đến cái nóng sa mạc. Nhưng thực tế có những thời điểm nhiệt độ tại đây còn thấp hơn ở TP.HCM vài độ.

Chẳng hạn trong hai tuần đầu tháng 4 vừa rồi, có ngày TP.HCM nắng nóng đến 36 - 37 độ thì Dubai chỉ tầm 30 - 32 độ. Dự báo thời tiết thì dịp du lịch lễ 30.4 và 1.5 tới, nhiệt độ tại thành phố nằm trên sa mạc này cũng chỉ tương đương TP.HCM cùng thời điểm. Từ tháng 5 đến tháng 9 thời tiết khu vực này mới thật sự khắc nghiệt.
Dubai những ngày tháng 4 khá mát mẻ
 

Điều hòa mở hết công suất

Thế nhưng vì sao đến Dubai nên mang theo một chiếc áo khoác để giữ ấm? Là vì không chỉ hành trình bay dài, tầm hơn 6 tiếng rưỡi, với nhiệt độ trên máy bay thường là khá lạnh. Dẫu sao cũng còn có mền được phát, song bước chân xuống sân bay quốc tế Dubai là bắt đầu lạnh vì máy lạnh ở đây được hoạt động hết công suất.
Tình trạng này lặp lại trong suốt hành trình du lịch Dubai, từ sảnh khách sạn, khu mua sắm, xe di chuyển, thậm chí trạm chờ xe buýt ngoài đường... tất cả đều được lắp máy điều hòa với nhiệt độ cảm giác như xấp xỉ 20 - 21 độ C.
Một trong những điểm tham quan phổ biến mà những ai chịu lạnh kém sẽ rất cần áo giữ ấm là Dubai Mall, tổ hợp mua sắm, giải trí trong top những trung tâm thương mại lớn của thế giới.
Gian hàng Việt Nam tại Làng toàn cầu khá khiêm tốn
Rực rỡ sắc màu với những mẫu túi ở một gian hàng trong khu vực châu Phi
Dubai Mall là một phần thuộc tổ hợp Burj Khalifa (tòa nhà cao nhất thế giới hiện nay) với tổng diện tích tương đương 5 sân bóng đá tiêu chuẩn, có khoảng 1.200 gian hàng, chưa kể khu thủy cung, thác nước, khu vui chơi, khách sạn, nhà hàng... mất cả ngày để tham quan mua sắm mà nhiệt độ điều hòa ở đây khiến bạn cần áo khoác thêm mới chịu nổi.

Đi một nơi mua sắm đặc sản toàn cầu

Mùa này tầm 16 giờ khu vui chơi Dubai Global Village (Làng toàn cầu) mới bắt đầu mở cửa. Đó là lúc nắng bắt đầu dịu xuống để mọi hoạt động tại đây có thể diễn ra ngoài trời.
Làng toàn cầu không chỉ là khu vui chơi với diễu hành đường phố, đu quay... mà đích thực là một cái chợ mua sắm sản vật của các quốc gia trong khu vực và có thể rộng hơn một chút là... toàn cầu. Do vậy hầu hết dân địa phương vừa đi chơi vừa đẩy xe loại dùng cho siêu thị để mua sắm!
Có khoảng 40 khu vực mua sắm, mỗi khu vực là một quốc gia hoặc nhiều quốc gia gom chung một khu. Ngoài biểu tượng những công trình kiến trúc tiêu biểu của quốc gia đó được dựng bên ngoài thì bên trong là một vài nét chấm phá về đặc trưng văn hóa hoặc di sản, còn lại là “phân lô” bán hàng.
Những quốc gia vùng Trung Đông lân cận thuận lợi cho việc giao thương nên hàng hóa rất đa dạng và phong phú, người bán hàng lẫn gian hàng cũng chú ý đầu tư giới thiệu bản sắc của mình hơn là những khu của các nước xa hơn như Trung Quốc, Mỹ... Tại đây có thể tìm mua đủ thứ quà tặng, đồ mỹ nghệ truyền thống, đặc sản của các nước như thảm Iran, đủ loại mật ong với màu sắc phong phú từ Yemen, nông sản của Syria, đồ mỹ nghệ Ma Rốc, túi cói, tượng gỗ từ châu Phi...
Mỗi quốc gia có một khu vực để giới thiệu văn hóa, kiến trúc và bán hàng
Một gian hàng của Yemen với người bán mặc trang phục truyền thống và giắt đoản kiếm
Quầy hàng Việt Nam nằm khiêm tốn trong khu vực các nước vùng Viễn Đông (chung với Campuchia, Malaysia...) bán tranh sơn mài, quà lưu niệm từ ốc biển, gốm sứ... nhưng người đứng bán là một thanh niên Philippines!

Visa đơn giản

Dubai là một trong 7 tiểu vương quốc hợp thành liên bang Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Có các loại visa theo thời gian: 48 giờ (khoảng 10 USD), 96 giờ (30 USD), 30 ngày và 90 ngày... Loại visa theo giờ thực chất cũng được tính bằng ngày, bắt đầu từ ngày bạn nhập cảnh.
Ngoại trừ đi tour thì có công ty du lịch lo, còn tự túc có thể xin qua đại sứ quán nhưng thủ tục sẽ phức tạp hơn và phải chứng minh tài chính. Nếu bay bằng hãng máy bay của Dubai là Emirates thì có thể xin visa điện tử do hãng này bảo trợ ngay trên web bán vé nhưng cũng phải cung cấp nhiều loại giấy tờ. Cách đơn giản nhất là liên hệ văn phòng đại diện của Emirates tại Hà Nội và TP.HCM mua vé, chọn đặt khách sạn, sau đó chỉ cần email ảnh, điền một tờ khai, bản scan hộ chiếu, thanh toán chi phí qua thẻ và visa rời (không cần dán vào hộ chiếu) sẽ được gửi qua email sau vài ngày.
Cách này thuận lợi hơn nữa là khi đến khu vực nhập cảnh ở sân bay Dubai, sẽ có người của Arabian Adventures, công ty du lịch trong tập đoàn Emirates đứng đón để hướng dẫn nhập cảnh, lấy hành lý và đưa về khách sạn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.