Kể từ cách đây 1 tháng, các bệnh viện đã không còn được công bố các ca tử vong có liên quan đến sởi như vốn vẫn làm, ai quan tâm xin mời “hỏi Bộ Y tế”. Cũng kể từ đó, không có bất cứ số liệu về ca tử vong do sởi hoặc nghi sởi nào được thông tin nữa.
Vì thế, người dân chỉ biết dịch sởi đang “vào mùa” nhưng hoàn toàn không ý thức được mức độ phức tạp và nghiêm trọng của nó. Cho đến ngày 4.4, Bệnh viên Nhi T.Ư chính thức kêu cứu vì dù đã đẩy công suất điều trị lên 130% vẫn không đáp ứng được số bệnh nhân biến chứng nặng ngày một tăng lên, thì người ta mới vỡ lẽ ra rằng, dịch sởi đang “phức tạp nhất trong vòng 40 năm qua”. Số ca nhiễm tuy chưa bằng đỉnh dịch nhưng sự bất thường về tuổi nhi nhiễm bệnh, mức độ nguy hiểm và biến chứng nhanh thì chưa từng có. Chính vì không có con số công bố chính thức, nên trên các diễn đàn xã hội bắt đầu có những thông tin về số ca tử vong do sởi gây lo ngại; có những câu chuyện đau lòng của “người trong cuộc” lan truyền với tốc độ chóng mặt mà không ai kiểm chứng được mức độ khả tín.
Có lẽ Bộ Y tế đã chọn giải pháp sai trong tình huống này. Để ứng phó với dịch bệnh, việc đầu tiên cần làm luôn phải là: thông báo để người dân biết và tích cực phòng chống. Còn nhớ, giữa tháng 2.2014 khi số lượng đàn gia cầm nhiễm cúm A/H5N1 tăng nhanh, các cán bộ cấp dưới lo ngại nếu cứ công bố thế này dân sẽ hoang mang, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã quả quyết: “Kinh nghiệm 10 năm chống dịch của tôi cho thấy chỉ khi công khai, không giấu dịch, chỉ khi dân biết đúng tình hình thì họ mới có phản ứng thích hợp và ta mới chống dịch thành công”. Và công tác chống dịch đã thuận lợi hơn nhiều do có được sự hợp tác của người dân.
Việc quá tải trong điều trị bệnh nhi sởi của các bệnh viện T.Ư và các bệnh viện tuyến dưới quanh Hà Nội là có thật, điều này đe dọa chất lượng điều trị và nguy cơ chính các cơ sở điều trị biến thành các ổ dịch. Tuy nhiên, cũng giống như ứng phó với dịch, Bộ Y tế lúng túng trong tìm giải pháp giảm tải cho Bệnh viện Nhi T.Ư cũng là thật. Nó không chỉ làm cho người dân hoang mang mà bản thân các bệnh viện cũng bất an.
Ngoài chỉ đạo “nâng cao năng lực cho tuyến dưới để giảm tải cho tuyến T.Ư” - một giải pháp không phù hợp cho tình huống khẩn cấp cụ thể này, lãnh đạo Bộ Y tế trong cuộc họp hôm 4.4 cũng chỉ đưa ra một giải pháp khác… rất trời ơi: “Thực hiện chuyển tuyến hợp lý, an toàn cho bệnh nhân”. Các bệnh viện gọi đó là giải pháp “đánh bùn sang ao”; đó là chưa kể nó sẽ đe dọa quyền được chữa bệnh của người dân.
Có thể, dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát và Bộ Y tế thấy chưa cần thiết phải công bố dịch như một số đề nghị từ bệnh viện, nhưng những khuyến cáo rõ ràng trên cơ sở những con số đầy đủ, trung thực là điều rất cần thiết. Các biện pháp giảm tải, hỗ trợ điều trị, tăng cường trang thiết bị càng không thể dừng lại ở những chỉ đạo chung chung. Nhưng trên hết, người dân có ước nguyện, ngành y tế đừng bao giờ còn phải ứng phó bị động trước những mùa dịch đến hẹn lại lên như thế này.
An Nguyên
Bình luận (0)