Cảnh báo biến chứng bất thường do sởi

04/03/2014 03:00 GMT+7

Ngày 3.3, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện (BV) Bạch Mai, thông báo về trường hợp biến chứng rất nặng do mắc sởi được cứu sống.

 
Bé Bùi Kiều Trinh đã bình phục sau biến chứng viêm phổi do vi rút sởi - Ảnh: Thúy Anh

Cháu Bùi Kiều Trinh, 10 tháng tuổi, nhà ở Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội, nhập Khoa Nhi của BV Bạch Mai sáng 16.2, sau 2 ngày ho, sốt, nổi ban, được xác định mắc sởi và chuyển sang BV Bệnh nhiệt đới T.Ư điều trị. Tuy nhiên, ngay chiều cùng ngày, chụp X-quang phổi bệnh nhi đã thấy tổn thương cực nặng nên được chuyển trở lại Khoa Nhi BV Bạch Mai trong tình trạng suy hô hấp. Cháu bé phải thở ô xy, điều trị tích cực, nhưng chưa đầy một ngày suy hô hấp tiến triển nhanh, phải thở máy. Cùng với diễn biến bệnh quá nhanh (trong khi thông thường, viêm phổi do vi khuẩn bệnh cảm không cấp tính) và các xét nghiệm cấy máu, dịch nội khí quản đều không thấy có vi khuẩn nên bệnh nhi được khẳng định viêm phổi do vi rút sởi tấn công trực tiếp.

Trước bé Trinh cũng có trường hợp bé gái 12 tháng tuổi mắc sởi viêm phổi suy hô hấp cấp, xét nghiệm dịch hầu họng âm tính với vi khuẩn. “Đây là những ca tai biến rất bất thường trên bệnh nhân sởi trong vụ dịch này, vì biến chứng xuất hiện sớm và nguyên nhân do vi rút sởi tấn công trực tiếp. Trong khi thông thường, viêm phổi ở trẻ mắc sởi là do bội nhiễm vi khuẩn. Điều này cần được chẩn đoán chính xác để có chiến lược điều trị phù hợp, tránh tử vong”, TS Dũng chia sẻ.

Tại Khoa Nhi BV Bạch Mai đang có gần 20 bệnh nhi bị sởi đang điều trị nội trú. Trẻ nhỏ nhất mới 24 ngày tuổi lây sởi từ mẹ. “Trong 4 - 5 tuần qua, liên tục có các trẻ bị sởi và ban dạng sởi được cha mẹ đưa đến khám, nhiều trường hợp vào cấp cứu ban đêm. Những ca nhập viện đều đã có biến chứng. Trong ngày 3.3 đã có thêm ba trường hợp sởi bị viêm phổi nhập viện”, TS Dũng thông tin.

Cũng theo TS Dũng, nếu viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn thì có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh nhưng viêm phổi do vi rút sởi điều trị khó khăn hơn rất nhiều vì gây bệnh rất nặng, rất nhanh và cũng không có thuốc đặc trị. “Với trẻ nhỏ bị sởi và biến chứng phổi do vi rút sởi nguy hiểm cho tính mạng của trẻ, đòi hỏi có chiến lược điều trị tổng thể, hết sức tích cực, theo dõi diễn biến sát sao và cần hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại”, TS Dũng nói.

Chiều 3.3, ông Nguyễn Trần Hiển, Giám đốc dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết các ca mắc sởi hiện vẫn được ghi nhận tại nhiều tỉnh thành. Chiến dịch tiêm vét vắc xin sởi đang được triển khai trong tháng 3 và ước tính có khoảng 200.000 trẻ sẽ thuộc đối tượng tiêm vét trong đợt này trên toàn quốc. Ngoài đối tượng tiêm vét, các trẻ đến lịch tiêm (9 và 18 tháng) vẫn duy trì bình thường.

Ông Hiển cũng lưu ý, sởi có biểu hiện: sốt, ho thường kèm theo tiêu chảy, đau mắt, nổi ban. Khi có biểu hiện trên, các gia đình nên cho trẻ đi khám để được hướng dẫn theo dõi, phòng biến chứng nặng. Khi trẻ sốt cao liên tục, tiêu chảy nhiều, khó thở cần được đến bệnh viện ngay.

Liên Châu

>> Cứu sống bé trai bệnh sởi biến chứng nặng
>> Biến chứng đáng sợ của bệnh sởi
>> Bệnh sởi bùng phát cao nhất trong 3 năm qua
>> Gia tăng bệnh sởi ở TP.HCM
>> Bệnh sởi lan rộng nhiều tỉnh, thành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.