Rẻ mà ngon!
Lúc đó, con gái đang là sinh viên ở Huế rủ, tối con đưa ba đi ăn chè heo quay. Tôi trố mắt, nghĩ, heo quay thì béo, sao có thể... nấu chè?
Vì lạ nên rất hào hứng.
Quán chè bên vỉa hè công viên Thương Bạc. Trời mưa to, nước từ mấy cái dù chảy ướt lưng khách. Nhiều người mặc áo mưa đang ngồi ăn, nhiều người khác đang đứng chờ.
Phải 30 phút chúng tôi mới có ghế ngồi.
tin liên quan
Chỉ 100 ngàn ăn 'đã đời ông địa' đủ món xứ HuếChè ngọt, cắn viên bột, gặp miếng nhân heo quay giòn rụm. Trời đất, lịm cả người.
Con gái múc cho viên bột bên ly chè đá của nó, ngoài lạnh, thịt heo quay vẫn nóng, giòn tan.
Quán chè quảng cáo là gia truyền. Tiền bối thật không hổ danh, đã sáng tạo ra một tuyệt tác ẩm thực. Mỗi người hai ly, trả 20.000 đồng.
Đối diện khách sạn Sài Gòn Morin, gần cầu Trường Tiền có một gánh bánh mì đêm nổi tiếng đến mức người ta bảo chưa biết nó là coi như chưa đến Huế.
Nghe vậy nên hôm sau, bảo con gái dẫn đi. Khuya nhưng rất đông, chủ yếu là người trẻ. Mua hai ổ, mỗi ổ 6.000 đồng. Mì nóng giòn, trong cũng bỏ nhiều thứ, mỗi thứ chút chút. Đúng là không thể chê!
Biết chỗ để ăn
Tôi có 4 năm học và 4 năm làm việc ở Huế. Người Huế, nhất là đàn ông thì bình tĩnh hơn bình thường và rất “thủy chung”. Đến Huế tìm bạn cũ rất dễ, sáng ai ngồi quán cà phê nào, chiều ai nhậu ở đâu thì cả chục năm sau vẫn thế. Đến đó là gặp.
tin liên quan
Cua Dì Ba sau tháng ngày 'quá sốt' trên mạng, giờ ra sao?Cái quán có tên chè hẻm từ hồi còn sinh viên mỗi khi có tiền đến ăn một ly, thấy nó tan trong miệng như bánh thánh. Bây giờ, sau ba chục năm đến lại, vẫn ở hẻm đó và cũng chẳng cần mở rộng hay phát triển gì thêm.
Ngay cả bánh canh cua, bún hay xôi thịt hông (hon)... bây giờ rất nhiều nhưng quán “truyền thống” vẫn là ngon nhất. Vì thế, đến Huế, cần phải có một người bạn Huế làm hướng dẫn viên tình nguyện thì mới biết độ công phu khi thưởng thức món Huế. Rơi vào tay mấy anh chị làm tour coi như… xong om.
Tôi là dạng người lười ăn sáng, nhưng đến Huế, cứ sáng dậy lại thèm... cơm hến. Tô 10.000 đồng mà trong đó đủ cả, rau, thịt, trứng, tinh bột, hến, nước hến, ruốc và…ớt. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong một bài nhàn đàm viết cho Thanh Niên còn kể thêm món... lửa. Anh bảo, nồi nước hến phải bắc trên bếp có ngọn lửa nhỏ ở một đầu gánh. Cơm hến phải cay, bỏ cả ớt trái còn thêm tương ớt bột nguyên chất, không cay thì không phải cơm hến. Anh mô tả là “cay thấu lỗ đít” - dùng từ thật đích đáng.
Cái gì cũng chút chút
Chút, tiếng Huế là một ít, một xí, chút chút lại còn ít hơn.
tin liên quan
Súp cua ở Sài Gòn, hai chị em bán hết 100 chén trong 6 tiếngBánh lọc trần mệ Cai, có hai loại giá, đĩa nhỏ 5.000, đĩa lớn hơn 10.000. Tôi chỉ ăn đĩa 5.000.
Huế có con đường toàn quán cà phê ghế. Mỗi người một chiếc ghế nhựa thấp, không bàn, tất cả đều ngồi nhìn ra đường. Đọc báo, lướt mạng cả buổi rồi trả 5.000 đồng cà phê.
Ngày trước anh Trịnh Công Sơn cũng hay uống rượu nhưng rượu Tây và thường uống ở nhà mình và nhà bạn nhiều hơn, không hiểu vì sao, con đường mang tên anh ở Huế lại nhậu từ đầu đến cuối đường. Bên trái là quán, bên phải cạnh bờ sông, trên vỉa hè rộng đó mới là nơi đặt bàn ngồi nhậu. Đông vô kể.
Ở đó nếu gọi một đĩa “vũ nữ chân dài” (tức là con nhái lột da phơi khô rồi chiên lên, chân nó dài như… vũ nữ) 30.000, uống 7 chai bia Huda “nghé” (người Huế gọi loại bia trong chai 330 ml là nghé, trong chai 450 ml là trâu), mất 100.000 là tứng từng tưng rồi.
Ca khúc Huế thương có đoạn: “Trở lại Huế thương, bài thơ khắc trong chiếc nón...”, dân nhậu trên đường Trịnh mới chế ra: “Trở lại Huế thương/Thùng bia khắc tên ken Huế/Anh cầm trong tay ra đứng bờ sông/Sông Hương tấp nập mần răng được chừ? Anh không... ái được thì anh khật khừ…” để nói cả dãy quán bên bờ sông đó chưa có toilet. Nay thì đã khác, quán nào cũng có cả rồi, khỏi “ra đứng bờ sông”.
Nhà hàng ở Huế các món ăn rất ít giá cao (trừ quán hải sản), thường thì dưới 90.000 đồng/món. Tất nhiên là nó chút chút nhưng như thế ăn được nhiều món là không thấy ngợp.
Khách du lịch đến Huế mà khéo mỗi ngày tiêu 100.000 đồng cho ẩm thực là coi như đủ.
Bình luận (0)