TNO

Đến Huế tham quan lăng tẩm - Kỳ 2: Khám phá các lăng vua

17/05/2014 14:03 GMT+7

(iHay) Chuyến thăm và khám phá những lăng mộ của các vị vua triều Nguyễn để lại cho tôi những cảm giác thú vị.

(iHay) Nhìn chung, cho dù mỗi lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn có những điểm độc đáo riêng nhưng hầu hết đều theo một lối kiến trúc cơ bản chung và theo các quy tắc về phong thủy.

>> Đến Huế tham quan lăng tẩm - Kỳ 1: Những ngôi mộ tiền tỉ

 
Hồ nước, cây xanh, hoa cỏ bao bọc quanh những công trình của Hiếu Lăng, khiến lăng trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát và gần gũi với thiên nhiên - Ảnh: Phạm Như Quỳnh


Do đó, nếu không có thời gian để chiêm ngưỡng hết các lăng mộ nổi tiếng này, bạn có thể chọn 2 lăng mộ sau để tham quan: Hiếu Lăng của vua Minh Mạng, tiêu biểu cho kiến trúc lăng tẩm truyền thống của triều Nguyễn và Ứng Lăng của vua Khải Định, tiêu biểu cho kiến trúc lăng có sự pha trộn giữa Á và Âu, truyền thống và hiện đại. 

Hiếu Lăng

Minh Mạng là vị vua thứ 2 của triều Nguyễn, sau vua Gia Long. Do lăng Gia Long ở khá xa, đường lại khó đi, cho nên để tìm hiểu những nét kiến trúc truyền thống của lăng tẩm nhà Nguyễn, du khách thường chọn đến Hiếu Lăng.

Đầu tiên phải nói là Hiếu Lăng rất chú ý đến phong thủy, vua Minh Mạng đã phải mất đến 14 năm mới tìm được vị trí ưng ý. Tuy nhiên, ông lại băng hà chỉ vài tháng sau khi khởi công xây dựng, nên vua Thiệu Trị (con của ông) đã gấp rút huy động lực lượng lên đến hàng vạn người, ngày đêm thay nhau xây dựng trong 3 năm. Lăng Minh Mạng trở thành lăng tẩm tiêu tốn nhiều nhân công nhất trong các lăng vua triều Nguyễn.

Hiếu Lăng sau khi xây dựng vừa gần gũi với thiên nhiên vừa mang sự uy nghiêm lại vừa phù hợp các yếu tố phong thủy, được xem là lăng tẩm chỉn chu nhất. Lăng có khoảng 40 công trình lớn nhỏ được bố trí đối xứng nhau trên một trục chính từ Đại Hồng Môn đến La Thành, được gọi là đường Thần Đạo.

 
Phong cảnh thiên nhiên trong Hiếu Lăng - Ảnh: Phạm Như Quỳnh

Đại Hồng Môn là cổng chính vào lăng, có kiến trúc tiêu biểu cho cổng tam quan đời Nguyễn. Cổng này chỉ mở cửa một lần duy nhất khi đưa thi hài của vua Minh Mạng vào lăng. Sau đó, người ra vào lăng phải đi bằng 2 cổng phụ là Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn. Khách du lịch thường được vào bằng cổng Tả Hồng Môn.

 
Đại Hồng Môn - Ảnh: Phạm Như Quỳnh

Sau Đại Hồng Môn là sân Bái Đình, có 2 hàng tượng quan văn, quan võ, lính hộ lăng và ngựa voi bằng đá. Theo quan niệm xưa, “họ” sẽ bảo vệ lăng tẩm của nhà vua và phục vụ ông ở thế giới bên kia.

Bước qua từng lát gạch Bát Tràng của sân Bái Đình, bạn sẽ đến Bi Đình, nơi có tấm bia đá ghi tiểu sử và công đức của vua Minh Mạng do vua Thiệu Trị biên soạn.

 
Bi Đình - Ảnh: Phạm Như Quỳnh 

Tiếp đến là sân triều lễ và Hiển Đức Môn. Sau Hiển Đức Môn là 3 cây cầu bắc ngang hồ Trừng Minh dẫn đến Minh Lâu và điện Sùng Ân. 

 
Hiển Đức Môn nằm ngay giữa đường Thần Đạo và là cửa vào khu vực tẩm điện (khu vực thờ cúng).

 
Minh Lâu là nơi nhà vua suy ngẫm và là nơi đi về của linh hồn Tiên đế

 
Bên ngoài (ảnh trên) và bên trong (ảnh dưới) của điện Sùng Ân, nơi thờ bài vị của vua và hoàng hậu

 
Cầu Chính Đại Quang Minh bắc ngang hồ Tân Nguyệt, dẫn đến Bửu Thành. 2 đầu cầu có cổng tam quan được trang trí tinh xảo

 
Bửu Thành, sau cánh cổng là mộ phần của vua Minh Mạng

 
Nghênh Lương Quán và Điếu Ngư Đình là 2 công trình nhỏ đặt bên hồ Trừng Minh, nằm đối xứng nhau qua trục Thần Đạo. Đây là nơi để nhà vua câu cá, ngắm cảnh. Trong ảnh là Nghênh Lương Quán, còn Điếu Ngư Đình nay chỉ còn di chỉ nền móng

 
Đầu rồng được tạo thành từ đá, đối xứng qua trục Thần Đạo là đuôi rồng

Phần cuối cùng của đường Thần Đạo là Bửu Thành, nơi yên nghỉ của vua Minh Mạng. Ngoài ra, hai bên đường Thần Đạo còn có nhiều công trình nhỏ khác, tất cả đều nằm đối xứng nhau theo từng cặp.

Ứng Lăng

 
Bút tích của vua Khải Định trong Ứng Lăng

Nếu như Minh Mạng là vị vua cận đầu của triều Nguyễn thì Khải Định là vị vua cận cuối của triều Nguyễn, trước vua Bảo Đại. Ứng Lăng của ông cũng là lăng vua cuối cùng được xây dựng trong lịch sử phong kiến Việt Nam (vua Bảo Đại được an táng và chôn cất ở Pháp). Do đó, thật dễ hiểu khi kiến trúc Ứng Lăng thấp thoáng dáng dấp Tây phương và những nét hiện đại.

 
 Cổng vào Ứng Lăng (ảnh trên), cổng có cửa sắt và những cột trụ nhọn, khác hẳn so với các cổng bằng gỗ và đá ở các lăng khác. Sau cánh cửa này du khách phải qua một cổng nữa (ảnh dưới) mới đến được sân chầu Bái Đình

Không còn hồ nước rừng thông, không nhà gỗ mộ đá, các chất liệu thường thấy trong những lăng mộ khác cũng được sử dụng rất hạn chế. Thay vào đó, Ứng Lăng được xây dựng bằng những vật liệu hiện đại hơn như bê tông, gạch ngói, sắt, thép, sứ, thủy tinh... được ông cho mang về từ Pháp, Trung Quốc và Nhật.

 
Giống như các lăng khác, 2 bên sân chầu Bái Đình cũng có 2 hàng quan văn, quan võ và những người lính hộ lăng được tạc bằng đá một cách công phu.

 
Phía sâu sân chầu là Bi Đình. Khác hẳn với Bi Đình của Hiếu Lăng, Bi Đình này to lớn hơn, có hình bát giác, được xây bằng bê tông với nét kiến trúc kết hợp giữa Phật giáo và kiến trúc Ý

 
Điện Khải Thành, nơi để áng thờ và chân dung vua Khải Định

 
 Áng thờ vua Khải Định và phù điêu xung quanh được ghép tinh xảo từ sành sứ và thủy tinh

 
Bửu áng có thi hài của vua Khải Định nằm bên dưới, trên mộ phần là tượng vua bằng đồng dát vàng, trên bức tượng là một bửu tán nặng khoảng 1 tấn nhưng được chế tác tinh xảo với những đường cong mềm mại như một tấm nhung lụa

Ứng Lăng mang những nét kiến trúc pha trộn giữa truyền thống và hiện đại, Việt và Âu, Phật giáo và Gothic tạo thành một tổng thể tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Có người cho rằng lăng lạ và độc đáo, có người lại chê lăng màu mè, xa hoa và hỗn tạp.

Dù khen hay chê, có lẽ ai cũng phải xuýt xoa trước kỷ lục của Ứng Lăng: lăng có thời gian thi công dài nhất (11 năm) và tốn nhiều kinh phí nhất trong các lăng tẩm triều Nguyễn, cho dù có diện tích tương đối nhỏ.

Cung Thiên Định là phần kiến trúc chính của Ứng Lăng gồm 2 bên Tả Trực, Hữu Trực và 3 gian giữa là điện Khải Thành phía trước, mộ phần vua Khải Định ở giữa và khám thờ bài vị vua ở trong cùng. Cả 3 gian giữa của cung đều được trang trí bằng những bức phù điêu ghép từ sành sứ và thủy tinh một cách công phu.

Trong cung Thiên Định có 2 bức tượng của vua Khải Định, đây là điểm khác biệt nổi bật so với các lăng vua khác. Một bức tượng ngồi bằng đồng dát vàng, đặt trên thi hài của vua Khải Định. Một bức tượng đứng bằng đồng thau, cao 1,6 m, tạo hình rất giống với nhà vua, từ vóc dáng, khuôn mặt, phong thái đến trang phục.

 
Bức tượng đồng có kích thước 1:1, thể hiện được cả ngoại hình và tính cách của nhà vua

Du ký của Phạm Như Quỳnh

>> Đến Huế tham quan lăng tẩm - Kỳ 1: Những ngôi mộ tiền tỉ
>> Từ Hy Đệ hôn, nắn 'vòng 1' của Trương Huệ Muội trên sân khấu
>> Trai xinh gái đẹp các nước 'đọ sắc' trên đường phố Huế
>> Kungfu Thiếu Lâm Tự ở Festival Huế
>> Hồng Quế diện Hanbok trình diễn tại Festival Huế  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.