Đây là một trong những nội dung quan trọng được các nhà nghiên cứu đề cập trong Hội thảo khoa học quốc tế Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại (nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam) diễn ra vào ngày hôm qua (13.4) tại Việt Trì (Phú Thọ) với sự tham gia của 200 đại biểu trong nước và quốc tế đến từ 17 quốc gia (Canada, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Đan Mạch...).
“Quốc gia hóa” lễ hội thế nào?
Theo GS Ngô Đức Thịnh, dưới triều Lê, Nguyễn, vào mỗi dịp lễ hội, cộng đồng dân làng quanh đó tiến hành các nghi lễ tế cúng, tham gia trò chơi dân gian, sinh hoạt dân gian. Nói cách khác, họ là người chủ của lễ hội, đại diện của triều đình tham gia trong quốc tế. Tuy nhiên theo ông, hiện nay, vai trò làm chủ của cộng đồng trong lễ hội ngày càng ít đi, thay vào đó, lễ hội có phần bị “quốc gia hóa” quá đà. TS Lê Thị Minh Lý (Phó cục trưởng Cục Di sản) cho biết, việc xây dựng hồ sơ đề cử tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương gặp khó khăn hơn so với hồ sơ Hội Gióng cũng bởi: “Chính quyền đã tham gia vào thực hành tín ngưỡng từ lâu”.
|
Theo GS Thịnh, trong các lễ rước, tế, cần để cộng đồng nhân dân các làng xung quanh làm chủ như trước kia vẫn thế, còn đại diện từ phía Nhà nước chỉ nên tham gia vào nghi lễ quốc gia. Trao đổi với Thanh Niên, GS Nguyễn Quang Ngọc (Viện trưởng Viện Việt Nam học) bày tỏ: “Việc giữ gìn phần lễ là mặc nhiên, nhưng phần hội cũng cần phải giữ”.
Cũng đồng quan điểm trên, GS Thịnh cho rằng, bên cạnh các nghi lễ, chúng ta cũng cần phải giữ gìn, khôi phục các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, cụ thể là các trò chơi, diễn xướng dân gian. Ông đưa ra quan điểm: “Không nhất thiết phải đưa các đoàn văn công, nghệ thuật chuyên nghiệp về biểu diễn. Thay vào đó, chúng ta nên đưa ngay những sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng”.
Như vậy, vai trò làm chủ lễ hội của cộng đồng dân làng là rất cần thiết trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa cho lễ hội. Tuy nhiên, đã là quốc lễ thì quy mô lễ hội phải khác và tất nhiên phải có vai trò của nhà nước. Theo GS Ngọc, vai trò nhà nước ở đây là đứng ra tổ chức, quản lý, hỗ trợ các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa cho cộng đồng. “Nếu cứ tổ chức lễ hội theo quy mô như các làng trước đây thì không thể đáp ứng nổi lượng người từ khắp cả nước về. Giẫm đạp lên nhau là chuyện thường. Nhà nước phải có vai trò quản lý, tổ chức là vì thế, chứ các làng họ không thể lo mấy chuyện đó được” - ông nói.
Du lịch có thể làm hỏng di sản
Bài tham luận của TS Lê Thị Minh Lý nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài. Theo TS Lý, với di sản tín ngưỡng, chúng ta phải thận trọng khi đưa di sản cho khách du lịch tiếp cận. Bởi trong chừng mực nào đó, nếu sự tiếp cận của du lịch một cách thái quá, người dân mong muốn phát triển các hoạt động du lịch, nếu không có tầm nhìn xa, mà chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt thì có thể sẽ làm hỏng di sản. Bên cạnh đó, bà nhấn mạnh: “Di sản tín ngưỡng Hùng Vương là rất khó để phát triển du lịch”.
Tuy nhiên, thạc sĩ Nguyễn Quang Vinh (trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) lại cho rằng, du lịch có phát triển thì mới phát huy được di sản. Theo ông, cần tuyên truyền để người dân không nên chỉ đến đền Hùng vào mỗi dịp lễ hội. Còn theo TS Peter Knecht (Đại học Aichi Gukukin, Nhật Bản), nhiều quốc gia đã gặp phải vấn đề giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản. “Nếu không có chính sách đúng đắn, di sản có thể bị du lịch làm cho sai lệch” - ông nói.
Chuẩn hóa quốc lễ
Bên cạnh quy mô, cách thức tổ chức lễ hội, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cần có những quy định cụ thể về cách thức tiến hành nghi lễ, hay trang phục. GS Ngô Đức Thịnh nhấn mạnh, nếu các nghi thức không được tiến hành theo những quy chuẩn truyền thống thì sẽ trở nên “tầm thường hóa”. “Trước kia, các cụ xưa đã có những quy chuẩn từ ăn mặc, đi đứng, tế các tuần (tuần trà, tuần rượu, tuần hương, tuần hoa) từng li từng tí một, chẳng hạn như dâng hương không chỉ là cắm một nén hương mà phải dâng cả lư hương trầm. Còn bây giờ lại có phần bát nháo. Tất nhiên chúng ta có thể cải tiến, đặt ra những cái mới, nhưng vẫn phải giữ những truyền thống căn bản” - ông cho hay.
Trang phục trong nghi lễ cũng là điều phải quy định rõ ràng. GS Thịnh có ý kiến, nên đầu tư công sức để tìm ra quốc phục.
Đền Hùng ở thung lũng Silicon Trong hội thảo còn có sự xuất hiện của ông Nguyễn Liêm - người sáng lập ra Hội Đền Hùng (hiện có khoảng 200 hội viên) tại thành phố San Jose (Hoa Kỳ). Ông cho biết, các hội viên tự nguyện đóng góp tiền để tu bổ, thờ cúng tại đền thờ vua Hùng đã được xây dựng từ năm 2003 tại thành phố. Hằng tuần, các hội viên đều thắp hương tại đền thờ. Vào ngày giỗ Quốc tổ, các thành viên tiến hành tế lễ tưởng nhớ vua Hùng. Ông cho rằng, việc làm của ông sẽ giúp các con ông có ý thức hướng về tổ tiên, cội nguồn. Không chỉ phổ biến văn hóa trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, ông còn mong muốn giúp cho người ngoại quốc hiểu về văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam. |
Minh Ngọc
Bình luận (0)