Làng gốm Bàu Trúc nằm trong lòng chảo được bao quanh bởi những dãy núi, mùa mưa thường gây ra lũ lụt và được phù sa bồi đắp lâu năm tạo nên các lớp đất nằm sâu ở triền sông Quao. Chính nơi đây đã hình thành nên những lớp đất sét mịn màng, có độ dẻo cao. Bên dưới lòng sông Quao có những bãi cát trắng hạt rất nhỏ. Đây là nguyên liệu cần thiết để tạo thành gốm Bàu Trúc. Mỏ đất sét ở rất gần triền sông Quao, mùa mưa nước rất lớn, nên khai thác đất sét chỉ tập trung vào những tháng mùa khô. Đất được làm sạch, đập nhuyễn, ngâm nước, sau đó nhồi với cát trắng hạt nhỏ theo tỷ lệ hai đất sét một cát. Khâu làm đất được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, nếu còn sót một vài hạt cát thô hoặc ít bụi bẩn thì sản phẩm sau khi nung sẽ bị nứt, hư hỏng hoàn toàn.
Nghệ nhân xoay người quanh vật dụng để tạo nên hình thể gốm cần làm |
Đất sét được tách ra từng viên lớn, nhỏ (tuỳ theo kích cỡ thân gốm) đặt lên bàn kê cao chừng 1 mét, nghệ nhân xoay người quanh vật dụng để tạo nên hình thể gốm cần làm. Khi đã có hình dạng cơ bản, họ lấy vải thấm nước để chỉnh sửa, đánh bóng sản phẩm. Sau đó, các nghệ nhân tập trung vào khâu trang trí hoa văn. Hoa văn trang trí cũng rất đơn giản, tùy theo hình mẫu sản phẩm. Có nhiều sản phẩm gốm, nghệ nhân chỉ cần dùng đầu móng tay ấn vài nét để tạo hoa văn trên vai cổ gốm cũng có giá trị nghệ thuật cao. Các hoa văn thường được trang trí trên thân gốm là những đường khắc vạch hình sóng biển, chấm vỏ sò, bông hoa thực vật và cả hoa văn móng tay rất mộc mạc, gần gũi, nhẹ nhàng.
Dù hình thù gốm có cao, to nhưng với đôi tay khéo léo của mình, các nghệ nhân đã tạo ra được các sản phẩm gốm độc đáo |
Trước khi đưa vào nung, gốm được phơi thật khô dưới ánh nắng mặt trời. Khi đốt lửa nung gốm, các nghệ nhân luôn theo dõi rất kỹ các bản tin dự báo thời tiết để tránh những trận mưa bất chợt. Nếu nung nửa chừng mà gặp cơn mưa thì coi như mẻ gốm đó thất bại. Gốm Bàu Trúc không nung bằng lò, mà thay vào đó, người ta chất thành từng đống trước sân nhà, ủ rơm rạ nung thủ công theo phương thức: Nung lần thứ nhất trong vòng 6 tiếng, để cho gốm chín, sau đó dùng nước màu phun lên bề mặt thân gốm; lần hai nung trong vòng 2 tiếng và cho ra sản phẩm gốm hoàn chỉnh. Kết hợp cách pha màu, các nghệ nhân có cách ém khói khi nung để tạo ra các vết màu loang đặc sắc trên từng sản phẩm gốm như: vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu rất cổ kính.
Gốm đem phơi khô trước khi đưa vào nung |
Nước màu cũng là khâu quyết định giá trị sản phẩm gốm Bàu Trúc. Nghệ nhân lên rừng hái trái dông, trái thị, vỏ cây… đem về giã nhuyễn, ép lấy nước màu. Sản phẩm gốm có giá trị nghệ thuật cao cũng nhờ vào bí quyết pha màu và cách ém khói khi nung. Bí quyết này tạo nên vẻ đẹp huyền bí của gốm cổ Bàu Trúc mà không nơi nào có được.
Du khách đến tham quan và mua các sản phẩm ở làng gốm Bàu Trúc |
Bài, ảnh: Thiện Nhân
Bình luận (0)