Bên cạnh một số ý kiến đồng tình với việc tăng phạt, tăng phí đối với người vi phạm khi tham gia giao thông, nguyên Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông Cục CSGT, Bộ Công an cho rằng, cần có cơ chế giám sát, xử lý các hành vi vi phạm và xử lý vi phạm của CSGT. Trong đó có giải pháp triển khai lắp đặt hệ thống camera trên tất cả các tuyến đường, cao tốc nhằm hạn chế việc CSGT tiếp xúc với người vi phạm.
Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia giao thông Nguyễn Minh Đồng cho biết nhiều nước trên thế giới đã áp dụng đưa hệ thống camera vào việc xử phạt nguội rất hiệu quả và người dân luôn ý thức được việc có camera giám sát nên chấp hành đúng luật giao thông.
Tại VN hiện nay, lực lượng tuần tra không thể có mặt trên tất cả tuyến đường 24/24, vì vậy khả năng phát hiện sai phạm thấp; cũng như người dân chấp hành luật theo kiểu đối phó. Do vậy, theo ông Đồng, để việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông mang tính răn đe, hiệu quả cao và được người dân đồng thuận, các cơ quan chức năng cần cải thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông; áp dụng hình thức xử phạt bằng camera trên tất cả tuyến đường; có biện pháp giám sát chặt chẽ CSGT, TTGT khi tuần tra kiểm soát trên đường tránh phát sinh tiêu cực.
Về mặt pháp lý, theo luật sư (LS) Nguyễn Tri Đức (Đoàn LS TP.HCM), việc tăng mức phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ là một trong những giải pháp đáng ghi nhận. Tuy nhiên việc triển khai áp dụng biện pháp chế tài thu tiền phạt phải được thực hiện một cách triệt để thì mới đem lại hiệu quả như mong muốn…
“Để thực hiện việc thu tiền phạt triệt để, cần phải bổ sung thêm biện pháp chế tài khác đảm bảo việc truy thu tiền phạt qua lương, tài khoản cá nhân… Riêng các đối tượng không có điều kiện tài chính hoặc cố tình không nộp phạt thì buộc áp dụng biện pháp chế tài phạt lao động công ích”, LS Đức chia sẻ.
Đà Nẵng hạn chế phương tiện, không chọn tăng mức phạt
Ngày 11.3, trung tá Phan Văn Thương, Phó trưởng phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng, cho biết TP.Đà Nẵng vừa ban hành dự thảo đề án hạn chế phương tiện vào trung tâm TP như xe tải, xe khách và hiện đang lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân sẽ chịu tác động trực tiếp như các hãng vận tải, lữ hành… “Đây là bước tiếp theo của mục tiêu giảm thiểu ùn tắc trên địa bàn. Trước đây, TP.Đà Nẵng cũng đã có nhiều giải pháp để hạn chế ùn tắc như cấm đỗ xe theo ngày chẵn, ngày lẻ, cấm đỗ xe ở các tuyến huyết mạch như đường 2.9, tiến hành thu phí ở đường Bạch Đằng, Trần Phú…”, trung tá Phan Văn Thương nói.
Bên cạnh đó, một số đại diện cơ quan quản lý ở TP.Đà Nẵng tỏ ra không “mặn mà” với ý tưởng tăng mức phạt để giảm ùn tắc. Theo đánh giá của Phòng CSGT Công an TP, tại Đà Nẵng, hiện nay 2 giải pháp phân bố đậu xe và cấm xe khách vào trung tâm giờ cao điểm đã phát huy hiệu quả. Với trên 40 tuyến hiện có và sắp đến tăng lên trên 50 tuyến đường đậu xe theo chẵn lẻ, địa phương sẽ cải thiện được tình trạng ùn tắc ở trung tâm.
Nguyễn Tú
|
Bình luận (0)