(TNO) Trái ngược với phát biểu của Đức Giáo hoàng Francis, Thủ tướng Anh David Cameron vừa lên tiếng cho rằng mọi người hoàn toàn “có quyền công kích tôn giáo của một người nào đó” trong một xã hội tự do, theo Reuters hôm nay 19.1.
Thủ tướng Anh David Cameron - Ảnh: Reuters
|
Reuters hôm nay 19.1 trích dẫn phần trả lời phỏng vấn của Thủ tướng Anh David Cameron với chương trình phát sóng toàn quốc, CBS’ Face, hôm chủ nhật 18.1. Trong trích dẫn, Thủ tướng Anh cho biết: “Tôi là một người theo đạo Cơ đốc. Hẳn nhiên, tôi sẽ cảm thấy xúc phạm nếu có ai đó công kích Chúa Jesus trước mặt tôi. Tuy nhiên trong một xã hội tự do, tôi không có quyền lựa chọn cách trả thù họ để bản thân được hả giận”.
“Chúng ta phải chấp nhận rằng báo chí có thể đăng tải một vấn đề làm mất lòng một vài người, miễn là nó vẫn nằm không vượt quá khuôn khổ pháp luật”, ông Cameron nói thêm.
Thủ tướng Anh tiếp tục khẳng định vai trò của chính trị chủ yếu là ủng hộ quyền tự do ngôn luận chứ không phải cố gắng kiểm soát việc biên tập của các cơ quan báo chí. “Tôi làm chính trị và công việc của tôi không cho phép tôi có quyền bảo báo chí vấn đề nào phải đăng và vấn đề nào thì không. Quyền hạn công việc của tôi là đảm bảo mọi thứ trên mặt báo đều nằm trong khuôn khổ pháp luật”, ông nói.
Ông Cameron trong chuyến công du của mình đến Washington (Mỹ) vào thứ sáu 17.1 cũng tuyên bố: “Trong một xã hội tự do, mọi người hoàn toàn có quyền công kích tín ngưỡng của một ai đó”, theo Reuters.
Quan điểm trên của Thủ tướng Anh David Cameroon hoàn toàn trái ngược với ý kiến của Đức Giáo hoàng Francis trước đó. Đức Giáo hoàng trên đường đến thăm Philippines hôm 15.1 đã tuyên bố rằng khiêu khích người khác bằng cách phỉ báng đức tin của họ là điều sai trái, và phản ứng của một người trước sự công kích như trên là có thể lường trước được.
Đức Giáo hoàng Francis nói: “Bạn không thể khiêu khích, không thể lăng mạ hay nhạo báng đức tin của người khác”.
Nước Pháp đã trải qua 3 ngày bạo lực đẫm máu khiến 17 người chết, bắt đầu từ vụ các tay súng thảm sát tòa soạn báo Charlie Hebdo hôm 7.1 làm chết 12 người (bao gồm cảnh sát và nhiều nhà báo) nhằm trả đũa tranh biếm họa nhà tiên tri Hồi giáo Mohammad.
Loạt tấn công khủng bố trên khiến những nhà làm luật trên toàn thế giới phải cân nhắc về chiến lược đối phó với các tổ chức Hồi giáo cực đoan và cách tiếp cận của họ trong vấn đề giới hạn tự do ngôn luận khi nó vô tình khiêu khích nhiều người.
Bình luận (0)