Kiến nghị cho mua hàng từ các thương nhân phân phối khác
Hiện cả nước có hơn 300 thương nhân phân phối, là khâu kết nối giữa đầu mối và bán lẻ xăng dầu. Trong kiến nghị nội dung dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu gửi Bộ Công thương ngày 2.2, Công ty CP Xuất nhập khẩu nhiên liệu Đông Đô (TP.HCM) cho rằng, phương án Bộ Công thương đưa ra là cho thương nhân phân phối (khâu lấy xăng dầu từ đầu mối về bán lại cho các đại lý/doanh nghiệp bán lẻ) chỉ được lấy hàng từ 3 nguồn (đầu mối), không được lấy hàng từ thương nhân phân phối xăng dầu khác (đồng cấp trong hệ thống) là "đi ngược lại với chủ trương của Nhà nước".
Đại diện Công ty Đông Đô lý giải: "Hiện, các đơn vị thương nhân đầu mối trong nước còn yếu kém về năng lực tài chính và khả năng cung ứng nguồn hàng. Chỉ các doanh nghiệp đầu mối Nhà nước là có nguồn lực mạnh về tài chính, nhưng các doanh nghiệp này cũng chỉ đáp ứng đủ cho hệ thống phân phối của họ. Chẳng hạn, khi một thương nhân phân phối ký kết mua hàng với 3 đơn vị đầu mối, cả 3 đều không còn hàng. Vậy, thương nhân phân phối lấy hàng ở đâu để cung cấp cho hệ thống…".
Từ đó, Công ty Đông Đô cho rằng, việc ngăn thương nhân phân phối mua bán trao đổi nguồn hàng… làm giảm đi sự sôi động của thị trường, gây khó khăn cho việc kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó, thương nhân phân phối là khâu kết nối, hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu mối phân bổ nguồn hàng đến các vùng miền trên cả nước. "Thương nhân phân phối cạnh tranh, làm giá tốt hơn cho thị trường trong nước chứ không phải thương nhân đầu mối", kiến nghị của Công ty Đông Đô nêu.
Công ty TNHH Thương mại xăng dầu Hiệp Thịnh (giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu do Bộ Công thương cấp tháng 6.2022) cũng có ý kiến sửa đổi Nghị định 95 và 83, cần giữ nguyên quy định cũ. Cụ thể là cho phép thương nhân phân phối "được mua xăng dầu từ nhiều đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu khác theo hợp đồng mua bán" nhằm giảm thiểu việc đứt gãy cục bộ.
Công ty TNHH Petro-SG cũng kiến nghị giữ nguyên về quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối xăng dầu theo Nghị định 95. Vì được mua từ nhiều nguồn như hiện nay sẽ giúp thương nhân phân phối chủ động nguồn hàng tốt hơn, không bị đầu mối áp đặt chiết khấu, tạo cạnh tranh không bình đẳng. Ngoài ra, Petro-SG cũng cho rằng, thời gian điều hành giá xuống 7 ngày là quá ngắn cho doanh nghiệp. Khiến doanh nghiệp gặp bất lợi trong kinh doanh, khó đoán được biện độ dao động giá để cân đối lượng hàng nhập vào vì thời gian vận chuyển xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam cần khoảng 10 - 15 ngày, chưa kể thời gian vận chuyển từ kho bãi đến cửa hàng. Từ đó, doanh nghiệp này kiến nghị thời gian công bố điều hành giá là 15 ngày một lần.
Trên nhóm các thương nhân phân phối xăng dầu có 150 thành viên, một số thương nhân phân phối cho rằng, chiết khấu nên để thị trường tự quyết định vì các đầu mối nhập khẩu đã được giao tổng nguồn và thêm tồn kho 20 ngày. Như vậy, đầu mối đưa hàng về phải bán ra càng nhiều càng tốt và duy trì tỷ lệ tồn kho thấp nhất để còn nhập tiếp lần sau. Các đầu mối xăng dầu không bao giờ thỏa hiệp được với nhau khi thị trường dồi dào hàng hóa. Thế nên, kiến nghị về chiết khấu có thể hợp lý với doanh nghiệp bán lẻ hiện tại, nhưng không hợp lý trong một tổng thể chung.
Nghe nhanh 6h ngày 4.2: Chuyện 2 tỉ phú giữa sóng gió | Tình tiết hy hữu vụ cán bộ đánh bạc
Quy định cần giảm tính độc quyền, tăng nguồn cung...
"Điều mà chúng ta cần là một thị trường đa dạng và dồi dào về nguồn hàng để tăng tính cạnh tranh giữa các đầu mối nhập khẩu, từ đó mới giúp tăng chiết khấu và giải quyết xong nguồn hàng thì chiết khấu tự khắc tăng. Doanh nghiệp bán lẻ muốn có lãi trong mọi tình huống, điều này không bao giờ có và không phù hợp với nền kinh tế thị trường. Hiện tại, điều không mong muốn nhất là độc quyền nhóm của các đầu mối nhập khẩu, sự bắt tay của "ông lớn" để dìm chiết khấu. Thường họ cho chiết khấu nền cực thấp (khi nguồn hàng khan hiếm) khiến cả thương nhân phân phối, bán lẻ đều mệt mỏi vì bị buộc phải bán hàng khi lỗ. Chính việc buộc thương nhân phân phối chỉ mua hàng từ 3 đầu mối, không cho mua từ thương nhân phân phối khác là tăng tính độc quyền cho các nhà nhập khẩu (đầu mối). Từ đó có nguy cơ làm méo mó thị trường và gây thiệt hại trực tiếp cho thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ và người tiêu dùng", một thương nhân phân phối tại TP.HCM chia sẻ trên diễn đàn xăng dầu.
Như vậy, riêng ý kiến về chiết khấu, giữa thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ trái ngược nhau. Lo ngại chung của cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ và thương nhân phân phối đối với dự thảo nghị định sửa đổi là một số quy định khiến các "ông lớn" đầu mối xăng dầu có thể bắt tay "dìm" chiết khấu nếu quy định khiến tăng độc quyền doanh nghiệp đầu mối nắm thị phần chi phối; hạn chế tính cạnh tranh công bằng và tính minh bạch trong thị trường xăng dầu.
Xem nhanh 12h ngày 4.2: Quốc Cơ-Quốc Nghiệp lập kỷ lục | Hai vụ án hy hữu ở Thanh Hóa, Đà Nẵng
Bình luận (0)