Đến lượt tuyển thủ bóng đá Libya đào tẩu

25/06/2011 12:38 GMT+7

* Hạ viện Mỹ từ chối phê chuẩn chiến dịch quân sự ở Libya (TNO) Một nhóm 17 nhân vật hàng đầu trong giới bóng đá Libya đã thông báo việc đào tẩu sang phía quân nổi dậy trong hôm 24.6, theo BBC.

Nhóm người này bao gồm thủ môn đội tuyển quốc gia Juma Gtat cùng ba tuyển thủ khác và HLV Adel bin Issa của đội bóng hàng đầu ở Tripoli, al-Ahly.

Gtat và bin Issa thông báo việc họ đào tẩu tại một cuộc gặp gỡ với phóng viên BBC vào tối 24.6 ở dãy núi Nafusa thuộc phía tây Libya do quân nổi dậy chiếm giữ.

Diễn biến này đến sau một số các cuộc đào tẩu của các sĩ quan quân đội Libya.


Trẻ em ở thị trấn Misrata hô các khẩu hiệu chống ông Gaddafi - Ảnh: AFP

Tại cuộc gặp, thủ môn Gtat nói: “Tôi muốn nói với đại tá (Muammar) Gaddafi rằng hãy để chúng tôi yên và cho phép chúng tôi xây dựng một Libya tự do”.

Theo BBC, tại một nước hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt như Libya, việc các cầu thủ hàng đầu đào tẩu rõ ràng là một thất bại về mặt tuyên truyền của ông Gaddafi. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này vẫn luôn chống đối lại mọi áp lực, cả về chính trị lẫn quân sự, buộc ông phải rời chức.

HLV bin Issa nói với BBC ông đến với quân nổi dậy để “gửi một thông điệp rằng Libya nên thống nhất”.

“Tôi hi vọng mình sẽ thức dậy vào một buổi sáng và thấy ông Gaddafi không còn nữa”, bin Issa nói.

Trong một diễn biến khác, Hạ viện Mỹ hôm 24.6 đã từ chối thông qua nghị quyết cho phép quân đội Mỹ tiếp tục tham gia chiến dịch không kích Libya trong một năm song cũng phản đối việc cắt giảm ngân sách cho hoạt động của lực lượng Mỹ tại quốc gia Bắc Phi.

Theo tờ New York Times, có 70 hạ nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đã đứng về phía các đồng nghiệp thuộc đảng Cộng hòa để phản đối việc phê chuẩn nghị quyết cho phép Tổng thống Mỹ Obama tiếp tục tham gia chiến dịch ở Libya.

Vai trò của Mỹ trong chiến dịch do NATO dẫn đầu vốn vấp phải nhiều chỉ trích từ Quốc hội Mỹ trong vài tuần qua. Những người chống đối khẳng định chiến dịch kéo dài hơn ba tháng qua cần phải có sự phê chuẩn của Quốc hội.

Theo các chuyên gia, cuộc bỏ phiếu chống lại việc phê chuẩn chiến dịch ở Libya phần lớn chỉ là một hành động biểu tượng chính trị và không có hiệu lực trên thực tế.

Tổng thống Mỹ Barack Obama vốn tuyên bố ông không cần phải có sự phê chuẩn của Quốc hội để tham gia chiến dịch ở Libya vì Mỹ chỉ đóng vai trò hỗ trợ NATO.

Trong khi đó, một dự thảo nghị quyết thứ hai yêu cầu hạn chế ngân sách cho các hoạt động của Mỹ tại Libya đã không được thông qua bất chấp sự ủng hộ mạnh mẽ của Chủ tịch Hạ viện John A. Boehner.

Dự thảo nghị quyết này vốn ngăn cản việc cấp tiền cho các hoạt động quân sự khác ngoài các hành động hỗ trợ như tìm kiếm, cứu hộ, tiếp liệu, lên kế hoạch, thu thập tin tức tình báo, tuần tiễu và do thám.

Sơn Duân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.