Tiết kiệm điện thành thói quen: Những chuyện hay tôi kể

'Đèn mặt trời' trên cao nguyên đá

PHẠM MẠNH HÀO
(Hà Nội)
22/05/2024 20:40 GMT+7

Có lẽ Sùng Mí Phìn không hiểu khái niệm net zero là gì, nhưng việc anh và người dân thôn Lũng Hòa B (xã Sà Phìn, H.Đồng Văn, Hà Giang) sử dụng những chiếc đèn thắp sáng bằng năng lượng mặt trời, đang góp phần vào việc giảm lượng phát thải carbon về 0 mà VN đã cam kết với quốc tế phải đạt được vào năm 2050.

Homestay Chai To của Phìn nằm trên cung đường từ TP.Hà Giang đi Đồng Văn, được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước biết đến. Vì thế, ngoài việc khám phá cao nguyên đá Đồng Văn, tôi muốn tới Chai To để trải nghiệm cuộc sống của gia đình người H'Mông này.

Đèn sử dụng năng lượng mặt trời trên đường dẫn vào thôn Lũng Hòa B

Đèn sử dụng năng lượng mặt trời trên đường dẫn vào thôn Lũng Hòa B

TGCC

Chàng trai sinh năm 1994 cho biết, homestay mới được anh đưa vào sử dụng khoảng 2 năm nhưng không giống như nhiều homestay tại Hà Giang chỉ hướng vào dịch vụ, Sùng Mí Phìn muốn Chai To trở thành nơi mọi người có thể gặp gỡ, hiểu rõ hơn về văn hóa, sinh hoạt và con người H'Mông, đặc biệt là công dụng của những chiếc đèn thắp sáng bằng năng lượng mặt trời. Điều thú vị là trong dự án khởi nghiệp trước đây của mình, Phìn đặt mục tiêu xây dựng và phát triển du lịch dựa trên cái nghèo, sự khắc nghiệt của mảnh đất Hà Giang, tận dụng và biến khó khăn quê hương thành lợi thế.

Và rồi tại thôn Lũng Hòa B, tôi được trải nghiệm cuộc sống thật sự của người H'Mông. Tôi được Phìn dẫn đi chợ Sà Phìn, xem cách gia đình anh chuẩn bị bữa tối, được thấm những câu dân ca H'Mông mà mẹ anh hát bên bàn ăn, được nghe tiếng sáo Mèo quen thuộc mà anh thổi. Thậm chí, tôi còn trải qua cảm giác thiếu thốn về nước sinh hoạt trên cao nguyên đá, khi phải đi một quãng đường xa để gùi về từng can nước dùng trong ngày.

Mừng là các bản nơi địa đầu Tổ quốc đã được bao phủ điện lưới. Điện về bản xua tan nghèo đói, giúp cuộc sống của người dân dần đổi thay. Phải nhìn nhận rằng, so với nhiều thôn, bản ở Hà Giang, đời sống người dân thôn Lũng Hòa B và gia đình Phìn rất khấm khá. Ngoài homestay có hai phòng riêng và một phòng tập thể với 6 giường, Phìn xây dựng cơ ngơi đang ở rất khang trang.

Homestay Chai To tiết kiệm điện của chàng trai H’Mông Sùng Mí Phìn

Homestay Chai To tiết kiệm điện của chàng trai H’Mông Sùng Mí Phìn

TGCC

Tuy vậy, điều đáng nói ở đây là cách sử dụng điện tiết kiệm của gia đình Phìn và người dân thôn Lũng Hòa B. Trên con đường dẫn từ quốc lộ 4C vào thôn, tôi đã thấy những cột đèn năng lượng ở hai bên và trong mỗi hộ người dân cũng đều sử dụng đèn năng lượng mặt trời. Nhờ đó, khi màn đêm xuống, những con đường dốc, quanh co trong thôn xa luôn được chiếu sáng, rất thuận lợi cho việc đi lại. Ở Chai To, khách du lịch còn thoải mái ăn tối ở giữa sân, giao lưu với gia đình của Phìn dưới ánh đèn tiết kiệm năng lượng.

Theo chàng trai người H'Mông, so với sử dụng đèn điện thông thường, đèn năng lượng có chi phí đầu tư cao hơn nhưng anh chỉ đầu tư một lần, mỗi tối thắp sáng khoảng 3 giờ và tuổi thọ đèn khoảng 10 năm. Quan trọng nhất là sử dụng đèn năng lượng giúp gia đình tiết kiệm điện rất nhiều.

Thấy được lợi ích từ năng lượng tái tạo, Phìn dự kiến lắp đặt những tấm pin năng lượng cho hệ thống nước nóng phục vụ ở homestay, tránh tình trạng khách du lịch phải sử dụng nước rất lạnh và buốt giá vào mỗi sáng sớm.

Dù Phìn và người dân thôn Lũng Hòa B không hiểu khái niệm giảm phát thải carbon là gì, nhưng tôi nghĩ mọi người đang góp một phần nhỏ vào nỗ lực của VN trong cuộc đua net zero vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 năm 2021.

Trong khi VN đang nỗ lực chuyển đổi sang mô hình phát triển xanh và bền vững thì chính ý thức sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo ở mỗi cá nhân như Phìn và người dân thôn Lũng Hòa B cần được nhân rộng để cộng đồng đều thấy rõ việc giảm phát thải carbon "không chỉ của riêng ai", mà đều chung tay vào làm nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, nhận bài dự thi đến hết ngày 10.7.2024. Quý độc giả có thể gửi bài dự thi qua mail về địa chỉ tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc qua đường bưu điện tới Tòa soạn Báo Thanh Niên 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thể lệ được đăng tải chi tiết trên thanhnien.vn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.