Nước thì không thể không giữ, nhưng đó là gánh nặng quá sức chịu đựng của một dân tộc.
Cả ba cuộc chiến tranh giữ nước đều kết thúc thắng lợi, nhưng cũng là ba cuộc đại tang: 1.146.250 liệt sĩ đã ngã xuống. Con số đó mới chỉ tính các chiến sĩ chiến đấu và phục vụ chiến đấu có tổ chức, những người hy sinh có thể thống kê được. Trong chiến tranh nhân dân giữ nước, “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, ai không có súng có gươm thì dùng cuốc thuổng gậy gộc” (lời Hồ Chủ tịch), những người dân dùng “cuốc thuổng gậy gộc” để giữ nước và hy sinh thì không cách gì tính nổi. Bên cạnh nỗi đau thương của ba cuộc đại tang vĩnh biệt hàng triệu người ngã xuống, hàng triệu người khác vì giữ nước mà mất một phần cơ thể, đến nay hơn 80 vạn người còn sống trong thương tật, đó là các thương binh và những người được hưởng chính sách như thương binh, theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH.
Đất nước đã mấy chục năm sống trong hòa bình, nhưng đau thương vẫn còn dai dẳng. Vẫn còn hơn nửa triệu liệt sĩ chưa biết thông tin, trong đó hơn 30 vạn hài cốt liệt sĩ nằm vô danh ở các nghĩa trang và hơn 20 vạn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Nhiều bà mẹ vẫn chờ con, nhiều người vợ vẫn chờ chồng, dù chỉ để nhìn thấy một nắm xương thôi cũng vô vọng…
Nhiều người biết tướng Nguyễn Chơn là nhà chỉ huy quân sự “bách chiến bách thắng”. Tôi được nghe nhà văn Thái Bá Lợi kể một câu chuyện về ông. Vào khoảng năm 1971 - 1972, ông là một sư đoàn trưởng. Sau một trận đánh, ông đọc bản báo cáo kết quả chiến trường do người sĩ quan trợ lý gửi lên. Sau khi nêu kết quả thiệt hại về phía địch, bản báo cáo viết “thiệt hại về người của ta không đáng kể”. Ông hỏi người trợ lý: “Thiệt hại bao nhiêu mà anh nói không đáng kể”. Người trợ lý trả lời: “Ta chỉ hy sinh 1 chiến sĩ, bị thương 10 người”. Ông Chơn quát: “Chết 1 người mà anh bảo là không đáng kể à?”. Và ngay lập tức, người trợ lý bị kỷ luật giáng cấp.
Một con người là một số phận, là một cuộc đời, là nhiều cuộc đời đằng sau con người đó. Một người hy sinh là tang tóc cho cả một gia đình. Ngày Thương binh - Liệt sĩ không phải là ngày tưởng nhớ những con số thống kê, mà nhắc những người đang sống chúng ta đền ơn trả nghĩa, đền ơn trả nghĩa cho từng người một trong hàng triệu những người đã ngã xuống, đã cống hiến một phần xương máu để giữ nước.
Truyền thống của dân tộc ta là “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Không ai đi đánh giặc để mong được “đền ơn trả nghĩa”. Ra khỏi các cuộc chiến tranh giữ nước, những người may mắn còn sống mà đại diện là nhà nước có nghĩa vụ bù đắp một phần đau thương mất mát cho thương binh và các gia đình liệt sĩ. Đền ơn đáp nghĩa, trân trọng máu xương, tôn vinh các anh hùng liệt sĩ không phải bằng việc xây dựng các tượng đài hoành tráng tốn công tốn của, mà bằng sự chăm lo cụ thể cho từng người, từng gia đình, trong khả năng của nền tài chính quốc gia. Các chính sách và việc thực thi chính sách đối với thương binh và gia đình liệt sĩ phải thể hiện Đảng, Nhà nước và những người đang sống đang chịu ơn những người đã hy sinh chứ không phải gia đình họ phải nhờ “ơn Đảng, ơn Chính phủ”.
Đền ơn đáp nghĩa không phải là bắt con trẻ phải học thuộc lòng những công thức về lịch sử mà là kể cho con trẻ nghe những câu chuyện cảm động về những người đã hy sinh bằng sự truyền cảm của tấm lòng. Để cho đất nước sớm trở nên cường thịnh, cần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” đối với kẻ thù cũ, nhưng không có quyền “xét lại” tội ác. Những người đang sống có thể không có khả năng đòi kẻ xâm lược phải bồi thường chiến tranh, nhưng nhất định phải có nghĩa vụ đi đến cùng trong việc đòi lại công bằng cho những nạn nhân của chiến tranh xâm lược đang phải sống què quặt không thể tự mình sinh tồn, như nạn nhân chất độc da cam.
Và nghĩa vụ lớn nhất của những người đang sống là làm cho đất nước sớm trở thành cường thịnh, nước cường thịnh thì mới giữ được nước, để quá khứ chiến tranh không lặp lại, nếu bất khả kháng chiến tranh có lặp lại thì phải ít tốn xương máu nhất.
Bình luận (0)