Được xây vào thời Lý Thái Tổ (1010 - 1028), đền Quán Thánh là một trong 4 đền thờ trấn giữ 4 cửa ngõ thành Thăng Long thời đó. Đền Quán Thánh trấn phía bắc (đền Bạch Mã trấn phía đông, đền Voi Phục trấn phía tây và đền Kim Liên trấn phía nam).
Công trình đã qua rất nhiều lần tu sửa và kiểu kiến trúc như hiện nay phần lớn là từ thời Nguyễn thế kỷ 19, gồm: tam quan, sân bái, tiền đế, trung đế và hậu cung. Trên cổng giữa của tam quan có đắp nổi tượng thần Rahu trong thần thoại Ấn Độ đã nuốt mặt trăng, mặt trời gây nên hiện tượng nguyệt thực, nhật thực. Đây là sự hội nhập tín ngưỡng của người VN. Ngoài ra, các chi tiết kiến trúc bằng gỗ tại đền được chạm khắc rất tinh xảo, mang phong cách nghệ thuật thời Lê.
Đền Quán Thánh thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, là vị thần nhiều lần giúp dân nước Việt chống ngoại xâm, giúp An Dương Vương trừ ma khi xây thành Cổ Loa… Năm 1677 đời vua Lê Hy Tông, tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ bằng gỗ được thay bằng bức tượng cao gần 4 m, nặng 4 tấn bằng đồng. Đây là công trình điêu khắc độc đáo, kỹ thuật cao về đúc đồng và tạc tượng.
Vào thế kỷ 19, vua Minh Mạng đổi tên thành Chân Vũ quán (tên này được tạc bằng chữ Hán trên nóc cổng tam quan. Bức hoành trong bái đường vẫn để tên cũ là Trấn Vũ Quán).
Công trình được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt năm 2022. Hằng năm, lễ hội đền Quán Thánh diễn ra vào ngày 3 tháng 3 âm lịch.
(*): nguyên gốc là: "Phất phơ ngọn trúc trăng tà/Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương" của Dương Khuê (1839 - 1902)
Bình luận (0)