Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, chính quyền nhiều địa phương ở TP.HCM vẫn tích cực tổ chức lực lượng đến tận nhà dân thuộc diện được hỗ trợ do khó khăn vì dịch bệnh để trao tiền, với tinh thần không để ai bị thiếu đói.
TP.HCM triển khai song song 2 gói hỗ trợ: Gói hỗ trợ Nghị quyết (NQ) 68/2021 của Chính phủ và NQ 09/2021 của HĐND TP.HCM. Riêng gói hỗ trợ theo NQ09 dành cho hơn 220.000 lao động tự do (LĐTD) cơ bản đã triển khai xong đợt 1.
“Đi từng ngõ, gõ từng nhà”
Trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, chính quyền cấp phường, xã, thị trấn thực hiện hỗ trợ cho LĐTD (mức 1,5 triệu đồng/người) theo 2 phương thức: chi trả qua tài khoản ngân hàng nếu LĐTD có số tài khoản, hoặc chi trực tiếp.
|
Chiều 17.7, PV Thanh Niên đã trực tiếp theo 2 cán bộ P.19 (Q.Bình Thạnh) “đi từng ngõ, gõ từng nhà” chi trả hỗ trợ Covid-19. Ông Bùi Văn Cường (57 tuổi) chuyên chở bằng xe máy các hàng hóa như gạo, thực phẩm... cho các tiểu thương ở chợ Thị Nghè, nhưng thất nghiệp khoảng 2 tháng nay khi dịch bùng phát. Ông nói: “Tôi sống cùng gia đình em trai. Trước dịch, tôi làm nghề này cũng được 3 - 3,5 triệu/tháng nhưng giờ chỉ ở nhà, mất việc không đi đâu được. Lần này nhận hỗ trợ, tôi không phải làm thủ tục gì cả. Khoảng vài ngày trước, tổ trưởng khu phố đến phát phiếu cho tôi điền thông tin, đến hôm nay lãnh tiền”.
Còn bà Nguyễn Thị Thúy Hồng (57 tuổi) sống cùng gia đình em gái trong một con hẻm nhỏ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (P.19, Q.Bình Thạnh). Vài tháng trước, trong lúc đi bán vé số, bà bị té gãy chân, nhưng vì khó khăn nên chỉ sau thời gian ngắn điều trị, bà đi bán vé số tiếp, dẫn đến chân bị nhiễm trùng. Còn em gái bà là thợ may gia công tại nhà, từ đầu năm nay cũng không có nhiều nguồn hàng, đời sống bấp bênh. Nhận được hỗ trợ 1,5 triệu đồng, gia đình bà Hồng rất hồ hởi vì đó là nguồn động viên giúp cả nhà chống chọi qua đại dịch.
Anh Phan Hoài Nam, một trong 2 cán bộ P.19 đi từng nhà chi trả hỗ trợ đến chiều tối 17.7 mới xong, cho hay: “Nhóm người LĐTD được hỗ trợ tại P.19 chủ yếu là những người bán hàng rong, buôn gánh bán bưng, bốc vác, vận chuyển hàng hóa… Chúng tôi sẽ lập danh sách nhóm người có địa chỉ gần nhau, sau đó đến từng nhà yêu cầu người nhận tiền phải đúng là người được hỗ trợ, đối chiếu bằng thẻ CCCD/CMND rồi ký tên xác nhận.
Có nhiều người thấy chúng tôi đến từng nhà đọc tên cũng ghé hỏi mình có được hỗ trợ không. Tuy nhiên, danh sách tổ và khu phố đưa lên còn phải thông qua hội đồng xét duyệt nữa”. Còn theo ông Đoàn Tuấn Kiệt, Phó chủ tịch P.19 (Q.Bình Thạnh), tính đến chiều 18.7, địa phương đã duyệt chi cho 488 LĐTD; đồng thời đã chi tiền hỗ trợ hơn 90% danh sách, số còn lại chưa thực hiện chi trả được do đã về quê, ở trong khu phong tỏa, cách ly...
Về việc thực hiện gói hỗ trợ trên toàn TP.HCM, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho hay tính đến hiện nay, gói hỗ trợ Covid-19 cơ bản đã thực hiện xong đợt 1, thực hiện hỗ trợ cho khoảng 220.000 LĐTD với tổng số tiền khoảng 330 tỉ đồng, đạt tỷ lệ trên 95%. “Còn khoảng 10.000 người TP.HCM chưa chi trả được do đang về quê tránh dịch; ở trong khu phong tỏa hay đã bị cách ly tập trung. Vì vậy, các địa phương sẽ chuẩn bị sẵn số tiền và tìm mọi cách để chi trả cho người dân”, ông Tấn thông tin.
Trước đó, tại cuộc họp sơ kết 7 ngày thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 ngày 15.7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các địa phương khẩn trương hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn được quy định trong NQ68 và NQ09, phấn đấu đến ngày 23.7 mỗi địa phương giải ngân đạt trên 95% kế hoạch đề ra.
Làm ngày làm đêm để tiền nhanh tới dân
Việc hỗ trợ cho LĐTD theo NQ09 được thực hiện rốt ráo từ ngày 6.7 đến nay. Tuy nhiên, chính quyền cơ sở cũng đã gặp không ít khó khăn trong việc triển khai, nhất là tại Q.Gò Vấp (có hơn 11.600 LĐTD) và Q.Bình Thạnh (hơn 21.600 người LĐTD).
Ông Đoàn Tuấn Kiệt cho biết chính sách hỗ trợ Covid-19 cho LĐTD được đưa ra rất kịp thời. Các quy định, trình tự thủ tục được cụ thể và đơn giản hóa để người dân nhận hỗ trợ nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, do việc thực hiện còn gấp rút nên khi triển khai xuống các khu phố còn nhiều người chưa hiểu hết nội dung, như đối tượng cụ thể được thụ hưởng, yêu cầu cư trú hợp pháp (thường trú, hoặc có đăng ký tạm trú theo quy định) tại địa phương... Có những người làm những ngành nghề không thuộc đối tượng được giải quyết theo NQ09 nhưng vẫn nộp hồ sơ, khi không được hội đồng xét duyệt thông qua thì bức xúc.
Về thủ tục, hồ sơ, ông Kiệt cho biết do tình hình hạn chế đi lại nên có thể làm chậm nhịp việc xét duyệt, chi trả. “Chẳng hạn, do phải xác minh nơi cư trú hợp pháp nên người dân phải cung cấp bản photo, trong khi những cửa hàng photo đã đóng cửa, lúc này P.19 phải linh động bằng cách triển khai nhờ lại người dân nộp CMND/CCCD bản gốc để xét duyệt. Đối với nhóm LĐTD ở các cơ sở kinh doanh, chủ cửa hàng phải nộp hồ sơ, danh sách nhưng có nhiều người đã về quê tránh dịch nên việc liên hệ của phường còn gặp nhiều khó khăn”, ông Kiệt nói và cho biết thêm: “Chưa kể, một số trường hợp người dân kê khai không đúng thực tế ngành nghề mà họ đang làm để được nhận hỗ trợ. Chúng tôi nếu thấy bất hợp lý sẽ xác minh. Đến nay, lực lượng của phường vừa phải đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo công tác an sinh xã hội. Các cán bộ của phường phải làm ngày, làm đêm, thậm chí phải đi phát tiền ban đêm cho dân”, ông Kiệt nói.
Còn nhiều lao động tự do cần hỗ trợ
Chia sẻ về việc thực hiện triển khai gói hỗ trợ tại địa phương, ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch UBND P.14 (Q.Gò Vấp), cho hay 12 trưởng khu phố tại P.14 đã nhanh chóng thực hiện rà soát, thống kê, lập danh sách khi được triển khai văn bản và cách thực hiện. UBND P.14 xét duyệt danh sách và thực hiện chi trả trực tiếp cho người dân trước cổng UBND P.14 theo hình thức chia giờ và chia theo từng khu phố. Đến nay, P.14 đã tổ chức rà soát, theo cuốn chiếu, đã chi trả cho 150/159 LĐTD.
Ông Dũng cũng cho biết: “P.14 đã thiết lập đường dây nóng để giải đáp thắc mắc của người dân liên quan đến gói hỗ trợ này. Tình hình chung, người dân vẫn mong muốn nhà nước chăm lo cho tất cả các trường hợp nghỉ việc. Đến nay còn nhiều ngành nghề LĐTD ngoài NQ09 rất cần được hỗ trợ”.
Phó chủ tịch UBND P.3 (Q.Gò Vấp) Võ Thị Xuân Danh cũng cho hay tính đến ngày 17.7, phường đã thực hiện hỗ trợ khoảng 83,1% số lượng LĐTD được xét duyệt. “LĐTD làm những nghề rất đa dạng. Ngoài những đối tượng hỗ trợ của NQ09 còn nhiều trường hợp không được hỗ trợ như sửa quần áo, hớt tóc, làm nail, thợ hồ… Trong đó, phản ánh không thuộc diện hỗ trợ đến địa phương nhiều nhất là lao động giúp việc nhà”, bà Danh nói và cho hay có những người điện thoại cho UBND P.3 nhưng khi biết không nhận được hỗ trợ đã rất buồn, và bày tỏ rằng dịch bệnh khó khăn nên mong chính quyền quan tâm. Trong khi đó, nếu hỗ trợ nhóm LĐTD cũng đặc biệt khó khăn nhưng không thuộc diện thụ hưởng theo NQ09, thì ngoài nguồn vận động các nhà hảo tâm còn có quỹ “Vì người nghèo” của phường, nhưng với mức 1,5 triệu đồng/người thì nguồn quỹ này không đáp ứng đủ.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, cho biết Q.Gò Vấp đã thẩm định xong 9.300/hơn 11.600 LĐTD với số tiền gần 14 tỉ đồng. Ông Dũng cũng nhận định tiến độ thực hiện chi hỗ trợ cho LĐTD có phần còn chậm do đang thực hiện giãn cách xã hội, nhiều khu phố, tổ dân phố chưa nhiệt tình, chưa khẩn trương rà soát, lập danh sách; nhiều đối tượng LĐTD chưa đủ điều kiện… “Địa phương sẽ không để trường hợp người dân nào thiếu thốn, đói, không có tiền thì sẽ chăm lo bằng hiện vật”, ông Dũng nói.
Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tiếp nhận hơn 1.008 tỉ đồngTrao đổi với PV ngày 18.7, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cho biết từ ngày 20.3 - 17.7, Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 TP đã tiếp nhận số tiền hơn 1.008 tỉ đồng; trong đó thu tiền mặt hơn 778 tỉ đồng, hàng hóa và trang thiết bị hơn 229 tỉ đồng. Đơn vị đã kịp thời phân bổ đến các quận, huyện, TP.Thủ Đức để chăm lo cho người dân tại các khu cách ly, phong tỏa; các cơ sở y tế, chốt kiểm dịch để thực hiện công tác phòng chống dịch.
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã ban hành kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; chăm lo và giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP. Kế hoạch này giúp tạo ra một “lưới an sinh xã hội” không để ai bị bỏ lại phía sau để làm sao đón cho hết những người khó khăn mà chính sách của Chính phủ, TP chưa thể đến kịp.
|
Liên quan vấn đề này, ông Lê Minh Tấn cho biết sau ngày 25.7, Sở LĐ-TB-XH sẽ đề xuất đối tượng LĐTD ngoài các nhóm đối tượng đã được hỗ trợ theo NQ09; đồng thời bổ sung đề xuất xem xét hỗ trợ nhóm này bằng nguồn quỹ phòng chống Covid-19 của Ủy ban MTTQ VN TP.HCM. “Số nhóm này cũng còn nhiều, chưa được nhận hỗ trợ. Chủ trương của TP.HCM là không để một ai khốn khổ do đại dịch tác động”, ông Tấn nói.
Bình luận (0)