Đền thờ Bác được xây dựng bên bờ sông Bà Chăng, trong khuôn viên rộng hơn 6.000m², cách trung tâm tỉnh Bạc Liêu về phía Tây Bắc 15km theo đường chim bay, 18km đường bộ đi theo Quốc lộ 1A về hướng Bắc. Phía sau đền có nhà trưng bày với khoảng trên 300 tài liệu, hiện vật và hình ảnh tập trung hai chủ đề chính: cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều nội dung phong phú và quân dân xã Châu Thới chiến đấu bảo vệ Đền thờ Bác. Ở phía trước đền thờ, nhìn từ nhà trưng bày, có hai bức phù điêu bề ngang 3m, dài 11m. Giữa trung tâm nhà trưng bày có tháp sen cao 4m. Tổng quy hoạch khu Đền thờ Bác và nhà trưng bày là 2ha. Ngoài khu vực chính của di tích còn có hoa viên và hội trường để chiếu phim tài liệu giới thiệu với du khách khái quát về lịch sử của quân và dân Châu Thới chiến đấu, xây dựng và bảo vệ đền.
Cách đây 36 năm, khi nghe tin Bác Hồ đi xa, nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Châu Thới nói riêng, không ai cầm được nước mắt. Với tình cảm sâu lắng ấy, sau lễ tang Bác được ít ngày, Huyện ủy Vĩnh Lợi có chủ trương và phát động trong toàn huyện dựng đền thờ để tưởng nhớ công ơn trời biển của Người với nhân dân ta. Đền thờ được khánh thành ngày 19/5/1972. Từ đây, tồn tại trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Châu Thới đã anh dũng chống lại giặc để bảo vệ đền thờ: Có 4 chiến sĩ bộ đội đã dũng cảm dùng súng M16 bắn 4 chiếc máy bay địch, kéo chúng ra ngoài đồng để đánh lạc hướng chúng không bắn phá nơi thiêng liêng nhất của đồng bào Châu Thới. Thiếu tá Mã Thành Nghĩa, chỉ huy trưởng Tiểu khu 411 ngụy, dẫn lính phát quang và bắt hàng trăm nhân dân địa phương vào phá đền. Nhưng toàn thể người dân đều nhất loạt hô to: “Các ông có bắn chết hết, chúng tôi cũng không dám dẫn các ông vào khu vực đền thờ, vì xung quanh có bãi mìn dày đặc, đến đó chỉ có đường chết mà thôi”. Trước câu trả lời đanh thép ấy, Thiếu tá Mã Thành Nghĩa và bọn lính run sợ rút lui. Nhiều lần địch xua quân hoặc máy bay trực thăng đổ quân xuống càn quét căn cứ và Đền thờ Bác Hồ nhưng chúng luôn nếm mùi thất bại trước tinh thần bám trụ, đấu tranh chính trị của nhân dân; tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân dân xã Châu Thới và đội bảo vệ đền thờ đã loại khỏi vòng chiến hàng ngàn tên địch, diệt và bắn bị thương hàng trăm tên; phá ấp chiến lược Tân Tạo (Châu Hưng); tập kích không cho địch đóng quân ở ấp Giồng Bướm A và B; thu nhiều vũ khí, đạn dược và chiến lợi phẩm khác...
Ngày nay, hằng năm, Đền thờ Bác Hồ ở Châu Thới luôn tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân ngày sinh của Bác (19/5), ngày Bác đi xa (02/9), nhiều đoàn viên thanh niên từ huyện đến tỉnh thường xuyên tổ chức về thăm đền thờ, tổ chức sinh hoạt Đoàn, Đội và các loại hình sinh hoạt văn hóa khác, phát động phong trào thi đua lập thành tích dâng quà lên Bác kính yêu, tổ chức lễ báo công nhớ ơn Người...
Đền thờ Bác Hồ ở Châu Thới, cũng như nhiều nơi khác trên đất nước ta, vừa là di sản văn hóa của địa phương, vừa là di tích lịch sử văn hóa mãi mãi trường tồn cùng non nước Việt Nam.
(Theo Báo Cần Thơ)
Bình luận (0)