Tôi chọn Lâm Thượng là địa điểm thư giãn sau khi nghỉ việc một cách rất tình cờ, vậy mà khung cảnh thiên nhiên vừa bình dị vừa hùng vĩ cùng với tình yêu thương của người dân nơi này đã cho tôi 40 ngày nghỉ ngơi thật ấm áp.
Leo núi hòa mình cùng thiên nhiên |
NÂU |
Khám phá thiên nhiên hùng vĩ
Xuất phát từ sân bay Nội Bài (Hà Nội), sau 5 tiếng đồng hồ trên xe khách, tôi đến thị trấn Lục Yên, tiếp tục đi taxi (hoặc xe ôm) tầm 20km là đến xã Lâm Thượng. Lúc tôi đến đã là 9 giờ tối, gia đình chủ homestay vẫn nồng nhiệt đón tiếp với cơm ngon, nước ấm và nụ cười niềm nở.
Những hàng cọ trải khắp thung lũng Lâm Thượng |
Thung lũng Lâm Thượng được thiên nhiên ban tặng nhiều suối, thác, núi đồi. Băng qua ruộng đồng và bát ngát những hàng cọ, đi vào tận sâu bản làng là thác Nặm Chắn với làn nước trong xanh, mát lạnh. Mùa hè, bà con lẫn du khách đều thích tắm thác hoặc tắm ở mỏ nước thư giãn.
Sông nước, cỏ cây xanh ngắt ở Lâm Thượng |
Đến Lâm Thượng, tôi được người bản địa dẫn lên đồi Pù Lung Trạng, hay còn gọi là đồi 700 - ngọn đồi có 7 đỉnh, cao 700m. Hành trình chinh phục gần 4 tiếng đưa tôi hòa mình với thiên nhiên, đi qua một cửa hang Nà Kèn với những vách đá hun hút, lăn lê trên đồng cỏ và hít thở không khí trong lành.
Các hang động ở Lâm Thượng như Thẳm Dường, Nà Kèn, Tát Én đều còn nguyên sơ với cung đường trekking đầy thử thách nhưng “quả ngọt” là khung cảnh đẹp và bên trong hang, thạch nhũ lấp lánh.
Đến thung lũng này, tôi luôn được sống thật gần với núi rừng |
Thung lũng Lâm Thượng xanh ngắt
Lục Yên là điểm nằm giữa tuyến đường du lịch Hà Giang – Lào Cai. Lâm Thượng là thung lũng xanh ngắt của Lục Yên, được bao quanh bởi núi đồi. Sáng sớm, mây sà xuống bản, đứng ở bất cứ đâu ở Lâm Thượng, tôi cũng có thể say sưa ngắm cỏ cây, hoa lá.
Khung cảnh yên bình mỗi buổi chiều |
Mỗi ngày, tôi đều đạp xe hoặc đi bộ vài vòng ngắm nghía bản làng. Buổi chiều thường thú vị hơn một tí vì hoàng hôn buông rất đẹp, người dân thường đốt rơm rạ, khói bay lãng đãng, trẻ con nô đùa, tiếng cười vang khắp nơi.
Sự nồng nhiệt của người dân bản làng
Lâm Thượng chủ yếu là người Tày sinh sống với đặc trưng là những ngôi nhà sàn mái cọ. Nhiều ngôi nhà tuổi đời lên đến 50 - 60 tuổi, mái cọ được sử dụng 15 - 20 năm.
Những bữa cơm chất lượng ở Lâm Thượng |
Lâm Thượng chưa đón quá nhiều du khách nên người dân có thể dành trọn sự hào hứng, rộng rãi cho từng người lạ ghé thăm. Từ người già đến trẻ nhỏ, ai cũng thăm hỏi, cười chào vui vẻ và rủ rê đi chơi. Các cô chú rủ lên đồi lùa trâu, rủ đi suối soi cua bắt cá, các em nhỏ đưa đi chơi khắp bản.
Những bữa cơm chất lượng
Suốt 40 ngày ở Lâm Thượng, tôi luôn được bà con thết đãi những món ngon nhà làm ngon tuyệt, nào là gà thả vườn, vịt bầu, cá bắt từ suối, heo cắp nách… và cả những món quà từ rừng như măng nứa, rau dớn, rêu suối…
Trải nghiệm sống như người Tày |
Người dân Lâm Thượng tự sản tự tiêu, phần lớn làm nông, trồng lúa, hoa màu, nuôi cá, gà vịt, lợn bò... Họ có thể không giàu, nhưng bữa ăn của họ luôn đủ đầy với những nguyên liệu tươi ngon nhất.
Cách phát triển du lịch bền vững
Lâm Thượng sở hữu nhiều tài nguyên là thế, song đến nay, ở đây chỉ mới có 2 cơ sở lưu trú là Xôi Homestay và Jack Ecolodge. Điểm đặc biệt là cả hai đều do chính người trẻ ở Lâm Thượng tạo dựng và phát triển, có lẽ vì thế mà họ vừa sáng tạo trong cách làm du lịch, vừa giữ gìn được nét nguyên sơ nhất của một bản làng người Tày. Cả hai cơ sở lưu trú đều chú trọng sử dụng các chất liệu gần gũi với thiên nhiên. Họ đón tiếp du khách nồng nhiệt bằng những sản phẩm chất lượng (tour leo núi, khám phá hang động, tắm thác, ẩm thực, giới thiệu văn hóa bản địa), đồng thời khắt khe trong việc cùng nhau bảo vệ môi trường.
Jack Ecolodge – một trong hai cơ sở lưu trú ở Lâm Thượng |
Chuỗi ngày sống ở Lâm Thượng, tôi được trải nghiệm cuộc sống bản làng yên bình, hòa mình cùng thiên nhiên vô cùng ý nghĩa. Mỗi người dân tôi gặp gỡ đều góp cho tôi những bài học dù lớn dù nhỏ để hành trình trưởng thành của tôi được trọn vẹn hơn.
Bình luận (0)