Tiên Yên trong ngày đầu năm mới 2022 |
BẢO VY |
Tiên Yên đón chúng tôi trong một buổi sáng chuẩn vị mùa xuân Bắc Bộ, với cái lạnh se sắt, mưa xuân lắc rắc. Trong sắc hoa đào phớt hồng, các bức tường vàng cổ kính của những ngôi nhà cũ, nổi bật màu đỏ của lá quốc kỳ được treo dọc con phố. Tiên Yên tĩnh lặng và xinh đẹp.
Lặng ở Tiên Yên
Thị trấn từng là thủ phủ của tỉnh Hải Ninh, sau đó khi được hợp nhất với khu Hồng Quảng để trở thành tỉnh Quảng Ninh ngày hôm nay. Nơi đây có một nét rất riêng biệt với những ngôi nhà nhỏ dọc các con phố Hòa Bình, Lý Thường Kiệt và Thống Nhất.
Nhiều ngôi nhà được xây dựng từ thập niên 1980 và trong những năm đầu thế kỷ 20 đến nay vẫn được giữ nguyên theo kiến trúc của Pháp. Đây cũng là nét quyến rũ, giữ chân nhiều du khách tới thăm, để mọi người cùng lưu lại những khoảnh khắc kỷ niệm với người thân.
Những ngôi nhà cũ còn lại ở Tiên Yên |
BẢO VY |
Một sớm ở Tiên Yên |
BẢO VY |
Nhiều du khách trẻ rảo bước trên những con phố đi bộ, lắng nghe nhịp sống chậm rãi hoặc chụp ảnh bên những bức tường rêu phong trong lòng thị trấn. Họ có thể ngồi nhâm nhi ly cà phê nóng hổi và lắng nghe những người dân Tiên Yên tự hào kể về mảnh đất truyền thống của mình. Ngày nay, nhiều hàng quán lộng lẫy mở cửa, nằm bên cạnh những quán xá mộc mạc, nhưng hồn cốt của thị trấn này vẫn còn đó.
Ngồi trong quán cà phê nhìn ra phố đi bộ, nơi được trang trí những cành đào tết và biểu tượng chú gà trống cất tiếng gáy, bên cạnh dòng chữ đỏ rực “I Love Tiên Yên”, ông Nguyễn Đức Yên, 65 tuổi, du khách đến từ TP.Hạ Long, trầm ngâm nói: “Thị trấn bây giờ hiện đại hơn rất nhiều". Ông Yên kể, trong những năm 1995 và 1996, ông làm cửa nhôm kính ở Tiên Yên và lúc bấy giờ thị trấn vẫn còn nguyên những dãy phố với các ngôi nhà nhỏ rất đẹp theo kiến trúc của Pháp.
Những dãy phố Tiên Yên ngày trước trong hình ảnh tư liệu |
Phố Tiên Yên bây giờ có nhiều đổi thay |
BẢO VY |
Nhà thương của Pháp, một di tích được bảo tồn ở Tiên Yên |
BẢO VY |
Những bức tường rêu phong trong lòng thị trấn hiện đại |
BẢO VY |
Ngay trong tiệm cà phê nơi ông Yên ngồi, chủ quán còn treo những tấm ảnh của Tiên Yên trong quá khứ, với bến sông nhộn nhịp năm 1950, những mái ngói rêu phong, bức tường vàng gợi bao thương nhớ. Bến sông ấy bây giờ vẫn còn đây, trong sương mờ bàng bạc vẫn thấy bên kia sông là những biệt thự, vườn cây.
Nhưng dù có hiện đại tới đâu, Tiên Yên tới nay vẫn giữ được bản sắc văn hóa đậm nét của nhiều cộng đồng dân tộc anh em cùng sinh sống với những lễ hội đặc sắc. Đồng thời, điều thể hiện rõ ràng và lôi cuốn nhất, với nhiều du khách, chẳng phải là ẩm thực hay sao?
Bến sông Tiên Yên được chụp ngày 24.4.1950 trong ảnh tư liệu |
Và bến sông Tiên Yên ngày đầu năm mới 2022 |
BẢO VY |
Tới Tiên Yên, người ta chẳng thể nào không ghé một ngôi nhà cũ treo biển “bánh gật gù, khâu nhục” để thưởng thức ngay hoặc mua về làm quà. Bánh gật gù được tráng mỏng từ bột gạo, cuốn lại, khi ăn chấm với nước mỡ gà cùng hành phi thơm lừng.
Trong khi đó, khâu nhục (món thịt kho có nguồn gốc từ Quảng Đông, Trung Quốc) là miếng thịt ba chỉ (ba rọi) lớn được khứa ra, chiên lên, tẩm ướp thêm cùng nhiều loại rau củ, gia vị đặc biệt rồi hấp cách thủy đến khi từng miếng thịt mềm mà không nát, đưa vào trong miệng như tan ra, thấm đượm gia vị đậm đà.
Thịt khâu nhục Tiên Yên (trái) và bánh gật gù |
BẢO VY |
Ngon say đắm ở Bình Liêu
Từ khi Quảng Ninh khánh thành đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, thời gian di chuyển từ TP.Hạ Long tới Tiên Yên được rút ngắn xuống chỉ hơn một giờ lái xe. Ăn sáng, cà phê, dạo phố ở Tiên Yên xong xuôi, chúng tôi tiếp tục di chuyển thêm hơn 30 km để tới huyện Bình Liêu, vốn nổi danh với miến dong, mùa hoa sở và những ngọn núi đẹp mê ly, thu hút nhiều bạn trẻ kéo đến cắm trại săn mây.
Đến núi Cao Ly (xã Húc Động) và núi Cao Xiêm (xã Lục Hồn), người trẻ trang bị đầy đủ dụng cụ cắm trại qua đêm có thể "săn" mây trên núi, pha một ly cà phê nóng và ung dung ngồi tựa ghế ngắm bình minh.
Đường lên Bình Liêu với núi non, sông suối và sắc hoa đào |
BẢO VY |
Chúng tôi tới Bình Liêu vào đầu xuân, thời tiết chỉ khoảng 12 độ C, có mưa phùn nên không lý tưởng để cắm trại nhưng thú vị khi được lái xe dọc những con đường uốn lượn đẹp mê ly, khám phá miền biên viễn.
Từ Tiên Yên tới Bình Liêu, hai bên đường có khung cảnh đẹp mê hồn, với những ruộng bậc thang không quá cao đã gặt lúa xong. Nhiều ruộng trơ gốc rạ, nhiều nơi bà con đang trồng rau màu. Những ngôi nhà đắp đất bên đường được những gốc đào xù xì nở bông hồng rực tô điểm, càng làm con đường thêm lãng mạn.
Chúng tôi đã có một bữa trưa ở Bình Liêu ấm áp, no nê trong một cái quán nhỏ khu Chang Chiếm, với lẩu thịt ngựa, gà đen luộc và khâu nhục, toàn những món ăn được người dân địa phương mách là "ngon quên lối về". Đúng là ngon… lạc lối.
Gà đen Bình Liêu luộc, lẩu thịt ngựa ăn ngon quên lối về ở Bình Liêu |
BẢO VY |
Miến dong Húc Động Bình Liêu, dầu hoa sở Bình Liêu, những đặc sản cho du khách mua mang về |
BẢO VY |
Chúng tôi bị những rặng thông, vườn đào và những dòng suối trong vắt ở Bình Liêu mê hoặc, để rồi lòng vòng mấy lần mới tìm được đường di chuyển tới đầu nguồn sông Tiên Yên, cột mốc 63, vành đai biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Mới hơn 14 giờ, nhưng càng lên cao, sương mù đã bủa vây, chúng tôi chỉ cần đưa tay ra ngoài cửa sổ xe là mây tràn vào trong. Một bên là rừng thông cao vút, bên kia là vực sâu, chỉ nhìn thấy tràn ngập sương mù.
Anh Nguyễn Hải Hưng, chàng trai người Quảng Ninh đã tới Tiên Yên, Bình Liêu nhiều lần, là một tay lái cứng khi chinh phục con đường uốn lượn dài 16 km từ đường 18C lên cột mốc 63, ở độ cao khoảng 700 m so với mực nước biển này một cách bình thản. Anh Hưng khoe nếu cung đường này được khám phá bằng xe máy vào những ngày không mưa cũng rất tuyệt vời. Càng lên cao càng mát lạnh, mùi nhựa thông thơm nức, quyến rũ bất kỳ phượt thủ nào.
Cung đường tới mốc 63 vành đai biên giới chìm trong sương mù |
BẢO VY |
Nhiều người trẻ mê xê dịch so sánh Tiên Yên như một Hội An vùng Đông Bắc còn Bình Liêu thì như một Sa Pa thu nhỏ. Tôi thì lại không nghĩ như vậy. Nếu như thế, tại sao chúng ta không tới Hội An hay Sa Pa, mà còn phải vượt đường xa để chinh phục Tiên Yên, Bình Liêu? Đơn giản là vì mỗi vùng đất có những đặc sắc riêng, thôi thúc những cái đầu muốn khám phá thêm nhiều vùng trời và thúc giục những đôi chân dịch chuyển nhiều hơn. Mỗi hành trình không chỉ đo đếm bằng độ dài km vì khi đã đi qua, chúng ta biết trái tim mình đã ở đó rồi…
Bình luận (0)