Những người cho gà “nằm” lá quế, uống thảo dược

Thúy Hằng
Thúy Hằng
02/12/2021 06:00 GMT+7

Lót sàn chuồng gà bằng lá sả, lá quế, cho gà ăn, uống nước từ các loại thảo dược, hai vợ chồng chị Tâm cùng những người bạn của mình nuôi gà thả vườn ở quê và bán ra thị trường với giá rất cao.

Cách nuôi gà uống thảo dược có gì độc đáo? Chị Ngô Thị Thanh Tâm (36 tuổi), Hợp tác xã Bản Luông, H.Bạch Thông, Bắc Kạn cho biết năm 2019, hai vợ chồng nghỉ việc, bán nhà ở Hà Nội về Bắc Kạn mua đất, lập nghiệp vì tình yêu với nông nghiệp. Cùng với 2 người bạn, họ thực hiện dự án chăn nuôi và chế biến gà quế vi sinh và nhận được sự giúp đỡ của Tỉnh đoàn Bắc Kạn cùng nhiều chuyên gia.

Nhóm của chị Tâm giành giải ba cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn của T.Ư Đoàn 2020

NVCC

Gà “nằm” trên lá quế

Chị Tâm nuôi giống gà ta bản địa, gà Tiên Yên (Quảng Ninh) và đang thử nghiệm nuôi giống gà Lạc Thủy (Hòa Bình), các con giống đều được tiêm vắc xin. Không mua thức ăn công nghiệp, chị mua thóc ngô của bà con địa phương để chúng nảy mầm, ủ bằng men vi sinh thảo dược để tạo thành thức ăn cho gà. Việc này giúp gà hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, tiết kiệm chi phí hơn. Các loại cá tạp, ruột cá, ốc… từ dưới ao cũng được ủ với men, tạo thành dung dịch bổ sung chất đạm cho gà.

“Chúng tôi nuôi gà thả vườn, trên đó đã có sẵn các loại cỏ, rau như khoai lang, xuyến chi… để chúng thoải mái tự tìm thức ăn. Các mảnh vườn thả gà được luân phiên thay đổi nhau, vườn này hết rau thì chuyển gà sang vườn khác, để bãi đất trống cho mình tiếp tục trồng rau bổ sung”, chị Tâm kể.

Chị lót chuồng trại bằng lá sả, lá quế để giảm mùi hôi, xua muỗi. Đồng thời, chị ngâm sả và nhiều loại thảo mộc khác thành dung dịch đậm đặc, sau đó hòa với nước để gà uống hằng ngày, nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi. Nhờ đó, toàn bộ đàn gà không dùng thuốc kháng sinh nhưng vẫn khỏe mạnh.

“Nuôi như vậy thì sự tỉ mỉ, quan sát của mình dành cho gà phải nhiều hơn. Thấy con nào có triệu chứng bệnh phải tách đàn ngay”, chị Tâm chia sẻ. Người phụ nữ khởi nghiệp với gà quế vi sinh vẫn chưa quên những lần vài chục con gà đang nuôi bỗng ủ rũ rồi lăn ra chết hết chỉ trong mấy ngày, vì khi mới chăn nuôi chưa có kinh nghiệm. Những bài học đau thương giúp nhóm của chị có thêm nhiều kinh nghiệm hơn.

Gà đã được sơ chế, gói kèm lá chanh, gừng, nghệ, chuyển tới khách hàng

Giảm ít rác thải nhất

Năm 2020, dự án nuôi gà quế vi sinh của nhóm chị Tâm giành giải ba cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn của T.Ư Đoàn. Điều này càng tiếp thêm động lực cho mỗi thành viên. Đến nay, tính riêng hai vợ chồng chị Tâm, trong 1,5 ha diện tích của gia đình, họ có hơn 400 m2 chuồng trại để nuôi gà, với số gà nuôi mỗi lứa từ 500 - 1.000 con và khoảng 2.000 m2 ao để thả cá. Còn lại là vườn để trồng rau theo phương pháp hữu cơ, trồng cây ăn trái. Bà chủ vườn ao chuồng ở Bắc Kạn chia sẻ, trang trại làm theo quy trình tuần hoàn, phân gà để ủ đất trồng rau; rau củ quả hư hỏng giúp gà, cá có thức ăn hoặc ủ làm phân; cá tạp và ốc lại được chế biến thức ăn cho gà… Do đó, rất ít rác thải ra môi trường.

Gà được ăn, uống thảo dược, nuôi thả vườn nên thịt săn chắc, ngọt thịt, sau 6 tháng có thể giết mổ. Thời gian nuôi lâu hơn gà ăn cám công nghiệp, song giá bán có thể gấp 2,5 lần gà thông thường. Trung bình, gà đã sơ chế bán ra với giá 240.000 - 255.000 đồng/kg nhưng có thời điểm làm không đủ bán. Thị trường lớn nhất mà chị Tâm cung cấp là Hà Nội.

Đợt dịch vừa qua, việc vận chuyển gà xuống Hà Nội bị ảnh hưởng, vợ chồng chị Tâm chuyển hướng thị trường sang Bắc Kạn. Đồng thời, do chăn nuôi bằng thức ăn tự sản xuất được nên tiết kiệm được chi phí, dù gà chậm xuất chuồng hơn một số ngày cũng không thiệt hại về kinh tế. Hiện tại, hơn 1.000 con gà trong chuồng đã được đặt hàng. Khi được đóng bao bì, hút chân không, gửi tới tay khách hàng, gà được kèm nghệ, gừng, lá chanh để mọi người tùy ý chế biến món ăn khác nhau.

Gà quế vi sinh được nuôi thả vườn

Nặng lòng với quế, mơ vàng

Không giữ riêng kinh nghiệm nuôi gà thảo dược, nhóm chị Tâm hướng dẫn, chuyển giao công nghệ nuôi gà tới nhiều hộ gia đình khác tại Bắc Kạn. Nhóm chị Tâm đang có 3 gia đình, cùng cung cấp gà ra thị trường. Sắp tới sẽ có thêm 4 gia đình nữa, cùng nuôi gà theo mô hình chuẩn, được bao tiêu sản phẩm, mỗi gia đình sẽ thử nghiệm với đàn nhỏ từ 200 con, trước khi phát triển đàn lớn hơn.

Chị Ma Thị Mận, Phó bí thư Tỉnh đoàn Bắc Kạn, trao đổi với PV Thanh Niên: “Hợp tác xã của Tâm gồm những người trẻ, luôn luôn sáng tạo, tâm huyết với những nông sản của quê hương. Chúng tôi đánh giá rất cao mô hình nuôi gà quế vi sinh, vừa khai thác hiệu quả tài nguyên bản địa, có ý nghĩa lớn với cộng đồng khi giúp cho rất nhiều nông dân ở Bắc Kạn cùng làm theo mô hình chăn nuôi hiệu quả. Gà được nuôi bằng thảo dược, không chất tăng trọng, không thuốc kháng sinh nên đảm bảo sức khỏe người dùng, bền vững với môi trường…”.

Hiện chị Tâm hiện là Giám đốc hợp tác xã Bản Luông. Bên cạnh nuôi gà uống thảo dược quế vi sinh, chị và những người trẻ khác trong hợp tác xã hỗ trợ bà con tiêu thụ nông sản đặc trưng Bắc Kạn như bông chít làm chổi, vỏ quế, trái mơ vàng. Nhịp sống chảy trôi, hai vợ chồng chị Tâm chuyển từ phố về rừng lúc nào cũng luôn tay với chuồng trại. Song họ chưa lúc nào hối hận vì đã rời xa phố thị. “Ngày mới chuyển lên đây, nhìn lên quả đồi phía sau là màu đen tím thẫm, tôi rất sợ. Hay mỗi ngày mưa, phải đi trên con đường dài không được trải nhựa, dính đầy bùn đất. Nhưng dần dần chúng tôi quen và yêu cuộc sống được ở gần thiên nhiên, ăn rau trái mình trồng, ngắm hoa mình chăm và làm những gì mình thấy hạnh phúc” chị Tâm bộc bạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.