So với vài năm trước, về mặt chủ trương, rõ ràng nền giáo dục hiện có những điều chỉnh, thay đổi theo hướng tích cực nhằm giảm tải chương trình, giúp HS chủ động hơn trong học tập… Thế nhưng, trên thực tế lối giáo dục từ chương, nhồi nhét, chưa thân thiện, thiếu sự sáng tạo cá nhân vẫn là chủ yếu trong trường học hiện nay. Điều này khiến phần đông HS đến trường như là một nghĩa vụ hơn là niềm đam mê, khao khát học hỏi.
Một du HS VN đang học lớp 12 tại đây tâm sự với chúng tôi trong chuyến công tác tại Canada vừa qua: “Ở VN, em rất sợ học toán nhưng sang đây em học thấy hết sức nhẹ nhàng”. HS này còn cho biết hoàn tất chương trình môn toán trước cả thời hạn. Phần lớn những du HS mà chúng tôi tiếp xúc đều có chung nhận định chương trình học ở các nước tiên tiến nhẹ nhàng hơn ở VN rất nhiều. Vì thế, cho dù là có rào cản ngôn ngữ trong giai đoạn đầu nhưng HS đều cảm thấy niềm vui trong học tập. Bên cạnh các môn học thuật mang tính bắt buộc, HS có nhiều lựa chọn những môn học yêu thích theo sở trường của mình.
Ngoài chương trình học, giáo viên (GV) cũng là một động lực giúp HS tìm thấy niềm vui, sự sáng tạo trong học tập. Một khi GV vẫn còn yêu cầu HS tiểu học thuộc làu những bài tập làm văn, vẫn yêu cầu viết theo một khuôn mẫu nhất định thì không thể giúp HS tìm thấy niềm hứng khởi trong học tập. Khi bài giảng trên lớp của GV còn hời hợt chỉ nhằm kéo HS đến với các lớp học thêm ngoài giờ thì không thể khiến HS yêu thích môn học. Khi cô giáo chủ yếu dùng hình phạt để dọa nạt các bé ở trường mẫu giáo thì sẽ không bao giờ bé xem “trường học là nhà” như khẩu hiệu đã đề ra.
Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng GV chưa phải là nhân tố giúp HS nhận ra hạnh phúc khi được đến trường. Đồng lương không đủ sống khiến họ phải lo toan nhiều thứ nên không thể tận tâm, tận lực với HS cũng là một nguyên nhân. Nhưng có lẽ cái gốc nằm ở chỗ đây chưa phải là nghề nghiệp mà họ muốn dấn thân, đeo đuổi.
Đã một thời kỳ có câu: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, rồi một thời gian điểm trúng tuyển vào trường sư phạm rất thấp. Xu thế hiện nay, những HS giỏi thường chọn kinh tế, y dược, công nghệ, kỹ thuật… khiến sư phạm và các ngành cơ bản không thể chọn được người tài. Đầu vào không tốt, ra trường không yêu nghề nên không nhiều GV chưa tìm thấy niềm vui mỗi ngày đến lớp. Vì thế họ không thể truyền ngọn lửa đam mê ấy đến HS.
Một năm học mới lại bắt đầu, các bậc cha mẹ lại mong chờ “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” không chỉ là khẩu hiệu.
Thùy Ngân
Bình luận (0)