Đến Ukraine, F-16 có đối đầu tiêm kích hiện đại nhất của Nga?

Bảo Hoàng
Bảo Hoàng
21/05/2024 15:02 GMT+7

Giới chức Ukraine liên tục kêu gọi phương Tây sớm chuyển giao máy bay chiến đấu F-16, trong khi quân đội Nga gần đây đã tăng cường triển khai chiến đấu cơ tàng hình Su-57.

Trong buổi phỏng vấn với Reuters ngày 20.5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lặp lại kêu gọi cần 120 - 130 máy bay F-16 để cân bằng sức mạnh với Moscow. Chiếc tiêm kích này có thể mang lại những nâng cấp cho kho máy bay của Ukraine, vốn sử dụng những loại MiG-29, Su-24 và Su-25 đang dần cạn kiệt về số lượng.

Đến Ukraine, F-16 có đối đầu tiêm kích hiện đại nhất của Nga?- Ảnh 1.

Tiêm kích Su-57 của Nga

TASS

Ở chiều ngược lại, chuyên trang quốc phòng Defence Blog ngày 15.5 đưa tin quân đội Nga trong một tháng qua đã có hơn 6 lần điều máy bay Su-57 tập kích bằng tên lửa hành trình Kh-69, có tầm bắn khoảng 400 km.

F-16 dù được chứng minh về độ tin cậy và tính linh hoạt, giới chuyên gia cho rằng nó sẽ gặp thách thức không nhỏ nếu đặt vào hoàn cảnh đối đầu với tiêm kích hiện đại nhất của Nga, theo Newsweek. Tuy nhiên, đặt hai loại máy bay này lên bàn cân có thể là điều khập khiễng, do những khoảng cách về thời gian phát triển.

Tỷ lệ bắn hạ tên lửa Nga của phòng không Ukraine vì sao giảm mạnh?

Su-57 mang ưu thế công nghệ

Là máy bay được sản xuất để trở thành đối trọng với tiêm kích "Chim ăn thịt" F-22 hay F-35 của Mỹ, Su-57 - được Nga biên chế vào năm 2020 - trang bị 6 radar, giúp phi công phát hiện được mục tiêu tầm xa tốt hơn.

Theo tài liệu của quân đội Nga, Su-57 có khả năng bay “gấp đôi tốc độ âm thanh” (tương đương 2.500 km/giờ), trần bay 20 km và bay được gần 3.000 km trước khi phải tiếp nhiên liệu.

Chiếc tiêm kích còn được biết đến như “kho vũ khí trên không” khi có thể trang bị nhiều loại vũ khí phục vụ cho từng mục đích cụ thể. Su-57 có thể mang tên lửa không đối không R-77M có tầm bắn gần 200 km, bom, tên lửa đối đất (như Kh-69) hoặc tên lửa chống hạm. Tải trọng vũ khí của Su-57 lên đến 14 - 16 tấn, nhiều hơn so với các loại máy bay đối thủ nhờ thiết kế sử dụng vật liệu composite. Dù các trận không chiến tầm ngắn gần như biến mất hiện nay, chiếc tiêm kích của Nga vẫn được trang bị pháo 30 mm.

Tuy nhiên, hạn chế của Nga là số lượng Su-57 trong biên chế khá ít. Theo trang Bulgarian Military, quân đội Nga không công bố con số chính xác, song thông tin trong những năm qua chỉ ra đến cuối năm 2023, Không quân Moscow có thể đang sở hữu 20 chiếc tiêm kích thế hệ 5. Số lượng ít và giá trị cao buộc Su-57 phải hoạt động ở xa chiến tuyến và đảm nhận việc phóng tên lửa, nhằm tránh nguy cơ bay vào tầm bắn của phòng không Ukraine.

F-16: Tiêm kích phổ biến nhất thế giới

Theo chuyên trang hàng không AeroTime, được ra đời với mục đích trở thành phiên bản gọn nhẹ và rẻ hơn F-15, F-16 với biệt danh “Chim ưng” đã trở thành chiến đấu cơ phổ biến nhất thế giới. Khoảng 2.100 chiếc đang được trang bị cho quân đội của hơn 25 quốc gia và vẫn đang “cháy hàng”, với những phiên bản cải tiến so với sản phẩm đầu tiên đã ra mắt từ năm 1978. Đây cũng là tiêm kích có số lượng lớn nhất trong kho vũ khí của Mỹ, với 841 chiếc.

Tiêm kích F-16 của Mỹ phóng tên lửa AIM-120

Tiêm kích F-16 của Mỹ phóng tên lửa AIM-120

KHÔNG QUÂN MỸ

Thiết kế gọn nhẹ đã tăng tính linh hoạt cho F-16, cũng như những cải tiến đã bao gồm nhiều nâng cấp hệ thống radar, vũ khí. F-16 có thể đạt vận tốc ngang Su-57 và có thể bay hơn 3.200 km nếu trang bị thùng dầu phụ, dù trần bay thấp hơn chiếc tiêm kích của Nga.

F-16 hiện nay được phát triển thành máy bay đa nhiệm có thể hoạt động ở mọi điều kiện thời tiết. Ukraine đã có tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9 Sidewinder và phiên bản tiên tiến AIM-120 trong kho vũ khí. Các loại khí tài này có thể bổ trợ cho những chiếc F-16 nhằm giúp Ukraine đánh chặn máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình và chiến thuật bom lượn của Moscow. Bên cạnh đó, F-16 có thể giúp bổ sung cho hệ thống phòng không hiện có của Kyiv, bao gồm các tổ hợp từ thời Liên Xô, hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và hệ thống phòng không NASAMS.

Tổng thống Ukraine: Viện trợ vũ khí chậm trễ đến 1 năm vì phương Tây do dự

Tuy nhiên, một báo cáo của Văn phòng Kế toán Tổng hợp Mỹ hồi năm ngoái đã xếp F-16 vào một trong những loại máy bay khó bảo dưỡng nhất. Điều này có thể là thách thức cho quân đội Ukraine trong việc có đủ hạ tầng sửa chữa máy bay trong xung đột. Đây cũng có thể mục tiêu mà Nga sẽ ưu tiên nhắm đến, do đó bố trí và bảo vệ F-16 ở khu vực nào cũng là điều mà Kyiv phải cân nhắc. “Máy bay này sẽ không lập tức trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi”, ông Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, cho biết.

Giới quan sát cho rằng không dễ để xảy ra kịch bản F-16 của Ukraine tiếp cận được Su-57, cũng khó có chuyện quân đội Nga sẽ liều lĩnh để bay sâu qua chiến tuyến, mà sẽ ưu tiên điều động Su-35 hoặc MiG-29. Song, khi máy bay mà phương Tây viện trợ cập bến Ukraine, cục diện đối đầu phòng không và không quân giữa hai bên ít nhiều sẽ có những chuyển biến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.