Đến World Cup bằng cách nào?

26/02/2012 03:56 GMT+7

Những mục tiêu như: trong 10 năm tới đội tuyển VN phải giành 2-3 chức vô địch Đông Nam Á hoặc SEA Games, đứng trong top 15 châu Á, vượt qua vòng loại thứ 3 World Cup khu vực châu Á - Thái Bình Dương hay giai đoạn 2021-2030 lọt vào top 10 châu Á, có mặt tại VCK World Cup... không phải là không thể nhắm tới nếu có giải pháp đúng đắn và hợp lý.

Những mục tiêu như: trong 10 năm tới đội tuyển VN phải giành 2-3 chức vô địch Đông Nam Á hoặc SEA Games, đứng trong top 15 châu Á, vượt qua vòng loại thứ 3 World Cup khu vực châu Á - Thái Bình Dương hay giai đoạn 2021-2030 lọt vào top 10 châu Á, có mặt tại VCK World Cup... không phải là không thể nhắm tới nếu có giải pháp đúng đắn và hợp lý.

 
Muốn nâng tầm bóng đá VN, trước hết phải tái cấu trúc VFF - Ảnh: Ngô Nguyễn

Cần có chính sách quốc gia

Việc đặt mục tiêu lọt vào VCK World Cup trong chiến lược phát triển bóng đá phải hiểu như cái đích chúng ta hướng đến, đặt ra để phấn đấu, còn kết quả tới đâu sẽ tùy thuộc vào lộ trình và các giải pháp mà chúng ta đề ra có khả thi hay không. Tôi thấy rằng cần phải có chính sách quốc gia để cụ thể hóa công việc từng năm một.

Ông Trần Văn Mui, nguyên Phó chủ tịch LĐBĐ VN

Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn, một trong những người phối hợp soạn thảo đề án chiến lược phát triển bóng đá đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, cho biết: “Cuộc sống phải có ước mơ, làm việc thì phải có cái đích để hướng tới. Chiến lược thể thao nói chung và bóng đá nói riêng bao giờ cũng phải được xây dựng trên nền tảng thực lực, khả năng thực tế cộng với tham vọng chứ không thể tự co mình lại chỉ để hài lòng với những gì đã có. Trước đây, chúng ta có bản chiến lược bóng đá cũng đưa ra nhiều mục tiêu phấn đấu và được sự góp ý chí tình của nhiều người, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện đã có va vấp nên có những cái đến giờ không khả thi. Đó là do cách làm của chúng ta chưa nghiêm túc, còn thiếu chiều sâu và thiếu cả quyết tâm. Nhưng với bản chiến lược phát triển bóng đá VN lần này, chúng tôi đã được Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể phải phối hợp với các bộ ngành chức năng và các lực lượng trong xã hội làm cho bằng được để nâng tầm bóng đá VN. Chính vì vậy, những mục tiêu, giải pháp, cách tổ chức thực hiện đưa ra dù còn gây tranh cãi, dù còn phải lấy ý kiến đóng góp cho hoàn chỉnh, nhưng quan trọng là phải làm hết mình, làm đến nơi đến chốn để đạt được những hiệu quả nhất định”.

Nguyên Phó chủ tịch LĐBĐ VN Trần Văn Mui nhấn mạnh: “Bản thân tôi cho rằng, việc đặt mục tiêu lọt vào VCK World Cup trong chiến lược phát triển bóng đá phải hiểu như cái đích chúng ta hướng đến, đặt ra để phấn đấu, còn kết quả tới đâu sẽ tùy thuộc vào lộ trình và các giải pháp mà chúng ta đề ra có khả thi hay không. Tôi thấy rằng cần phải có chính sách quốc gia để cụ thể hóa công việc của từng năm một. Chúng ta đưa ra việc đổi mới nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý bóng đá thì phải như thế nào trong giai đoạn 2012-2013, rồi đến 2 năm sau nâng lên một tầm khác ra sao. Phải định hướng từng chu kỳ nhỏ như vậy, chúng ta mới không bị động, không chạy theo các con số mà vẫn đảm bảo được mục tiêu trước mắt lẫn mục tiêu lâu dài. Ví dụ, tái cấu trúc VFF là yêu cầu lớn nhất mà nhiều người đặt ra, vậy thì Tổng cục TDTT nên bắt đầu như thế nào. Theo tôi, dứt khoát phải đại hội bất thường, xây dựng lại ê kíp mới có đầy đủ năng lực quản lý ở tầm vĩ mô, có tư duy và thái độ chuyên nghiệp thì mới vạch ra được những bước đi phù hợp cho từng năm tiếp theo cho những mục tiêu này”.

Bắt đầu từ các câu lạc bộ

Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Gia Định, chuyên gia bóng đá Vũ Tiến Thành khẳng định những mục tiêu mà bản chiến lược đưa ra là vừa sức, chỉ duy nhất yêu cầu phải lọt vào VCK World Cup cần phải thêm chữ “phấn đấu” hoặc “hướng đến” thì hợp lý hơn. Ông Thành phân tích: “Bóng đá VN hiện vẫn ở vùng trũng. Điều mà người hâm mộ mong muốn nhất là cải thiện trình độ trong khu vực, nghĩa là anh phải đứng đầu ổn định trong Đông Nam Á. Sau đó vươn tầm ra châu Á. Nếu so về các chỉ số sinh học, nền tảng thể lực và thể trạng của người VN, bóng đá VN rất khó chen chân vào top 10, thậm chí top 15 châu Á vì chúng ta đều thua kém các nước ở những yếu tố trên. Tuy nhiên, thực tế cũng đã chứng minh người VN có thể thay đổi được phần nào hình ảnh của mình nếu có ý chí, nghị lực và khát vọng vươn lên. Về điểm này, trong chừng mực nào đó tôi nghĩ chúng ta có thể làm được, nghĩa là có thể vượt qua một số đội bóng Tây Á để cải thiện thứ hạng của mình. Nếu làm tốt đào tạo trẻ, xây dựng các tuyến năng khiếu có hệ thống, có phương pháp huấn luyện khoa học, áp dụng công nghệ cao bằng cách hiện đại hóa các cơ sở huấn luyện bóng đá, các trung tâm y sinh học, phát triển tốt mô hình học viện bóng đá… thì bóng đá VN có thể dự VCK Asian Cup, nghĩa là có chỗ đứng trong top 15, đồng thời nhắm đến việc vào đến vòng loại thứ 3 World Cup khu vực châu Á. Đây đã là giấc mơ quá đẹp với người hâm mộ bóng đá VN. Bởi trên thực tế sẽ còn rất lâu chúng ta mới có thể được như Nhật Bản, Hàn Quốc hay một số quốc gia mạnh khác của châu Á. Thế nên, theo tôi chỉ tiêu top 15 châu Á trong 10 đến 20 năm tới là vừa tầm”.

Ông Võ Thái Lâm, Phó chủ tịch CLB Sài Gòn FC, cho rằng: “Đặt lên bàn cân so sánh cũng có những điều mà bóng đá VN phải học hỏi Thái Lan, nhưng không thể cứ mãi lấy Thái Lan ra để chỉ đặt mục tiêu quanh quẩn trong khu vực Đông Nam Á. Chúng ta vừa phải có tầm nhìn chiến lược nhưng cũng vừa đảm bảo khả năng thực tế là bóng đá VN hoàn toàn có thể vươn ra tầm châu Á. Theo tôi, việc đầu tiên là gấp rút cải thiện trình độ các CLB để tham gia và trụ vững vào AFC Champions League. Một làng bóng mạnh phải có nền tảng là các CLB mạnh, phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Hiện nay đó là cái yếu nhất của bóng đá VN khi chúng ta chưa có chiến lược cũng như chưa có sự quan tâm đúng mức dành cho các CLB. Các CLB VN vẫn tự xoay xở rất khó khăn và chưa thể đứng vững được trên đôi chân của mình một khi họ không lấy bóng đá nuôi được bóng đá. Thế nên, cần phải có một lộ trình và tạo hành lang pháp lý phù hợp để các CLB VN phát triển một cách mạnh mẽ về mọi mặt. Khi đó trong 10 hay 20 năm nữa, bóng đá VN nhất định sẽ ổn định ở top 15 châu Á”.

Đã làm thì phải quyết liệt

Chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh phân tích: “Không riêng tôi mà nhiều người băn khoăn khi nghe nói đến mục tiêu lọt vào VCK World Cup của bóng đá VN trong 18 năm tới. Cách đây hơn 10 năm, tôi cũng đã được mời tham dự hội thảo góp ý cho chiến lược phát triển bóng đá và chúng ta đã nói rất nhiều, cũng như đưa ra những mục tiêu hoành tráng, trong đó có việc lọt vào VCK World Cup 2014, nhưng cuối cùng chẳng làm gì để thực hiện được mục tiêu đó, giờ đây 10 năm sau lại giở ra bàn tiếp. Bản thân tôi không phản đối việc đề ra mục tiêu phấn đấu lọt vào VCK World Cup, nhưng tôi muốn ngành TDTT và LĐBĐ VN làm được thì hãy nói, còn không thì nên đưa ra những mục tiêu gần gũi hơn, có tính thực tế cao hơn. Bởi tôi cảm thấy cách làm của chúng ta vẫn chưa quyết liệt, đôi khi còn xem nhẹ nhiều vấn đề nên dư luận luôn không yên tâm khi chúng ta đưa ra mục tiêu quá xa. Chẳng hạn một điều đơn giản nhất là chống tiêu cực, hết năm này qua năm khác cứ hô hào chống mà giải pháp lại không đồng bộ, xử lý không triệt để như kiểu vừa đánh vừa xoa, thì làm sao bóng đá VN ngóc đầu lên được”.

Quang Tuyến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.