Cần một giải pháp nhân văn nhưng hiệu quả để giải quyết triệt để nạn hàng rong đeo bám, chèo kéo du khách, nhằm giữ hình ảnh đẹp của điểm đến VN.
Người bán hàng rong cần được sắp xếp chỗ bán cố định hơn là đẩy đuổi - Ảnh: N.T.Tâm |
Vợ chồng anh Billy (người Mỹ) cùng con trai vừa ngồi xuống ghế đá nghỉ chân trong công viên 23.9 (đối diện khách sạn New World, Q.1, TP.HCM) thì lập tức một người đàn ông bán kính dạo đi tới gí kính vào sát mặt vợ chồng Billy chào mời. Chừng hơn phút sau lại có thêm một thanh niên đánh giày chèo kéo. Không thể ngồi yên, ba vị khách bực dọc đứng lên bỏ đi. Nhưng chưa chấm dứt, họ tiếp tục bị đeo bám cho đến gần vòng xoay trước chợ Bến Thành. Billy than thở, anh luôn bị hàng rong làm phiền ở TP.HCM, đến nỗi muốn một phút yên tĩnh không ai quấy rầy khi ngoài phố cũng rất khó.
Đường dây “nguội”
Trước bức xúc chung của du khách nước ngoài, giữa năm 2015, TP.HCM thành lập đường dây nóng để du khách, người dân cung cấp thông tin hoặc phản ảnh sự cố về nạn hàng rong đeo bám, chặt chém. Tuy nhiên, dường như đường dây nóng này đang “nguội”.
|
Việc không tập trung xử lý dứt điểm nạn hàng rong của chính quyền địa phương là nguyên nhân khiến vấn nạn này mãi không dẹp được. Ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho rằng Thủ tướng đã có chỉ thị về việc bảo đảm an ninh an toàn cho du khách, tránh để hàng rong gây phiền hà cho khách, nhưng các địa phương làm không đến nơi đến chốn. Ông Khánh nói: “Cái chính là vai trò của các địa phương. Nếu chính quyền địa phương quan tâm dẹp chắc chắn nạn này sẽ bớt, nhưng lơ là thì ngay lập tức hàng rong chèo kéo sẽ quay trở lại. Phải làm thường xuyên trong suốt 6 tháng liên tục, chứ triển khai vài ngày rồi nghỉ, hàng rong dạt đi chỗ khác đến lúc hết cao điểm xử phạt sẽ quay lại. Chúng ta có luật pháp, có quy định, dựa vào quy định mà xử phạt. Nhưng Sở Du lịch không thể xử phạt người bán hàng rong, chúng tôi chỉ có thể đốc thúc, phối hợp cơ quan chức năng mà thôi”.
Ông Khánh thừa nhận, để nạn hàng rong chèo kéo du khách có phần lỗi lớn nhất của cơ quan quản lý du lịch địa phương, cụ thể là Sở Du lịch TP.HCM. “Chúng tôi cần phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình hàng rong chèo kéo ở các điểm đến, sau đó tham mưu cách xử lý cho UBND, qua đó UBND TP đốc thúc các ban ngành vào cuộc xử lý. So với Hội An, TP.HCM khó giải quyết nạn hàng rong hơn, vì địa bàn rộng hơn, nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Sắp tới, mỗi tuần Phòng Lữ hành của Sở sẽ kiểm tra hai điểm, cứ thế xoay vòng, trên cơ sở đó hằng tháng có đánh giá gửi UBND TP”, ông Khánh phát biểu.
“Phá hủy hết mọi nỗ lực”
Chuyên gia du lịch Robert Tan (người Singapore) cho rằng nạn hàng rong chèo kéo du khách ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến hình ảnh du lịch VN. “Ngân sách bỏ ra hàng tỉ đồng để quảng bá, xúc tiến điểm đến nhưng chỉ cần một nhóm hàng rong chèo kéo là phá hủy hết mọi nỗ lực, tiền của có thể đổ sông đổ biển. Cách xử lý nạn chèo kéo không khó, quan trọng là chính quyền địa phương phải nhận thức được đấy là một hình ảnh vô cùng xấu. Ở các quốc gia phát triển về du lịch, hàng rong vẫn tồn tại. Chẳng hạn ở tháp Eiffel (Paris, Pháp), người bán hàng rong vẫn lén lút hoạt động. Nhưng chắc chắn một điều, họ không công khai chèo kéo, quấy rầy, chặt chém du khách như ở các điểm tham quan tại VN. Ở Thái Lan, người bán hàng rong cũng nhiều, nhưng họ không đeo bám dai dẳng. Cũng không cần so sánh đâu xa, ngay tại Đà Nẵng hoặc Hội An, hàng rong chèo kéo khách hầu như không có. Tuy nhiên, việc xử lý nạn hàng rong cần một giải pháp nhân văn hơn là đẩy đuổi. Nếu không sắp xếp được chuyện đưa người bán hàng rong hồi hương, thì TP.HCM hay Hà Nội tổ chức điểm bán cố định cho họ ở các điểm tham quan, giá cả phải được kiểm soát, chỗ bán được hỗ trợ. Ai đeo bám chèo kéo du khách sẽ bị xử phạt bằng cách tịch thu hàng hóa”, ông Tan hiến kế.
Nếu đẩy đuổi, vì mưu sinh chắc chắn họ sẽ quay lại chèo kéo du khách. Câu chuyện chính quyền địa phương tổ chức cho người bán hàng rong “kinh doanh” ở điểm tham quan trở thành bài học “kinh điển” mà du lịch VN phải học là tại Siem Reap (Campuchia). Ở đường đi bộ vào các khu đền, người bán hàng rong đứng trên vỉa hè, ngăn cách họ với du khách chỉ bằng một sợi dây thừng. Du khách không được bước qua sợi dây thừng đó để mua đồ; người bán hàng rong cũng không được phép băng qua sợi dây để tiếp cận du khách. Ở Thái Lan, người bán hàng rong cũng được tập trung một chỗ ở các điểm tham quan, nên không có cảnh chèo kéo, đeo bám. Nhưng ở TP.HCM, người bán hàng rong hễ thấy du khách là sáp vào, kéo tay, giật áo. “Nếu bạn là du khách, trong hoàn cảnh đó, dù là cảnh đẹp cỡ nào cũng thấy bớt vui”, ông Tan nhấn mạnh.
Huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai), điểm đến được cả khách trong và ngoài nước tìm tới, sau thời gian dài bị “bêu tên” vì nạn hàng rong, mới đây đã sắp xếp, bố trí khu vực dành cho người bán hàng rong tại các điểm tham quan để hạn chế nạn hàng rong, đa phần là trẻ em. Ông Phan Xuân Anh, Tổng giám đốc Công ty Du ngoạn Việt, cho rằng Sa Pa, Đà Nẵng, Hội An làm được, thì TP.HCM, Hà Nội, Hạ Long cũng phải làm được. “Nhiều khách của tôi mua đồ lưu niệm của người bán hàng rong trúng phải hàng dỏm, dù giá trị không lớn, nhưng tâm lý của họ hoang mang lắm. Tiếng xấu có thể đồn xa, ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch VN”, ông Anh than phiền.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Tháng 7.2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 14/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch. Theo đó, cơ quan chức năng và UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch; tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kiên quyết các đối tượng đeo bám, gây phiền hà cho khách du lịch... Các địa phương định kỳ 3 tháng, 6 tháng và hằng năm báo cáo tình hình thực hiện chỉ thị gửi Bộ VH-TT-DL trước ngày 20 tháng cuối quý để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.
Chỉ thị cho rằng, việc thực hiện quản lý nhà nước về du lịch ở nhiều nơi chưa nghiêm, chất lượng dịch vụ du lịch còn nhiều hạn chế, môi trường du lịch, vệ sinh, an toàn chậm được cải thiện, sức cạnh tranh còn thấp.
|
Bình luận (0)