Đeo bám 'móc túi' du khách

14/10/2015 06:01 GMT+7

Người bán hàng rong chèo kéo , dùng đủ mọi chiêu trò, mánh khóe để móc túi du khách... là tình trạng không mới nhưng lại chưa bao giờ cũ, đang gây ảnh hưởng lớn tới hình ảnh du lịch VN.

Người bán hàng rong chèo kéo, dùng đủ mọi chiêu trò, mánh khóe để móc túi du khách... là tình trạng không mới nhưng lại chưa bao giờ cũ, đang gây ảnh hưởng lớn tới hình ảnh du lịch VN.

 
Hàng rong “đón” khách khi vừa xuống xe để tham quan gần nhà thờ Đức Bà Hàng rong “đón” khách khi vừa xuống xe để tham quan gần nhà thờ Đức Bà - Ảnh: N.T.Tâm
Giữa trưa nắng, một nhóm người ngồi bên những chiếc xe gắn máy chất đầy đồ đạc ở trên vỉa hè đường Võ Văn Tần (Q.3, TP.HCM), gần Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - điểm đến có rất đông du khách nước ngoài.
500.000 đồng cho 1 lần đánh giày

Những người bán hàng rong bằng xe gắn máy có quan hệ thân thiết với tài xế và lơ xe chở du khách. Khi họ đón khách ở sân bay hoặc ở cảng đã thông báo cho người bán hàng rong biết trước để tới. Từ đó, hàng rong theo xe khách suốt cả hành trình

Thanh niên tình nguyện tên T.

Cặp vợ chồng chừng 50 tuổi tự giới thiệu đã bán hàng rong cho khách nước ngoài 20 năm ở khắp TP.HCM. “Cái áo thun này nếu anh mua tôi bán rẻ giá 60.000 đồng, còn khách nước ngoài giá 100.000 - 150.000 đồng”, người vợ nói, tay đưa ra những cái áo thun nhiều màu sắc in các thương hiệu nổi tiếng quốc tế, được đựng trong bịch ni lông, chất đầy trên xe gắn máy. Một số người khác đứng gần đó bán túi xách da, đồ thêu, tấm lót ly tách...
Nhiều khách nước ngoài đến VN cho rằng chợ Bến Thành là cái bẫy du khách (tourist trap). Trong vai du khách, chúng tôi dạo quanh ngôi chợ này và thấy có hàng chục người bán hàng rong đeo bám khách ở các cửa ra vào. Một người bán võng bám theo chúng tôi, ra giá 200.000 đồng/cái. Nhưng khi biết chúng tôi là người Việt liền hạ giá còn 80.000 đồng. Một nhóm khách Nhật Bản 5 người nhưng bị tới 3 người bán kính mát bám theo, năm nỉ, níu kéo cho đến khi nhóm khách người Nhật bất đắc dĩ phải chấp nhận dừng và thử kính. Chọn một hồi, nhóm khách người Nhật mua một kính màu đen và được hét giá 1 triệu đồng. Để cho khách hiểu, người đàn ông bán kính móc túi lấy hai tờ 500.000 đồng cho khách xem. Khách lập tức trả kính và bỏ đi, nhưng người bán cố tình nhét kính vào túi khách. Hai bên dùng dằng một hồi, khi thấy có bóng “áo xanh” đi tới người này mới chịu “tha” cho khách.
Chiêu ép buộc khách như vậy rất phổ biến với giới bán hàng rong, đánh giày. Báo Thanh Niên từng đăng bức hình gây chấn động dư luận vào năm 2011 khi một người đánh giày đang cố lột giày của người đàn ông, còn người đàn ông đưa hai tay lên trời mà không biết phải phản ứng như thế nào. Mới đây, Công an Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã hoàn tất hồ sơ xử lý hai đối tượng Phạm Văn Chung và Phạm Văn Quỳnh có hành vi chèo kéo rồi “chặt chém" du khách nước ngoài đánh giày, sửa giày để lấy giá cắt cổ. Mặc dù khách không có nhu cầu, nhưng các đối tượng này vẫn lao vào “lột” giày dép của khách để sửa chữa, xong thu tiền giá cao. Trước đó, theo phản ánh của báo chí, những người đánh giày đã thu của khách 500.000 đồng cho mỗi lần đánh xi và 1 triệu đồng cho một lần khâu dép.
Chiêu chỉ đường rồi bắt mua dừa ở xung quanh các điểm tham quan cũng khiến du khách phát sợ. Những người bán dừa luôn tỏ ra nhiệt tình chỉ đường cho du khách, dù khách không có ý định nhờ vả, xong mời khách gánh thử gánh dừa để chụp hình. Khâu cuối cùng là bắt khách mua dừa bằng cách đưa 10 ngón tay, khách ngỡ 10.000 đồng, nhưng hóa ra là 100.000 đồng.
Một người đánh giày đang cố lột giày của khách du lịch tại TP.HCM
Một người đánh giày đang cố lột giày của khách du lịch tại TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh
Chị P.T.V, một hướng dẫn viên có thâm niên, kể: Khách đến Sapa thường bị người bán hàng rong giả vờ tặng những sợi dây đeo tay bằng thổ cẩm, khách vô tình đeo vào thì coi như phải tính tiền. Người bán hàng rong nhất quyết không chịu nhận hàng trở lại, khách không trả được nên chấp nhận mua với giá cao.
Ở Tiền Giang, tình trạng cho khách đeo thử túi xách bằng vỏ dừa rồi không chịu nhận lại cũng phổ biến. Khách không mua thì ngay lập tức bị kéo áo, ăn vạ. Tại TP.HCM, những người bán hàng rong mang rổ đồ ở trước bụng thường cố tình va vào người khách. Khi rổ đồ đổ xuống, họ quay ra bắt đền bằng cách bắt khách mua đồ với giá cắt cổ.
“Móc túi” có hệ thống
Theo người trong “nghề”, để bán được hàng phải biết kết hợp với tài xế, lơ xe và chung chi cho họ. Thoáng thấy đoàn khách bên trong bảo tàng đi ra sau khi kết thúc tham quan và đang chờ xe, cả nhóm bán hàng rong tại đây vội vàng lên xe phóng tới và chào bán.
Chiếc xe chở đoàn khách vừa tới Bưu điện trung tâm Sài Gòn thì nhóm người bán hàng rong bằng xe gắn máy cũng vừa tới và đợi khách xuống. Theo hành trình, nhóm người bán hàng rong theo đoàn khách cho đến khi về khách sạn, chờ sẵn ở cửa và theo tới điểm ăn tối. Vào buổi sáng, họ cũng đã theo khách từ khách sạn, tới địa đạo Củ Chi hoặc xuống tận Mỹ Tho. Những lúc có nhiều đoàn khách, đội quân hàng rong bằng xe gắn máy sẽ phân chia ra, mỗi xe theo mỗi đoàn, tiếp cận một cách miệt mài cho đến khi khách chịu mua hàng mới thôi. Theo một người bán hàng rong, đi từ sáng tới chiều, thế nào cũng có người mua. Có khi bán được hết cả xe. Với giá mua sỉ chỉ chừng 20.000 đồng/áo, bán lại 100.000 đồng, một chiếc áo lời tới 80.000 đồng.
Du khách bị chèo kéo ở điểm tham quan
Du khách bị chèo kéo ở điểm tham quan - Ảnh: N.T.Tâm
Khi chiếc xe trên dừng lại ở công trường Công xã Paris, trước cửa Bưu điện trung tâm Sài Gòn, đoàn khách châu Âu vừa bước ra khỏi xe thì cả 9 - 10 người bán hàng rong ào tới. Nhóm người bán hàng rong bằng xe gắn máy đuổi theo đoàn khách từ Bảo tàng Chứng tích chiến tranh hòa vào đội ngũ hàng rong đón lõng ở cổng bưu điện đã thường trực sẵn. Họ tập trung ngồi dưới hai gốc cây ở hai bên lối vào bưu điện, hễ thấy khách là nhào ra chặn đường, lôi kéo. Khách trước khi vào phải qua “cửa kiểm soát” của hàng rong.
Kể với Thanh Niên, thanh niên tình nguyện (áo xanh) tên T. trực ở khu vực này khẳng định: “Những người bán hàng rong bằng xe gắn máy có quan hệ thân thiết với tài xế và lơ xe chở du khách. Khi họ đón khách ở sân bay hoặc ở cảng đã thông báo cho người bán hàng rong biết trước để tới. Từ đó, hàng rong theo xe khách suốt cả hành trình. Nếu đoàn khách tàu biển, người bán hàng rong ra tận cảng ở Bà Rịa-Vũng Tàu để đón. Khách ra Nha Trang, người bán hàng rong cũng lên tàu lửa ra tận nơi. Bất kể khách ở đâu, người bán hàng rong cũng biết trước. Thực ra, giữa tài xế, lơ xe với người bán hàng rong bằng xe gắn máy có ăn chia”, anh T. tố cáo. Nhiều hướng dẫn viên du lịch cũng xác nhận việc này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.