(TNO) Mấy ngày nay, dư luận dậy sóng vì nạn 'chặt chém' du khách, còn hơn bão Biển Đông. Các báo tràn ngập thông tin về những 'ảo thuật gia' phù phép và cả ngụy biện cho hành vi của mình, lộng hành như chỗ không ai quản lý. Phải nói là quá nhiễu nhương và trở thành nỗi ám ảnh không chỉ của du khách.
Người đàn ông bán dừa này từng bị công an phạt với tội bán 10 trái dừa giá 105 USD và 150.000 đồng -Ảnh: B.Đằng
|
Lòng tham vốn là thuộc tính của phần "Con" trong mỗi con người trên Trái đất. Lòng tham hiện hữu khắp nơi và trong mọi lĩnh vực. Từ hành vi nhỏ đến những hành động lớn. Do đó, quản lý có nhiệm vụ phòng chống bằng pháp luật, lâu dần thành văn hóa miễn dịch. Tại sao nạn chặt chém diễn ra thường xuyên ở các tỉnh, thành phố du lịch… hơn nhiều địa phương khác? Chỉ có thể kết luận là quản lý nhà nước tại các địa phương đó có vấn đề. Một - năng lực quá kém. Hai - bỏ bê nhiệm vụ. Ba - thỏa hiệp chia phần, cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Không có thứ tư. Nhức nhối hơn, nạn chặt chém lan nhanh như căn bệnh truyền nhiễm. Anh chặt chém tôi thì tôi sẽ chặt chém người khác để bù vào. “Dùi đánh đục, đục đánh săng”.
Đã là buôn bán thì không thể thật thà, cứ phải “ăn gian, nói dối”? Viên chức nhà nước làm việc lơ là, hành dân là “chặt chém” gián tiếp tiền thuế của dân. Xà xẻo của công cũng là ''chặt chém''. Các dịch vụ thì trăm hoa nở rộ. Ngành du lịch đâu có độc quyền vấn nạn này. Từ y tế, giáo dục, vận chuyển, nhà đất, dụng cụ gia đình đến cả đời sống tâm linh… đều tranh thủ "chặt chém" dưới những chiêu bài dịch vụ. Chỉ khác là nghệ thuật phù phép mà thôi. Tuy nhiên, phạm vi bài viết này chỉ xin khu biệt vào nạn "chặt chém" du khách, đang gây bức xúc nhất hiện nay.
Muôn mặt "chặt chém"
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam công khai 6 nỗi sợ hãi của du khách khi đến Việt Nam tại diễn đàn Quốc hội đã có những hiệu ứng tích cực. Ai cũng biết, trừ những cấp quản lý giả vờ không biết, là nạn "chặt chém" lộng hành ở Việt Nam hàng chục năm nay. Đã có nhiều tiếng nói cảnh báo và lên án mạnh mẽ nhưng chưa được lắng nghe, bởi cứ khư khư tự sướng với ưu điểm người Việt “thân thiện, hiếu khách”. Thậm chí, Tổng cục Du lịch vừa công bố đợt khảo sát trên 14.000 du khách quốc tế với chỉ số hài lòng kỷ lục 94,09%, trung bình 5,69%, xấu chỉ 0,22%.
Tuyên bố của Phó thủ tướng, thay mặt chính phủ, thừa nhận các tệ nạn đã tạo niềm tin nhất định đến du khách. Họ tích cực hỗ trợ báo chí công khai các thông tin chặt chém du khách. Từ những trò trấn lột nhỏ lẻ của những gánh hàng rong với trái dừa vài trăm ngàn đến cuốc xe ôm mấy cây số gần triệu bạc. Từ xích lô đến taxi đều có thể tính mấy triệu bạc cho vài chục phút chạy lòng vòng, đến những trò ảo thuật cho “cua sống - chết”, “cua lớn - nhỏ”, “trọng lượng bốc hơi” sau khi luộc, thậm chí ra gió là bốc hơi. Đến việc trấn lột có hệ thống của một số quán ăn, nhà hàng và cả khách sạn, nhà nghỉ. Giá cả tăng mấy chục lần, nếu không "chặt chém" thì gọi là gì?
Nạn chèo kéo, đeo bám du khách xuất hiện đầy rẫy ở trung tâm TP.HCM - Ảnh: B.Đằng
|
Đánh vào tâm lý ham rẻ, người bán sẽ có nhiều cách hạ giá ranh ma. Nào “cua buộc dây trâu” (còn gọi là cua khổ sai) và các loại “ốc, sò nông dân” (trộn đầy bùn đất). Giá bán ghi tổ chảng đập vào mắt người mua bên cạnh chữ ½ kg nhỏ xíu. Các đặc sản thì có “nước mắm muối” (chủ yếu là nước pha muối), “mực khô quạt” (dùng để quạt cho mát, ăn nhạt thếch), “khô mắm” (vì có mùi, hoặc ăn đắng nghét)… Vé máy bay và giá tour thì ghi giá từ… (cực rẻ nhưng gần như không mua được) chứ không có giá chính xác cố định. Tất cả được phù phép để lập lờ hạ giá thành và lừa du khách... Có thể sưu tập thành bộ triển lãm sáng tạo độc chiêu muôn hình vạn vẻ ''chặt chém'' ở Việt Nam. Trong các guide book dành cho khách nước ngoài, đầy rẫy những thông tin đề phòng nhưng khách vẫn bị lừa vì quá nhiều chiêu thức mới…
Thuốc chữa có, quan trọng là có chữa hay không
Nạn "chặt chém" ngày càng lộng hành, ngày càng lan rộng dù nhà nước cũng đã cố gắng. Tuy nhiên, chưa ngăn chặn được do giải quyết nửa vời, cứ hô hào kiểu hội thảo mà thiếu những biện pháp quyết liệt, sợ đụng chạm, sợ trả thù, sợ dây vào những quan hệ rối rắm… Cách hành xử ba phải, “dĩ hòa vi quý'’, “phạt như đùa” làm con bệnh lờn thuốc, người dân mất niềm tin nên có cảm giác là bệnh nan y. Thật ra đó chỉ là những bệnh thông thường kiểu trúng gió, đau bụng, nhức đầu, đau răng, trặc khớp… Do chưa phòng bệnh, lại không được chữa trị từ đầu nên bệnh ngày càng trở nặng, công phá lục phủ ngũ tạng, sức khỏe suy yếu dần nên cứ ngỡ nan y…
Có thể khẳng định: “Chặt chém không phải là bệnh nan y. Càng không phải là bản chất văn hóa của người Việt Nam”. "Chặt chém" chỉ mới nở rộ và bùng phát gần 20 năm nay, chủ yếu là do cách quản lý. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Cái gì do con người tạo ra thì con người cũng có thể xóa bỏ. Nạn "chặt chém" cũng vậy. Quan trọng là có muốn bỏ thật lòng hay không. Gần 15 năm trước, Giám đốc Công ty Du lịch Tây Ninh lúc đó là Trịnh Ngọc Lan đã tiên phong dẹp được nạn ăn xin bầy đàn và bán hàng rong chèo kéo, "chặt chém" ở khu du lịch núi Bà Đen. Chị bảo “Ban đầu cũng “trần ai khoai củ”. Phải năn nỉ, thuyết phục lãnh đạo tỉnh. Rồi thuyết phục cái bang và đội quân hàng rong bằng cái tình. Sắp xếp lại chỗ bán hàng rong với quy định chặt chẽ. Ăn xin thì tạo điều kiện tìm việc khác. Đám đầu têu hăm dọa và chống đối quyết liệt, kéo lên nhà Bí thư Tỉnh ủy ăn vạ. Công an phải vào cuộc cưỡng chế. Cuối cùng, mọi người đều hiểu ra và ủng hộ”.
Nạn hàng rong chèo kéo du khách - Ảnh: Diệp Đức Minh
|
Tôi vào chợ Hội An, cả ngày lẫn đêm đều tinh tươm, ngăn nắp sạch sẽ, niêm yết và bán đúng giá mọi mặt hàng. Không có cảnh lườm nguýt, đốt phong long và rình rập giăng bẫy "chặt chém". Mọi người dân đều có ý thức giữ chân du khách, cả những người bán hàng rong. Ra Cù Lao Chàm và thánh địa Mỹ Sơn cũng vậy. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh khi đó từng gặp mặt thân mật, chúc tết và tặng quà cho anh em chạy xe ôm và xích lô. Họ khoe lại với tôi “Tết được thưởng vài trăm ngàn là sướng lắm. Từ nào tới giờ có ai thưởng cho mình đâu. Lâu lâu khách bo cho vài chục là mừng lắm. Sướng nhất là được Bí thư Thành ủy tiếp, lại còn được quà to. Chúc tết xong ông dặn dò “Đà Nẵng là thành phố du lịch, du khách đến rất đông. Anh em phải cùng nhau làm sao cho khách thấy dân Đà Nẵng thân thiện, hiếu khách. Ai làm ngược lại thì đừng trách tôi nặng tay”. Ông đã nói vậy, chẳng đứa nào dám làm bậy, vì biết tính ông, nói là làm”.
Người Việt qua Lào và Campuchia buôn bán chỉ dám "chặt chém" người Việt, đố dám "chặt chém" dân bản địa. Vì luật pháp nghiêm minh, vì văn hóa cộng đồng sẽ trừng trị đích đáng. Chỉ cần mấy bước cơ bản và giản đơn là giải quyết dứt điểm nạn "chặt chém" ở Việt Nam trong vòng 3 tháng. Một - tăng hình phạt gấp 100 lần tiền thu lợi từ "chặt chém". Rút giấy phép kinh doanh, thậm chí cấm hành nghề vĩnh viễn. Hai - địa phương nào để xảy ra "chặt chém" thì chủ tịch và trưởng công an phải chịu kỷ luật từ cảnh cáo, hạ bậc lương hoặc cách chức. Không có kỷ luật kiểu “Rút kinh nghiệm sâu sắc”, “Phê bình mạnh mẽ”… Ba - động viên, khuyến khích, khen thưởng và bảo vệ du khách cũng như người dân tố cáo hoặc hỗ trợ chính quyền xử lý nạn "chặt chém". Lập đường dây nóng để giải quyết tới nơi tới chốn.
Ba việc không quá khó, hoàn toàn khả thi. Các nước khác đều làm như vậy. Không cần ban bệ, chiến dịch, phong trào gì cả. Cứ theo chức trách mà thực hiện. Nạn "chặt chém" đã làm xấu hình ảnh các địa phương, làm mất thể diện của cả đất nước, đuổi khách qua vùng khác, đến nước khác. Nếu không quyết liệt chữa trị, bệnh sẽ biến chứng làm cơ thể suy kiệt, chết dần mòn. Không ai muốn tự giết mình cả. Đây cũng là dịp chứng minh ISO phẩm chất và năng lực quản lý của chính quyền, là cách PR cho du lịch và cho đất nước hiệu quả nhất.
Bình luận (0)