Ông Nhữ Hồng Hanh, Trưởng phòng Xuất khẩu Công ty cổ phần may Việt Tiến, cho biết Thông tư 116 của Bộ Tài chính ban hành hồi tháng 12.2008 quy định DN phải đăng ký hợp đồng gia công với hải quan trước khi nhập nguyên phụ liệu, DN phải kê khai chi tiết các loại nguyên phụ liệu, số lượng, tỷ lệ phần trăm… Theo ông Hanh, hầu hết DN không thể biết chi tiết các thông số của nguyên phụ liệu trước khi khách hàng làm hợp đồng. Vì vậy họ chỉ liệt kê theo kiểu đối phó rồi sau đó điều chỉnh sau khi xuất hàng.
Công ty giày Nhị Hiệp cho biết đã gần hết một năm giá trị của hợp đồng gia công nhưng hồ sơ của họ vẫn chưa được hải quan cho đăng ký dù công ty đã tốn gấp đôi công sức để kê khai chi tiết nguyên phụ liệu gia công theo quy định mới. Đại diện Công ty giày Liên Phát ở Bình Dương bức xúc về quy định không cho phép DN chuyển tiếp nguyên phụ liệu. DN phải sử dụng hết nguyên phụ liệu cho đơn hàng đã mở tờ khai. Muốn làm đơn hàng khác, DN phải làm tờ khai mở và nhập nguyên phụ liệu mới trong khi khách hàng thì không cấp thêm nguyên phụ liệu cho những đơn hàng tiếp theo vì họ cho rằng đã chuyển chung với đơn hàng trước.
Một số DN phản ánh thủ tục xuất khẩu còn quá rườm rà. Chẳng hạn một nhân viên đi làm thủ tục hải quan phải có giấy giới thiệu, cam kết, giấy ủy quyền của công ty. Cứ một bộ hồ sơ được mở thì phải kèm theo một giấy giới thiệu, giấy cam kết và giấy ủy quyền.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội Da giày TP.HCM kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng Nhà nước cần phải thay đổi những quy định quản lý liên quan đến hàng gia công theo hướng thông thoáng hơn chứ không nên gây thêm khó khăn cho DN.
Minh Quang
Bình luận (0)