Dệt may “sống chung với thiếu điện”

17/05/2011 09:57 GMT+7

Đối phó với cảnh thiếu điện trong mùa khô, nhiều doanh nghiệp dệt may từ đầu mùa đã lên phương án để chủ động đảm bảo duy trì sản xuất.

Hiện đa số các doanh nghiệp may mặc chỉ thực hiện gia công theo đơn đặt hàng. Đảm bảo giao hàng đúng hợp đồng là yếu tố sống còn của ngành này. Trong khi ngành may có đặc thù cần ánh sáng tốt nên đổi ca làm theo giờ thấp điểm về đêm khó có thể thực hiện được.


Nhiều doanh nghiệp dệt may từ đầu mùa đã lên phương án đối phó với thiếu điện - Ảnh: Phan Hậu

Theo các doanh nghiệp, đối phó với tăng giá điện khả dĩ thì còn có thể làm được, nếu mất điện thường xuyên mới là vấn đề khó khăn nhất. Mùa khô năm 2010, việc sản xuất của nhiều công ty đã gặp khó khăn vì tình trạng mất điện, nên nỗi sợ lớn nhất của nhiều doanh nghiệp trong mùa khô năm nay cũng là cắt giảm điện luân phiên. Nếu mất điện kéo dài, doanh nghiệp buộc phải cho công nhân nghỉ việc về quê. Nhưng khi có điện, việc huy động công nhân trở lại rất khó khăn, nhiều trường hợp công nhân có tay nghề được đào tạo cơ bản về quê rồi quay sang làm việc khác, không trở lại công ty nữa. Đây cũng là thiệt thòi đáng kể cho nhiều doanh nghiệp hiện nay.

Sử dụng máy phát diện được xem là giải pháp tình thế để đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn trong mùa khô, nhưng cũng không thể đáp ứng phục vụ hết tất cả các khâu. Ngoài ra, chi phí chạy máy phát cũng tăng cao, bình quân một ngày nếu chạy máy phát điện chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng lên gấp 3 lần, từ 1,5 triệu đồng điện lưới lên đến 5 triệu đồng dùng máy phát. Chi phí cao dẫn đến lợi nhuận của doanh nghiệp giảm, thu nhập của người lao động không đảm bảo.

“Sống chung với thiếu điện” là cách nhiều doanh nghiệp đã thực hiện. Và để đảm bảo hiệu quả sản xuất, nhiều doanh nghiệp đều chọn giải pháp tiết kiệm điện, cải tiến các thiết bị kỹ thuật và phương tiện để sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng. Đồng thời, tính toán hợp lý các chi phí đầu vào khác để giảm giá thành sản xuất nên tất cả hệ thống chiếu sáng đều phải được đầu tư hợp lý nhằm tiết kiệm tối đa nguồn điện và việc bố trí hợp lý giữa các khâu cũng góp phần tiết kiệm điện đáng kể.

Chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Cty cổ phần May 10 cho hay, nếu không triệt để tiết kiệm chi phí đầu vào, trong đó có điện, hàng dệt may trong nước càng khó cạnh tranh, nhất là với hàng dệt may Trung Quốc. Bởi tiết kiệm điện sẽ giảm được 8 - 10% tổng chi phí gia công, giảm đáng kể chi phí sản phẩm.

Một số công ty may gia công nhỏ lại có những mẹo tiết kiệm điện riêng, như thay thế các bóng đèn tiết kiệm điện năng, dùng các tấm tôn mạ kẽm phản chiếu để tăng ánh sáng cho sản xuất. Nhiều công ty cũng thực hiện đổi mới máy móc thiết bị, sử dụng máy may cải tiến hơn để hạn chế thấp nhất việc tiêu tốn điện năng.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp đã trang bị cho máy may bộ EMC sẽ làm giảm điện năng tiêu thụ của máy may khi máy ở chế độ không tải. Giải pháp này có thể tiết kiệm từ 13% - 36% năng lượng tiêu thụ của máy may tùy thuộc vào chế độ vận hành của máy. (Vĩnh Hòa)

THÔNG TIN DỊCH VỤ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.