Dệt may cán đích sớm
Theo Bộ Công Thương, hết tháng 9-2010, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng dệt may đạt trên 8 tỷ USD, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Lê Văn Đạo, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, 3 tháng gần đây thị trường phục hồi rất nhanh (trung bình mỗi tháng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD). Thị trường châu u tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ cũng tăng tới 20%.
Theo ông Đạo, việc ngành dệt may tăng trong bối cảnh chúng ta không đầu tư nhiều, lao động không tăng là điều đáng khích lệ. Điều đó cho thấy, ngành dệt may Việt Nam đã cải thiện đáng kể về công nghệ, tăng năng suất lao động và điểu chỉnh giá hợp lý.
Nhập siêu gần 8,6 tỷ USD Bộ Công Thương cho biết, 9 tháng đầu năm Việt Nam nhập khẩu gần 60,1 tỷ USD, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm ngoái, dẫn tới nhập siêu khoảng 8,6 tỷ USD. Trong đó, nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu kim ngạch đạt 6,7 tỷ USD, tăng gần 50%; nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu gồm hàng tiêu dùng, ô tô 9 chỗ ngồi và xe máy nguyên chiếc, kim ngạch cũng đạt trên 4,2 tỷ USD. |
Ông Đạo cũng cho hay: "Hiện hầu hết các DN dệt may xuất khẩu đã có đơn hàng đến hết năm nay, thậm chí sang các tháng đầu năm 2011. Ngành dệt may có thể cán đích 10,5 tỷ USD xuất khẩu chỉ trong 11 tháng đầu năm".
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Hiệp hội dệt may, hiện các doanh nghiệp dệt may đang gặp khó do bông (nguyên liệu chính của dệt may) trên thị trường thế giới tăng ở mức cao nhất trong vòng 15 năm qua. Do sản xuất bông trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 5%, nên Việt Nam phải nhập bông của Mỹ, Ấn Độ, châu Phi… với giá ở mức 2.000 USD/tấn.
Xăng dầu Dung Quất ứ
Tính đến hết tháng 9-2010, xuất khẩu dầu thô chỉ đạt khoảng 6,1 triệu tấn, trị giá khoảng 3,7 tỷ USD, giảm cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2009. Ông Nguyễn Sinh Khang, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, xuất khẩu dầu thô giảm là do Việt Nam dành dầu cho nhà máy lọc dầu Dung Quất, chứ không phải do sản lượng khai thác giảm.
Ông Khang cho hay, từ khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động chính thức đến nay, gần như nhà máy chạy 100% công suất. Do vậy, sản lượng nhà máy sản xuất được đã vượt 25-30% kế hoạch năm. Tuy nhiên, đây cũng chính là áp lực trong việc tiêu thụ sản phẩm.
"Hiện tại nhà máy còn gần 730.000 m3. Chúng tôi đã làm việc với Tổng Cty xăng dầu (Petrolimex) và các đơn vị đầu mối để tiêu thụ. Tuy nhiên, năm nay, mức tiêu thụ của các đơn vị đầu mối có giảm, hơn nữa họ đang có các hợp đồng đã ký với đối tác nước ngoài. Chúng tôi đã làm việc với Petrolimex, họ rất ủng hộ để tiêu thụ sản phẩm trong nước"- ông Khang nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, dịp cuối năm kim ngạch nhập khẩu thường tăng mạnh do nhu cầu sản xuất, tiêu thụ trong nước cũng như giá thế giới có xu hướng tăng. Trong khi đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta như nông sản, khoáng sản đã huy động gần như tối đa, kim ngạch khó tăng thêm.
Theo ông Biên, Bộ sẽ tăng cường các hàng rào kỹ thuật, sử dụng hàng trong nước, cân đối ngoại tệ, đẩy mạnh xuất khẩu để đảm bảo tỷ lệ nhập siêu dưới 20%.
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)