Trong tổng số gần 250 báo cáo tại hội nghị, giảng viên và sinh viên ĐH Duy Tân đã ghi dấu ấn với 1 giải nhất báo cáo Oral chung cuộc, 1 giải nhì báo cáo Oral và 1 giải ba báo cáo Poster.
Với chủ đề "Tăng cường hợp tác liên ngành về giáo dục và nghiên cứu để giải quyết các vấn đề sức khỏe cộng đồng ưu tiên trong thời đại mới", hội nghị đã thu hút 400 cán bộ y tế, nhà khoa học, các chuyên gia, cán bộ quản lý, giảng viên, nghiên cứu viên, học viên và sinh viên trong nước và quốc tế tham dự với gần 250 báo cáo đăng ký trực tiếp hoặc trực tuyến.
Các đại biểu đến từ 14 quốc gia gồm: Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar, Úc, Đức, Nhật Bản, Ireland, Mông cổ, Nepal, Philippines và Singapore đã mang đến những thông tin vô cùng mới và ý nghĩa trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng hiện nay.
Có 12 phiên chuyên đề được tổ chức tại hội nghị. Các lĩnh vực được đề cập và thảo luận bao gồm:
- Dịch tễ học các bệnh truyền nhiễm và không truyền nhiễm,
- Nâng cao sức khỏe,
- Sức khỏe tâm thần,
- Sức khỏe môi trường - nghề nghiệp,
- Dinh dưỡng & An toàn thực phẩm,
- Đánh giá công nghệ y tế và kinh tế y tế,
- Dịch vụ y tế và quản lý chăm sóc sức khỏe,
- Sức khỏe sinh sản…
Nội dung của các báo cáo tập trung vào các nghiên cứu đột phá và giải pháp đổi mới để giải quyết những vấn đề cấp bách về y tế công cộng trong thời đại mới. Trước mỗi báo cáo, các tiêu chí như tính khoa học, tính mới và độc đáo, tính khả thi, khả năng áp dụng vào thực tiễn… đều được Hội đồng Ban giám khảo đánh giá rất khắt khe. Vượt qua mọi tiêu chí và phản biện tốt trước tất cả các câu hỏi của Hội đồng Ban giám khảo, đề tài "Chi phí điều trị ung thư phổi theo quan điểm người chi trả tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng" của bác sĩ Nguyễn Đắc Quỳnh Anh, giảng viên Khoa Y, Trường Y - Dược (CMP), ĐH Duy Tân đã được trao giải nhất báo cáo Oral chung cuộc tại hội nghị.
Ung thư phổi là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh tật, tử vong cũng như là một chi phí lớn trong chăm sóc sức khỏe ở các nước phát triển và đang phát triển. Với mục đích phân tích chi phí điều trị ung thư phổi từ quan điểm của người nộp viện phí cũng như tìm ra các yếu tố liên quan, nhóm nghiên cứu của bác sĩ Nguyễn Đắc Quỳnh Anh, giảng viên Khoa Y, ĐH Duy Tân đã tiến hành nghiên cứu mô tả cắt ngang, sử dụng phương pháp định lượng kết hợp với phương pháp định tính, thực hiện trên 154 bệnh nhân ung thư phổi tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng từ tháng 5 - 12.2022.
Diễn biến ung thư, phương pháp điều trị và thời gian điều trị là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí điều trị. Chi phí trực tiếp ngoài y tế chiếm tỉ trọng cao trong gánh nặng kinh tế khi điều trị ung thư phổi, cần tập trung hỗ trợ người bệnh yếu thế và nâng cao niềm tin của người bệnh vào phương pháp điều trị chính thống của bác sĩ.
"Y tế và giáo dục là hai lĩnh vực đòi hỏi quá trình học tập và nghiên cứu suốt đời. Đang làm việc trong cả hai lĩnh vực trên, tôi thực sự may mắn khi luôn nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa của Ban giám hiệu ĐH Duy Tân và Ban chủ nhiệm Khoa Y, Trường Y - Dược (CMP) để có cơ hội nghiên cứu và nâng cao kiến thức chuyên môn tại các hội nghị khoa học chuyên ngành quy mô lớn. Hội nghị quốc tế giữa các quốc gia tiểu vùng sông Mekong năm 2023 là hội nghị uy tín mang lại cơ hội gắn kết giữa các nhà nghiên cứu, các trường đại học, viện nghiên cứu trong khu vực", bác sĩ Nguyễn Đắc Quỳnh Anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, với 2 đề tài thiết thực phù hợp với chủ đề của hội nghị gồm: "Kiến thức về sức khỏe điện tử của sinh viên ĐH Duy Tân trong đại dịch Covid-19" và "Hiệu quả đào tạo hồi sức tim phổi cho sinh viên ĐH Duy Tân năm 2022: Hướng dẫn kết hợp giữa AHA và ERC", 2 nhóm sinh viên Khoa Y của ĐH Duy Tân đã vinh dự được trao 1 giải nhì báo cáo Oral và 1 giải ba báo cáo Poster.
Với những thành quả bước đầu và kinh nghiệm thu nhận tại Hội nghị lần này, giảng viên và sinh viên Khoa Y của ĐH Duy Tân có thể tiếp tục nâng cao kỹ năng nghiên cứu khoa học của bản thân, bước đầu xây dựng kết nối giữa ĐH Duy Tân và các trường ĐH có đào tạo khối Khoa học sức khỏe trong khu vực tiểu vùng sông Mekong đồng thời góp phần truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho các bạn sinh viên Khoa Y nói riêng và sinh viên ĐH Duy Tân nói chung.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổ trưởng Trung tâm thực hành mô phỏng y khoa cho biết: "Là người hướng dẫn khoa học cho 2 nhóm sinh viên của ĐH Duy Tân tham dự hội nghị quốc tế giữa các quốc gia tiểu vùng sông Mekong năm 2023, tôi cảm thấy vô cùng tự hào trước sự tự tin, chuyên môn vững vàng và đam mê nghiên cứu khoa học của các sinh viên Khoa Y. Thành tích này đã góp phần ghi nhận công sức và nỗ lực không ngừng của các bạn sinh viên trong quá trình nghiên cứu và chuẩn bị cho hội nghị. Tham dự hội nghị là cơ hội tuyệt vời để giảng viên và sinh viên Khoa Y của ĐH Duy Tân chia sẻ những phát hiện và kết quả nghiên cứu với cộng đồng nghiên cứu trong nước và quốc tế, đồng thời góp sức trong việc xây dựng mạng lưới khoa học và mở ra những cánh cửa mới trong hoạt động nghiên cứu ở tương lai".
ĐẠI HỌC DUY TÂN
- Top 500 Đại học Tốt nhất Thế giới năm 2023 & Top 100+ Đại học Tốt nhất Châu Á năm 2023 theo Bảng xếp hạng Times Higher Education (THE);
- Top 500+ Đại học Tốt nhất Thế giới năm 2024 & Top 145 Đại học Tốt nhất Châu Á năm 2023 theo QS Rankings;
- Trường đạt kiểm định ABET của Mỹ cho khối ngành Công nghệ Thông tin, Điện-Điện tử;
- Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt kiểm định UNWTO TedQual cho khối ngành Du lịch;
- Theo Bảng xếp hạng Times Higher Education (THE) năm 2023:
- Lĩnh vực Khoa học Máy tính thuộc Top 251-300 Thế giới;
- Lĩnh vực Kỹ thuật Công nghệ thuộc Top 251-300 Thế giới;
- Lĩnh vực Kinh doanh & Kinh tế thuộc Top 301-400 Thế giới;
- Lĩnh vực Y tế, Sức khỏe thuộc Top 176-200 Thế giới;
- Theo QS Ranking về Lĩnh vực/Ngành nghề 2023:
- Lĩnh vực Kỹ thuật & Công nghệ: xếp 326 thế giới,
- Lĩnh vực Quản lý và Xã hội: xếp 451-500 thế giới,
- Ngành Du lịch & Giải trí: xếp 51-100 thế giới,
- Ngành Xây dựng: xếp 201-230 thế giới,
- Ngành IT & IS (Máy tính): xếp 301-350 thế giới,
- Ngành Điện-Điện tử: xếp 351-400 thế giới,
- Ngành Môi trường: xếp 401-450 thế giới,
- Ngành Y học: xếp 401-450 thế giới.
Bình luận (0)