ĐH Duy Tân giành giải Nhì, giải Khuyến khích tại SURF 2023 (Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo)

12/10/2023 08:00 GMT+7

Sự phát triển nhanh chóng của môi trường kinh tế - xã hội - kỹ thuật cùng những biến đổi của môi trường sống đang trở thành những vấn đề cấp thiết toàn cầu, yêu cầu con người phải tìm ra nhiều giải pháp công nghệ hỗ trợ.

Lựa chọn nội dung liên quan đến cả 2 vấn đề đang rất "nóng" này, 2 dự án khởi nghiệp đến từ Đại học (ĐH) Duy Tân là:

"Thiết bị Tường lửa - Firewall" đã xuất sắc được trao giải Nhì; và "Sản xuất sợi nhựa in 3D từ vỏ chai nhựa đã qua sử dụng (Green3D Print)" đã nhận giải Khuyến khích tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo SURF 2023.

... ... ... ... - Ảnh 1.

Dự án "Thiết bị Tường lửa - Firewall" của Công ty Giải pháp Acronics, một "startup" của ĐH Duy Tân giành giải Nhì

Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo SURF 2023 nằm trong chuỗi các hoạt động của sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.Đà Nẵng - SURF 2023 do Sở Khoa học và Công nghệ TP.Đà Nẵng tổ chức thường niên. Cuộc thi là cơ hội cho các dự án, ý tưởng khởi nghiệp của các "startup" được tỏa sáng và kết nối với các nhà đầu tư để không chỉ dừng lại ở mặt ý tưởng đơn thuần mà sẽ trở thành các dự án tiềm năng, sớm được thương mại hóa trên thị trường. Vòng sơ khảo của cuộc thi diễn ra vào ngày 7.9.2023 với 30 đội thi và 10 dự án xuất sắc nhất đã được lựa chọn để tiếp tục tranh tài tại Vòng chung kết vào ngày 20.9.2023.

Trong số 10 dự án tranh tài tại Vòng chung kết, ngoài 3 dự án xuất phát từ một cơ sở giáo dục là ĐH Duy Tân còn lại đều của các doanh nghiệp. 3 dự án vào chung kết của ĐH Duy Tân bao gồm:

  • Dự án "Thiết bị Tường lửa - Firewall" của Công ty Giải pháp Acronics, một công ty khởi nghiệp từ ĐH Duy Tân;
  • Dự án "Sản xuất sợi nhựa in 3D từ vỏ chai nhựa đã qua sử dụng (Green3D Print)" được thực hiện bởi STEM & Fab labs thuộc ĐH Duy Tân; và
  • Dự án "Chế tạo các mô hình thực hành kỹ năng trong đào tạo Y khoa" do đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Y - Dược (CMP) thuộc ĐH Duy Tân thực hiện.

Với dự án "Thiết bị Tường lửa - Firewall", Công ty Giải pháp Acronics đã được Ban tổ chức đánh giá rất cao và trao giải Nhì khi tạo ra được một thiết bị An ninh - An toàn mạng mang thương hiệu "Made in VietNam 100%" và có rất nhiều điểm ưu việt như:

  • Làm chủ công nghệ Thiết kế vi mạch, phát triển và tích hợp hệ thống, làm chủ công nghệ lõi (chuyển vị trí từ dưới lên);
  • Không bị cài mã độc, không bị backdoor (do cố định phần cứng);
  • Linh động cập nhật, nâng cấp fireware, không tốn chi phí gia hạn bản quyền như các thiết bị tương ứng của nước ngoài.
... ... ... ... - Ảnh 2.

ĐH Duy Tân thuyết trình về dự án tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo SURF 2023

Trong bối cảnh an ninh mạng ngày càng phức tạp, việc bảo vệ hệ thống mạng của các tổ chức và doanh nghiệp đã và đang trở thành một nhiệm vụ không thể bỏ qua. Bởi vậy, dự án "Thiết bị Tường lửa - Firewall" ra đời đã thực sự góp phần giải quyết được "bài toán" nan giải này. Dự án đã tạo ra một sản phẩm tường lửa mang tính đột phá trong việc sử dụng các công nghệ tiên tiến như FPGA (Field-Programmable Gate Array) kết hợp bộ vi xử lý ARM (Advanced RISC Machine) để đảm bảo hiệu năng và an toàn mạng tối ưu. Đặc biệt, thiết bị cũng tích hợp chức năng mạng Routing và NAT (Network Address Translation) cùng các tính năng bảo mật nâng cao khác. Từ đó, mang lại kết nối mạng ổn định, cho phép phân tích sâu về lưu lượng mạng đang trong hoạt động, đảm bảo an toàn cho luồng dữ liệu mạng và cả các ứng dụng độc lập của doanh nghiệp.

Ngoài ra, sản phẩm cũng được thiết kế để đáp ứng các yêu cầu về hiệu năng và tương thích với những hạ tầng mạng sẵn có. Đã có khách hàng đặt mua và sử dụng sản phẩm "Thiết bị Tường lửa - Firewall" do đội ngũ Công ty Giải pháp Acronics tạo ra và đã có những phản hồi rất tích cực về sự hiệu quả sử dụng, tính bảo mật và chất lượng sản phẩm.

Một dự án nữa cũng đến từ ĐH Duy Tân đã nhận được giải Khuyến khích của cuộc thi là dự án "Sản xuất sợi nhựa in 3D từ vỏ chai nhựa đã qua sử dụng (Green3D Print)": được thực hiện bởi STEM & PAB labs của ĐH Duy Tân.

Trong bối cảnh có đến 481,6 tỉ chai nhựa PET được dùng mỗi năm, 1 triệu chai nhựa PET dùng mỗi phút và thời gian phân hủy mất đến 450 năm nhưng chỉ có khoảng 15%-25% chai nhựa PET sẽ được tái chế, vấn đề này thật sự sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của con người. Do đó, với dự án Green3D Print, nhóm "startup" của ĐH Duy Tân đã tập trung vào việc giảm thiểu rác thải từ chai nhựa và tái chế chúng thành những sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường.

... ... ... ... - Ảnh 3.

Dự án Green3D Print của STEM và Fab labs, DTU giành giải Khuyến khích tại cuộc thi

Cụ thể, nhóm startup đã đưa ra ý tưởng tái sử dụng các chai nhựa đã qua sử dụng để tạo ra các sợi nhựa cho máy in 3D sử dụng công nghệ FDM. Ước lượng giá vốn của 1 đơn vị sản phẩm (hay 1 kg) cho chi phí thiết bị, nguyên liệu, nhân công, năng lượng vào khoảng 42.200 đồng. Vì thế, giải pháp này được đánh giá là có nhiều lợi thế bởi chi phí thấp và tính cạnh tranh trên thị trường cao. Điều ấn tượng nhất của dự án Green3D Print chính là đã hình thành được 3 giải pháp kinh doanh, bao gồm:

  • Cung cấp sợi nhựa in 3D cho các cơ sở giáo dục STEM và các cá nhân sử dụng,
  • Chuyển giao quy trình công nghệ cùng thiết bị để sản xuất sợi nhựa in 3D, và
  • Cung cấp combo máy in chuyên dụng và sợi nhựa in 3D.

Cũng cần thông tin thêm, năm nay Giải Nhất SURF 2023 thuộc về dự án Wetex – "Nền tảng Quản lý chuỗi cung ứng thời trang toàn cầu" của Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ TEX. Dự án tập trung vào thực hiện việc số hóa các nhà xưởng tại Việt Nam và kết nối trực tiếp với các nhãn hàng thời trang quốc tế nhằm giúp các nhà xưởng có được nhiều đơn hàng hơn và các nhãn hàng có một mạng lưới sản xuất đáng tin cậy.

Năm ngoái, cũng tại cuộc thi này, ĐH Duy Tân đã có dự án giành được giải Nhất, đó là "Tủ nuôi đông trùng hạ thảo quy mô hộ gia đình" do TS Nguyễn Thành Trung - Cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Sinh học phân tử (CIMB) của nhà trường cùng các cộng sự thực hiện. Chiếc tủ nuôi này như một phòng nuôi quy mô nhỏ, đáp ứng đầy đủ các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, độ thoáng khí để nuôi loại dược liệu quý là đông trùng hạ thảo.

... ... ... ... - Ảnh 4.

Dự án "Tủ nuôi đông trùng hạ thảo quy mô hộ gia đình" giành giải Nhất tại SURF 2022

Với những dự án khởi nghiệp không chỉ mang tính sáng tạo mà còn đáp ứng được những nhu cầu cấp bách trong đời sống xã hội và khả năng thương mại hóa cao, được thực hiện bởi đội ngũ các nhà nghiên cứu xuất sắc, ĐH Duy Tân đã và đang cho thấy nỗ lực của nhà trường trong việc khuyến khích và hỗ trợ các tiềm năng sáng tạo, khởi nghiệp trong môi trường giáo dục đại học, góp phần vào sự phát triển của xã hội, cũng như tạo ra những sản phẩm công nghệ có giá trị cho cộng đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.