ĐH Duy Tân tại Hội nghị CDIO Quốc tế lần thứ 12 năm 2016 ở Phần Lan

26/06/2016 08:00 GMT+7

Diễn ra từ ngày 12 - 16.6 tại Đại học (ĐH) Khoa học Ứng dụng Turku, TP. Turku (Phần Lan), Hội nghị CDIO quốc tế thường niên lần thứ 12 có sự tham gia của 283 đại biểu đến từ 31 quốc gia.

“Tăng cường năng lực sáng tạo thông qua các tiến bộ trong giáo dục kỹ thuật”
Hội nghị CDIO Quốc tế thường niên là một diễn đàn lớn để các học giả từ khắp nơi trên thế giới cùng bàn luận, trao đổi kinh nghiệm về việc triển khai và ứng dụng mô hình CDIO. Đã có 100 bài báo Full Paper được báo cáo trong tổng số 239 bài báo đăng ký.
Tham gia Hội nghị lần này, các trường ĐH đến từ VN có 7 bài báo được chấp nhận và là quốc gia xếp thứ 5 trong tổng số các quốc gia có bài đăng tại Hội nghị (sau Thụy Điển 38 bài, Phần Lan 23 bài, Canada 10 bài và Trung Quốc 8 bài). Trong đó, ĐH Duy Tân là ĐH đến từ VN có 4 bài báo Full Paper và 1 bài Work in Progress.
Tham dự CDIO Quốc tế lần thứ 12 là các nhà quản lý, các chuyên gia, đại diện các tập đoàn công nghệ, các kỹ sư, giảng viên và sinh viên của 31 trường ĐH đào tạo khoa học kỹ thuật hàng đầu thế giới.
Tiêu biểu là sự góp mặt của các diễn giả nổi tiếng như: TS. Riitta Rissanen - Giám đốc Điều hành Hiệp hội Hiệu trưởng các trường ĐH Khoa học Ứng dụng tại Phần Lan; Benedict Cheong - CEO của Quỹ Temasek, Singapore; TS. Kawashima - Giám đốc Viện nghiên cứu Lão hóa - Ung thư, ĐH Tohoku, Nhật Bản; Giáo sư Kỹ thuật Điện tử - Vật lý, TS. Somerville - Cố vấn Đặc biệt của Hội đồng trường ĐH Olin, Hoa Kỳ...
Hiện tại, đã có hơn 125 trường ĐH trên thế giới áp dụng mô hình CDIO nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo. Hội nghị CDIO Quốc tế năm nay là diễn đàn lớn để các học giả tập trung bàn luận nhiều vấn đề xoay quanh chủ đề chính: “Tăng cường năng lực sáng tạo thông qua các tiến bộ trong giáo dục kỹ thuật”.
Đặc biệt, nhiều nghiên cứu của các học giả nhấn mạnh vai trò của việc xây dựng các hệ thống mô phỏng hỗ trợ việc giảng dạy ĐH. Đây cũng là hướng đi mà ĐH Duy Tân đã triển khai trong nhiều năm qua, mà tiêu biểu là nhà trường đã xây dựng được các phòng Lab mô phỏng thực tế và thực tại ảo (CVS) hỗ trợ trong giảng dạy các môn Quản trị Chiến lược, Ngân hàng, Giải phẫu, thực hành Điều dưỡng...
Dấu ấn của ĐH Duy Tân tại Hội nghị CDIO Quốc tế 12
Tại Hội nghị, ĐH Duy Tân được đánh giá là một trong những trường đại học năng động có nhiều đóng góp tích cực đối với cộng đồng CDIO
Trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội CDIO từ năm 2012, ĐH Duy Tân đã không ngừng tìm hiểu, học hỏi và áp dụng hiệu quả mô hình CDIO vào khối ngành Kỹ thuật - Công nghệ; đồng thời tăng cường hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước. Thông qua các báo cáo tại Hội nghị, ĐH Duy Tân đã chia sẻ các kinh nghiệm bổ ích thu nhận được từ quá trình triển khai mô hình CDIO trong nhiều năm qua, góp phần hỗ trợ các trường ĐH khác xây dựng chiến lược áp dụng, phát triển mô hình CDIO một cách phù hợp, hiệu quả.
5 chủ đề tham gia báo cáo của ĐH Duy Tân tại Hội nghị CDIO 12 gồm: Tính hiệu quả của phương pháp đánh giá bằng mô hình P-B-P lên quá trình học tập nhóm trong giảng dạy các ngành kỹ thuật (Trần Lê Thăng Đồng, Hà Đắc Bình và Lê Nguyên Bảo); Sử dụng Facebook như một kênh giao tiếp bổ sung cho phương pháp giảng dạy tích cực (Trương Tiến Vũ, Lê Nguyên Bảo và Nguyễn Tấn Thuận); Nghiên cứu điều tra về các rào cản địa xã hội ảnh hưởng đến việc phát triển các chương trình đào tạo kỹ sư Xây dựng tại VN (Nguyễn Thế Dương, Trần Văn Đức, Dương Minh Châu và Nguyễn Chiến Thắng);
Kỹ thuật thiết kế đồ án nhằm tối ưu hiệu suất học tập trong ngành Kiến trúc (Lương Xuân Hiếu và Lê Nguyên Bảo); Trải nghiệm đồ án tích hợp Thiết kế-Xây dựng trong ngành Công nghệ Môi trường (Nguyễn Thị Minh Phương và Trần Nhật Tân).
Ghi nhận những đóng góp tích cực của ĐH Duy Tân đối với cộng đồng CDIO, cùng với việc là thành viên tích cực trong khu vực châu Á, có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai mô hình CDIO và có nhiều sinh viên đã đạt được các giải thưởng quốc gia, quốc tế về lĩnh vực Kỹ thuật - Công nghệ, Hiệp hội CDIO đã chính thức chọn ĐH Duy Tân là đơn vị đăng cai Hội nghị vùng châu Á về CDIO năm 2018.
Ngoài ra, ĐH Duy Tân cũng là đại diện duy nhất từ châu Á tham dự Hội nghị có đại biểu ứng cử chức danh thành viên mở rộng của Hội đồng CDIO (CDIO Council 2018).
Song song với Hội nghị CDIO Quốc tế là Cuộc thi CDIO Academy 2016 - sân chơi lớn dành cho sinh viên khối ngành Khoa học Kỹ thuật. Tại cuộc thi, sinh viên Tôn Thất Bình, K-18 chuẩn CMU của ĐH Duy Tân đã vinh dự là thành viên chính của nhóm đoạt Cúp Vô địch CDIO Academy 2016.
Trước đó, với dự án “Sản phẩm Lọc nước giá rẻ tự làm dành cho người dân nông thôn”, sinh viên ĐH Duy Tân đã giành Cúp Vô địch của Cuộc thi CDIO Academy 2013, được tổ chức ở Đại học Harvard và Học việc MIT (Hoa Kỳ).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.