ĐH Quốc gia TP.HCM: Hướng đến tự chủ, đổi mới sáng tạo

14/01/2019 08:00 GMT+7

Qua 23 năm xây dựng và phát triển, đến nay ĐH Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-TP.HCM) đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, khẳng định tính đúng đắn của mô hình ĐH đa ngành đa lĩnh vực trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam.

Năm 2019 ĐHQG-TP.HCM hướng đến xây dựng cơ chế tự chủ ĐH đổi mới và sáng tạo.

Đẩy mạnh công bố khoa học, chuyển giao công nghệ

Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ là một trong những nhiệm vụ, sứ mạng hàng đầu của một trường ĐH. Chính vì thế ĐHQG-TP.HCM luôn chú trọng đẩy mạnh nhiệm vụ trọng yếu này. Trong giai đoạn 2013-2018, ĐH này đã công bố 3.675 bài báo trên các tạp chí quốc tế trung bình (tăng khoảng 15% năm) và số bài báo thuộc danh mục SCI, SCIE là 2.198 bài. Trong đó, trên 50% bài báo đăng trên các tạp chí chất lượng cao được xếp hạng Q1, vượt tỷ lệ trung bình của cả nước là 39%.
Bên cạnh hoạt động công bố khoa học, tài sản trí tuệ của ĐHQG-TP.HCM được thể hiện qua các bằng sở hữu trí tuệ (SHTT) đạt nhiều kết quả khả quan. Tổng số đơn đăng ký bảo hộ SHTT của toàn hệ thống tính đến tháng 10.2018 là 423 đơn. Trong đó, 155 đơn được cấp bằng, đạt tỷ lệ 37% và hơn 50% số này là các sáng chế giải pháp hữu ích cũng như thiết kế bố trí mạch tích hợp hứa hẹn trở thành các đối tượng SHTT tiềm năng mang tính thương mại cao. Trong giai đoạn từ năm 2013 đến tháng 9.2018, doanh thu chuyển giao công nghệ của ĐH này đạt bình quân 200 tỉ đồng/năm.
Đến nay ĐHQG-TP.HCM đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu theo hướng hiện đại, tập trung. Trong đó, hệ thống 60 phòng thí nghiệm (PTN) với trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo theo các chương trình KH-CN. Trong đó nhiều PTN đã tạo được thương hiệu trong giới doanh nghiệp và xã hội như: Điều khiển số - Kỹ thuật hệ thống, Vật liệu Polymer-Composite, Công nghệ Nano, Công nghệ sinh học phân tử... Hiện nay, ĐHQG-TP.HCM đang tập trung xây dựng và phát triển các PTN trọng điểm cấp ĐHQG-TP.HCM với mục đích tạo nên những tập thể nghiên cứu mạnh, các trung tâm xuất sắc có khả năng tạo đột phá trong KH-CN.
Từ hệ thống phòng thí nghiệm này, nhiều chương trình phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương được ĐHQG-TP.HCM thực hiện tại các tỉnh ĐBSCL, Tây nguyên, Trường Sa, Đồng Nai…

Lần đầu tiên vào nhóm 701-750 ĐH thế giới

PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc ĐHQG-TP.HCM trao quà lưu niệm cho đại diện AUN-QA trong đợt đánh giá kiểm định cấp trường theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA của Trường ĐH Quốc tế ĐHQG-TP.HCM
PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc ĐHQG-TP.HCM trao quà lưu niệm cho đại diện AUN-QA trong đợt đánh giá kiểm định cấp trường theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA của Trường ĐH Quốc tế ĐHQG-TP.HCM
Không những thế, ĐHQG-TP.HCM hiện còn dẫn đầu cả nước về các chương trình đạt chuẩn khu vực và quốc tế với 45 chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn chất lượng theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA, 9 chương trình đạt chuẩn châu Âu và Hoa Kỳ. Ngoài ra, Trường ĐH Bách khoa còn có 2 chương trình đầu tiên của Việt Nam được công nhận đạt chuẩn mức 3 của ABET giai đoạn 2014-2020.
Về xếp hạng ĐH, năm 2017 ĐH này đã vươn lên xếp hạng 142 châu Á theo bảng xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds), tăng 5 hạng so với năm 2016. Đặc biệt, năm 2018 đánh dấu bước tiến vượt bậc của ĐHQG-TP.HCM khi lần đầu tiên được xếp vào nhóm 701-750 trong bảng xếp hạng ĐH thế giới QS World University Rankings. Điều này thể hiện sự quyết tâm nỗ lực của toàn hệ thống cũng như tính đúng đắn của Đảng, Nhà nước khi ưu tiên đầu tư xây dựng mô hình ĐHQG.

Hướng đến tự chủ đổi mới sáng tạo

Sinh viên học tập tại thư viện Trường ĐH Kinh tế - Luật - ĐHQG-TP.HCM
Sinh viên học tập tại thư viện Trường ĐH Kinh tế - Luật - ĐHQG-TP.HCM
Tiếp bước những thành tựu trên, ĐHQG-TP.HCM lấy chủ đề “Tự chủ ĐH - Đổi mới sáng tạo” triển khai hoạt động trong năm 2019 nhằm nâng cao chất lượng hoạt động về mọi mặt.
Theo đó, sẽ đổi mới cơ chế hoạt động của một số đơn vị thành viên trong hệ thống như Trường ĐH Công nghệ thông tin, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH Bách khoa. Hoàn tất việc chuyển Trường ĐH An Giang trở thành thành viên trong hệ thống; sáp nhập một số đơn vị, tinh gọn bộ máy hoạt động…
Bên cạnh đó đổi mới phương pháp dạy và học, thu hút và tuyển chọn sinh viên giỏi, triển khai các chương trình việc làm và khởi nghiệp cho sinh viên, đẩy mạnh triển khai liên thông đào tạo trong toàn hệ thống, cải tiến tuyển sinh…
Về khoa học công nghệ, sẽ tập trung đầu tư vào các tổ chức khoa học và công nghệ trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy thương mại hóa cao; phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp…
Năm 2019, ĐHQG-TP.HCM sẽ có những bước đi vững chắc và triển khai hiệu quả kế hoạch bằng sức mạnh hệ thống. Phấn đấu để xứng đáng là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành đa lĩnh vực, chất lượng cao, làm nòng cốt trong hệ thống giáo dục Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.