Thói quen mới
Cứ đến chiều tối mỗi ngày là khu vực phố Tống Duy Tân (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại tấp nập các quán hàng ăn đêm. Hầu hết các cửa hàng đều đặt bảng mã VietQR trên các tủ, kệ để khách hàng có thể thanh toán, từ ly nước trà, cho tới chiếc bánh mì, bát phở, bún, gói xôi... thông qua smartphone thay vì tiền mặt.
Bà Bình, chủ một cửa hàng nhỏ bán xôi, bánh mì, bún, phở, cho biết: "Khách đến ăn hàng tôi xong rút điện thoại ra trả tiền còn nhiều hơn người dùng tiền mặt. Mà thật sự rất thuận tiện, chỉ cần quét mã QR xong là tiền đã chuyển vào tài khoản của tôi rồi. Ban đầu tôi cũng băn khoăn vì mình chẳng biết gì về công nghệ cả, nhưng thấy các cửa hàng xung quanh đều đã áp dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt nên cũng làm theo.
Được nhân viên ngân hàng hướng dẫn, sau khi mở tài khoản và tạo cho bảng mã QR, cứ nghĩ chắc chẳng mấy ai dùng, mua gói xôi cái bánh mỳ, có ít tiền lẻ thì họ đưa luôn cho nhanh. Nhưng không ngờ nhiều người dùng lắm. Nhất là mấy cô cậu trẻ, kể cả mua từ chai nước đến gói xôi họ đều lấy điện thoại ra quẹt trả tiền, thay vì móc ví, tôi cũng chẳng cần phải trả lại tiền thừa", bà Bình nói.
Chủ một quán phở đêm khá đông khách tại phố Tống Duy Tân kể: phải luôn tay thái thịt, làm phở cho khách, nên quét mã QR rất tiện lợi cho cả người bán lẫn người ăn. "Khách chỉ dùng điện thoại quét mã QR, còn tôi không phải dừng công việc lại để thu tiền và trả tiền thừa cho khách nữa, vừa nhanh gọn, chính xác lại vừa tiết kiệm thời gian, hạn chế tiếp xúc", chủ quán này nói.
Anh Trần Thanh Hà, một nhân viên văn phòng có trụ sở ở phố Cửa Nam gần đó ra ăn phở tối, cho biết hơn 1 năm nay anh hầu như không dùng tiền mặt để mua hàng hóa. Từ xăng xe máy, đến đồ ăn hàng ngày, hay mua sắm áo quần và những vật dụng khác đắt tiền như tivi anh đều quét mã QR để thanh toán. "Nó nhanh và tiện lợi, không phải mang theo quá nhiều tiền mặt. Bây giờ ngay cả quán trà đá vỉa hè cũng có mã QR để cho khách thanh toán", anh Hà nói.
Tại một quán cháo gần đó cũng tương tự. Anh Vinh cùng vợ vào quán mỗi người gọi một bát cháo có giá 30.000 đồng, khi ăn xong số tiền cần thanh toán là 60.000 đồng, anh nhanh chóng rút điện thoại thanh toán qua mã QR đã được chủ cửa hàng đặt sẵn trên bàn.
Anh Vinh chia sẻ: "Khi tôi thanh toán tiền ăn thì anh chủ quán vẫn đang phục vụ những khách hàng khác, việc thanh toán không dùng tiền mặt này thực sự tiện lợi cho cả khách lẫn chủ quán, bởi như tôi không cần phải mang theo ví, còn chủ quán không cần dừng tay để nhận tiền từ khách".
"Chia tay" với tiền mặt
Đến nay, rất nhiều các dịch vụ lớn nhỏ tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… đều đã phổ biến áp dụng phương thức thanh toán qua mã VietQR. Từ các siêu thị, các trung tâm thương mại, chợ truyền thống và cả những shiper đưa hàng đều sử dụng mã VietQR để thanh toán, rất thuận tiện, nhanh gọn mà không cần mang theo nhiều tiền mặt.
Một thống kê mới đây của Payoo, nền tảng thanh toán phổ biến tại Việt Nam, cho thấy mảng đồ ăn thức uống (F&B) tăng trưởng mạnh nhất về số lượng giao dịch sử dụng QR code. Năm 2022 tăng đến 79% về số lượng và 90% về giá trị giao dịch.
Các lĩnh vực khác như thời trang, điện tử hình thức thanh toán này cũng ghi nhận mức tăng trưởng gần 50% cả về số lượng lẫn giá trị. Không những thế, số tiền thanh toán bằng QR code đang tăng lên, không còn giới hạn ở các khoản nhỏ như trước nữa.
Cụ thể, giá trị đơn hàng trung bình của ngành siêu thị từ 600.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng, cửa hàng tiện lợi từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, ngành thời trang từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Trang sức, phụ kiện từ 5 triệu đồng đến 6 triệu đồng. Điện thoại và điện máy có giá trị đơn hàng cao, từ 5 triệu đồng hoặc có những đơn hàng lên tới hơn 20 triệu đồng…
Còn theo số liệu của Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), nếu năm 2021 cả nước mới đạt hơn 1,1 triệu giao dịch bằng mã VietQR thì năm 2022 đã tăng nhanh lên tới hơn 120 triệu giao dịch.
Trải qua đại dịch Covid-19, thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi, chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt bởi sự thuận tiện, an toàn và nhanh chóng. Các doanh nghiệp vì thế cũng áp dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Trong bối cảnh đó, VietQR đã có những đóng góp to lớn cho sự chuyển đổi này.
Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc NAPAS, cho biết VietQR không chỉ là mã QR giúp liên thông thanh toán giữa tài khoản các ngân hàng, mà bất cứ ai có thể chủ động tạo mã để thuận tiện trong việc thanh toán, nên phù hợp với mọi đối tượng, từ các cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, siêu nhỏ.
Mã VietQR cho phép khách hàng chuyển tiền từ tài tài khoản của mình tới tài khoản tại một ngân hàng khác trong mạng lưới của NAPAS theo phương thức chuyển tiền nhanh 24/7 (thực hiện theo thời gian thực, 24 giờ trên/ngày và 7 ngày/tuần), với hạn mức tối đa của một giao dịch là dưới 500 triệu đồng.
Người dùng cũng không phải mất phí khi sử dụng phương thức thanh toán này. NAPAS kỳ vọng người dân sẽ có thói quen sử dụng điện thoại di động để quét mã VietQR để chuyển tiền và thanh toán.
Bình luận (0)