Hỏi thăm mới vỡ lẽ - chẳng phải họ không thích mà nói thẳng ra là sợ. Ở VN không có chỗ cho người đi bộ, lề đường thì bị lấn chiếm để buôn bán, giữ xe và làm cảnh quan riêng. Xớ rớ đứng lâu trước cửa là bị chửi. Lề đường còn là nơi xe máy lách bạt mạng khi lòng đường kẹt cứng. Mỗi lần băng qua đường, khách cứ phải dáo dác, nhảy loi choi vì “đèn đỏ được quẹo phải”. Người Việt cũng ngán, huống chi người nước ngoài. Nhiều cầu mới xây và cả đường dẫn không hề có lối cho người đi bộ. Ngay cả quốc lộ nhiều nơi không có lề, người đi bộ bình thường đã vậy - người tàn tật di chuyển còn khốn khổ hơn. Nhìn qua nước Lào, nghèo hơn VN nhiều mà giao thông họ vẫn tươm tất. Tất cả những đường phố ở thủ đô Vientiane đều có lối đi riêng cho người tàn tật. Đèn tín hiệu các ngã tư chỉ cho phép lưu thông một chiều. Quốc lộ hẹp hơn nhưng chừng vài km là có chỗ riêng cho các xe cần dừng lại…
Không hiểu tại sao trong xây dựng các cầu và đường dẫn mới, người ta đã cắt mất tiêu chuẩn của người đi bộ? Cuối năm ngoái, một thương binh đi xe lăn trên đường về nhà bị xe gắn máy đụng chết tại Q.3 (TP.HCM). Công an đã không khởi tố người đi xe máy vì cho rằng xe lăn là xe 3 bánh - mà xe 3 bánh bị cấm lưu thông. Nghĩa là người thương binh có lỗi vì đi vào đường của xe gắn máy. Khổ nỗi, làm gì có đường cho xe lăn? Thậm chí một thạc sĩ luật còn trách nạn nhân “sao không đi xe lăn trên vỉa hè?” Xin thưa, vỉa hè người đi còn không được làm sao xe lăn đi nổi. Lập luận kiểu đó, người đi bộ qua các cầu Nguyễn Văn Cừ, Kênh Xáng… nếu bị đụng chết thì ráng chịu vì ai bảo đi vào đường của xe máy - bởi cầu không có lối đi cho họ...
Chẳng lẽ người tàn tật thì không được ra đường bởi không có đường dành cho họ? Người đi bộ cũng vậy. Tốt nhất là ngồi lên xe máy cho chắc ăn, chưa kể đi bộ thì tha hồ hít khói - bụi và chịu đựng tiếng ồn nhiều hơn do thời gian di chuyển chậm hơn và lâu hơn. Xin đừng trách người Việt không chịu đi bộ, không mặn mà đi xe buýt. Kính mời các nhà “đại thiết kế”, “đại nghiệm thu”… thử vi hành làm người đi bộ, làm người tàn tật ra phố, thử đi xe buýt… để hiểu hơn nỗi sợ hãi, để có hành động khắc phục cụ thể chứ không phải là những lời trách cứ vô tâm.
Nguyễn Văn Mỹ
Bình luận (0)