Đi bộ trong cô đơn - Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

03/06/2018 11:00 GMT+7

Sa đi lẫn vào sương, mắt thường không còn nhìn thấy. Phố núi về đêm sương mịt mờ giăng như một vùng cấm địa.

Khách du lịch hay người ở nơi khác đến đều rất ngại ra ngoài vào giờ này vì họ sợ không tìm thấy đường về. Chỉ những người cô đơn mới đi một mình trong sương lạnh. Hoa nghĩ vậy khi đứng trên ban công nhìn vào màn sương và mường tượng chồng mình đang đi bộ, đầu cúi, hay tay đút túi quần, miệng ngậm chặt những ngôn từ đắng ngắt. Họ vừa mới cãi nhau, đúng hơn là chỉ có mình Sa vùng vằng to tiếng. Hoa im lặng ngồi trước lò nướng bánh mường tượng ra từng chiếc bánh quy đang trở mình nóng bỏng.
- Em đang nghĩ gì vậy?
- Đừng tưởng anh không biết em đang nghĩ những gì. Em nghĩ những lời thiên hạ xì xào bàn tán là đúng chứ gì?
Hoa ngồi canh chừng mẻ bánh quy vừa làm cho con gái, tay vẫn còn dính bột. Chị nghĩ có lẽ nên pha một ấm chè để anh có thể ngồi xuống và bình tĩnh lại. Nhưng Sa vẫn đi quanh nhà, tay chống cằm, thỉnh thoảng lại vung lên gằn giọng.
- Là em không tin anh chứ gì? Là em tin người ta chứ gì? Ở ngoài kia người ta đổ lên đầu anh đủ lời xỉ vả. Vậy mà em chỉ im lặng là sao?
Hoa ngước lên, ánh mắt như đang muốn hỏi chồng “chứ giờ anh muốn em nói gì?” Nhưng Sa không nhìn vợ, anh bước lại cửa sổ nhìn ra ngoài màn sương. Ánh đèn đường đỏ oạch cô đơn, co cụm nguồn sáng tụ lại thành từng giọt. Chè đã pha xong đặt trên bàn. Bánh quy cũng vừa ra lò nóng hổi. Bình thường Sa sẽ ngồi xuống bàn uống chè và nhấm nháp vài chiếc bánh trong lúc xem chương trình thế giới động vật. Cũng có khi Sa ngồi đó đối thoại với chính mình về một việc gì đó trong ngày. Rất ít khi hai vợ chồng ngồi nói chuyện với nhau. Họ không có gì để nói hoặc không cần đến ngôn từ cũng có thể hiểu được nhau. Họ thường chỉ nói với nhau khi có sự xuất hiện của hai đứa trẻ. Trẻ con thường thích ồn ào. Chúng không hiểu ngôn từ sinh ra để làm gì nếu không phải để giao tiếp với nhau. Ừ nhỉ, đến ngay cả những chiếc bánh quy cũng biết nở hoa trên môi lũ trẻ.
*
Hoa nhìn đồng hồ, còn hai tiếng nữa sương mới bắt đầu tan. Sa làm gì khi luẩn quẩn trong đám sương mù ấy? Phố núi thật ra nhỏ lắm, quanh quẩn những phận người sống bám vào khách du lịch đến đây mỗi ngày. Nhà ngoài mặt đường thì bán hàng ăn, cho thuê nhà nghỉ. Nhà sâu phía trong thì làm nhà vườn mùa nào quả ấy bán vé cho khách ghé thăm. Số còn lại đổ dồn về các chợ buôn bán đủ các loại mặt hàng. Từ thuốc nam lấy trên núi, hàng thổ cẩm tự dệt ở nhà đến cả các món sơn hào hải vị mua từ thành phố về bán lại cho người thành phố. Giờ này biết đâu sẽ có vài quán cà phê mở cửa đón những người lạc đường trong sương. Cà phê ấm và vài tiếng người sẽ giúp Sa bớt cô đơn. Sẽ vỗ về nỗi bất an hoảng loạn của một người đàn ông cả đời không biết to tiếng với ai bao giờ. Vậy mà vừa mới đây thôi đã trở thành chủ đề xì xèo của những người hàng xóm. Vừa mới đây thôi Sa còn to tiếng với vợ mình. Chỉ vì có ai đó nói đêm qua họ nhìn thấy Sa hôn một cô gái lạ ngay bên cột đèn đường số 7, chỗ khúc cua lên dốc đứng. Cái tin cứ lan đi như nước chảy. Sa đi đến đâu cũng thấy người ta chụm đầu nhau to nhỏ. Ai là kẻ đã tung ra thứ tin đồn chết người ấy? Đâu ai biết. Kẻ nói ra cũng có thể đã quên chính câu chuyện của mình. Để sáng mai ra chợ thấy người ta chụm đầu nói về nó thì ngạc nhiên hỏi “Ủa, có chuyện đó thật sao?”.
Phiền một nỗi đúng là đêm hôm trước Sa bỗng nhiên thức dậy, mở cửa và đi ra đường. Đi một cách vô thức dưới hàng cây vàng vọt ánh đèn. Vào giờ đó sương chưa xuống, trời chưa lạnh. Mọi người đều đã đi ngủ sau một ngày chạy theo khách du lịch đến mệt lử. Vài hàng quán còn mở cửa, khách du lịch ồn ào ăn uống. Mấy gã say loạng choạng bước ra khỏi quán nghêu ngao hát một câu gì đó. Không khí trong lành thật dễ chịu. Rác rưởi do khách du lịch vứt bừa bãi cũng đã được lao công thu dọn lại. Một tiếng trước Sa nghe thấy chiếc xe chở rác đã ì ạch quay đầu rời phố. Hình như chỉ khi về đêm phố mới thuộc về Sa. Ban ngày với những bán mua, ồn ã và cả lọc lừa dối trá khiến Sa thấy xấu hổ không muốn bước ra ngoài. Người ta sẵn sàng hét giá cắt cổ với khách Tây. Bán vài loại cây rừng vớ vẩn băm nhỏ phơi khô mà lừa khách đó là thần dược. Trẻ con thích nghỉ học đi bán hàng rong, đi xin tiền khách du lịch. Ngay cả những người già trong phố cũng gắn niềm vui đời mình vào những lượt khách qua lại, mòng nóng có ai đó dừng chân mua vài món đồ lưu niệm làm quà. Sa không có gì để bán cho khách đến đây. Dù thỉnh thoảng cũng có người tìm đến phòng tranh của anh để xem hoặc hỏi mua tranh. Họ thường là những người không ưa ồn ã. Họ tha thiết muốn có một bức tranh của Sa để mang về thành phố. Dĩ nhiên Sa không khước từ những người yêu tranh thực sự. Họ có quyền trả giá theo giá trị mà họ cảm nhận về bức tranh muốn mua. Sa luôn gật đầu mà chẳng bao giờ kêu ca đắt rẻ. Đấy là cách để Sa thấy thứ mình đưa cho họ nó không phải là một món hàng.
Sa không gặp cô gái nào trên đường. Hoặc anh không để tâm đến những cô gái bán hoa vẫn lượn qua lượn lại tìm khách trên đường. Nên ai đó đứng hôn nhau ở cột đèn số 7 chắc chắn không phải là Sa. Nhưng Sa không có quyền giải thích. Vì những người bàn tán câu chuyện đó họ không cần bất cứ lời giải thích nào. Họ nói cho vui miệng. Cũng có thể chuyện đôi trai gái đứng hôn nhau chỉ là bịa đặt. Phố núi này nhạt nhẽo đến mức họ nghĩ ra vài câu chuyện gì đó mua vui. Rồi họ quên mất luôn thật, ảo. Quên mất chuyện gì từng diễn ra còn chuyện gì chỉ là tưởng tượng. Họ trộn lẫn thật, giả vào nhau nhẹ như một hơi thở. Biết đâu một ngày nào đó khách du lịch tìm đến đây không phải vì cảnh đẹp mà để tìm kiếm xem thật, giả thế nào.
Cứ như thể phố chìm đắm trong màn sương sẽ khác với phố lúc ồn ào. Làm sao để Hoa hiểu rằng đó chỉ câu chuyện qua trí tưởng tượng của một người ảo giác. Sa không giữ nụ hôn nào cho riêng mình cả. Lâu lắm rồi Sa không hôn vợ mình và môi má các con. Cây cột đèn số 7 vẫn đứng đó im lìm. Sa chợt nghĩ chẳng phải sự im lặng nào cũng dễ chịu. Nhân chứng cho câu chuyện hoang đường này lại chỉ có cái cột đèn. Nếu Hoa hỏi một câu gì đó dù chỉ là bâng quơ thì đã có cái cớ để giải thích với nhau. Đằng này Hoa lại không hỏi gì. Đàn bà thường im lặng với rất nhiều nghi hoặc.
Sa lẫn vào màn sương. Sương xuống dày đặc đến mức chỉ nhìn được lờ mờ ở khoảng cách một mét. Sa chỉ còn nghe thấy tiếng giày của mình nện cồm cộp xuống đường. Sa bỗng nhiên nhớ đến một vài người mất tích trong sương. Đó là người đàn bà tên Trà, cũng đi vào màn sương lúc ba giờ sáng. Vào cái hôm thiên hạ rỉ tai nhau rằng đứa con trong bụng chị ta là của người cha dượng. Người cha đã làm việc cực nhọc để cùng mẹ nuôi Trà suốt mười ba năm trời. Người đã bao bọc, chở che và coi Trà như đứa con gái ruột. Người vừa mới mất cách đó vài tuần khi đưa khách du lịch đi thăm quan thác nước. Người chết thì không biết mở mồm. Người sống có nói cũng không ai muốn nghe. Ánh mắt người mẹ già cứ găm vào chiếc bụng chửa của Trà. Hôm đó Trà đi lẫn vào sương rồi mất tích. Cửa nhà Trà vẫn mở, trên bếp ấm nước sôi đã cạn. Hơi nước đọng trên tường chảy thành từng giọt. Người thứ hai mất tích đã hơn năm mươi tuổi. Người ta đổ cho ông ăn trộm đồ của khách. Dù ông đã nhiều lần nói “không, cả đời tôi chưa bao giờ biết lấy trộm thứ gì”. Nhưng tiếng ông vọng vào trong sương. Không có ai muốn nghe ông nói. Người ta chỉ khăng khăng “đã tận mắt nhìn thấy tay ông ta thò vào túi người khác”. Như là cách người ta khẳng định đã nhìn thấy Sa đứng hôn một cô gái dưới cột đèn số 7.
*
Sa không biết mình đã đi đến đâu. Cũng không hiểu tại sao sương có thể nuốt đi vài phận người trong phố. Như thể khi sương buông xuống phố bỗng biến thành một vùng đất khác, đường mở ra những mê cung bất tận. Hoặc là một hố đen nào đó xuất hiện và nuốt chửng những con người đi trong cô độc. Sa hơi lạnh, giờ này mà ngồi ở nhà uống một cốc chè nóng thì tốt biết bao. Chè của mẹ vợ gửi lên. Bà thường hái chè xuân trong vườn, tự xao trên bếp củi rồi dành dụm gửi lên cho con rể uống dần. Bà chỉ có mình Hoa, nên bao nhiêu chắt chiu đều dành cho vợ chồng Sa hết. Thỉnh thoảng điện lên bà hay dặn “đừng để con gái mẹ phải buồn”. Sa không biết khi nào thì Hoa buồn. Có thể vì Sa vô tâm. Cũng có thể vì Hoa là người đàn bà đơn giản đến mức luôn tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Rồi Sa lại tự hỏi khi nào thì Hoa vui? Sa cũng không biết nữa. Chẳng nhẽ Hoa đã sống vô vị đến thế sao? Không buồn, không vui, không giận dữ. Hoặc là cô ấy quá khéo léo trong việc giấu kín những cảm xúc của mình. Giờ này cô ấy đang làm gì nhỉ? Lúi húi trong gian bếp để chuẩn bị bữa ăn sáng cho các con mình. Lũ trẻ chắc sắp dậy. Chúng sẽ vươn vai như những con mèo lười. Giờ này mà ôm chúng vào lòng thì thích thú biết bao. Còn hai tiếng nữa sương mới tan. Sa không biết mình đang lạc ở mê cung nào nữa.
Sa bỗng nhiên rùng mình, anh đi ngược con đường mình vừa mới đi. Nhưng sương dày đặc quá Sa nhận ra hình như mình đang đi về một hướng khác. Sa sờ túi quần định tìm điện thoại bật đèn flash nhưng chết tiệt, điện thoại đã để quên ở nhà. Sa không nhìn rõ được cảnh vật hai bên đường. Cũng không thấy căn nhà nào sáng đèn, căn bếp nào ấm lửa. Thứ ánh sáng vàng vọt của đèn đường không xuyên thấu được màn sương. Sa bỗng nghe thấy tiếng hát khe khẽ vang lên. Mỗi khi ngồi khâu vá bên cửa sổ Hoa vẫn thường hát lên như thế. Tiếng hát lúc bổng lúc trầm át đi tiếng nước sôi trên bếp. Giờ vẫn tiếng hát ấy xuyên qua sương dẫn lỗi bước chân Sa. Dù Sa không rõ tiếng hát cất lên trong tiềm thức hay đang hiện hữu ngay bên cạnh...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.